Thoái hóa khớp không còn là vấn đề chỉ của người cao tuổi mà ngày càng gia tăng ở người trẻ, đặc biệt là những người làm việc văn phòng, ít vận động hoặc có lối sống không khoa học. Tình trạng đau nhức, cứng khớp ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng cuộc sống, thậm chí làm suy giảm sức khỏe tinh thần.
Thoái hóa khớp, đặc biệt là thoái hóa khớp gối, là một phần không thể tránh khỏi của quá trình lão hóa. Đau nhức là triệu chứng xuất hiện sớm nhất, hiện nay có nhiều phương pháp điều trị khác nhau nhưng chưa có phương pháp nào được xem là tối ưu. Việc điều trị hiệu quả đòi hỏi sự kết hợp của nhiều biện pháp, tùy theo tình trạng và thể trạng của từng bệnh nhân.
Gia tăng tỷ lệ thoái hóa khớp ở người trẻ
Các bệnh lý cơ xương khớp ngày càng phổ biến do quá trình lão hóa tự nhiên, chấn thương, lối sống ít vận động và ảnh hưởng của các bệnh lý khác. Một trong những phương pháp điều trị được nhiều người quan tâm hiện nay là tiêm collagen vào khớp. Tuy nhiên, phương pháp này phải được thực hiện tại các cơ sở y tế uy tín, dưới sự giám sát của bác sĩ chuyên khoa để đảm bảo an toàn và hiệu quả.
Chị Đoàn Thị Lý (29 tuổi, TPHCM) làm việc văn phòng và thường xuyên bị đau nhức cột sống, khớp gối do ít vận động, duy trì tư thế không đúng trong thời gian dài. Sau khi thăm khám, bác sĩ chẩn đoán chị bị thoái hóa khớp. Các biện pháp điều trị bằng thuốc chỉ có tác dụng giảm đau tạm thời nhưng không giúp phục hồi sụn khớp bị tổn thương. Qua tư vấn, chị biết đến phương pháp tiêm tế bào gốc và huyết tương giàu tiểu cầu giúp kích thích tái tạo sụn khớp.
Tương tự, anh Nguyễn Mạnh Tuân (35 tuổi, Lâm Đồng) cũng bị thoái hóa khớp, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sinh hoạt hằng ngày. Trước đó, anh đã thử nhiều biện pháp như xoa bóp, dán cao, tập thể dục nhưng không có cải thiện đáng kể. Vì quá đau, anh tự mua thuốc giảm đau nhưng chỉ có tác dụng ngắn hạn. Sau khi đến bệnh viện khám, anh được bác sĩ tư vấn về tiêm collagen vào khớp nhưng vẫn còn băn khoăn về hiệu quả của phương pháp này.
BSCKII Phan Hữu Hùng - Giám đốc Bệnh viện Quân dân Y miền Đông (TPHCM) thăm khám cho bệnh nhân.
Tiêm collagen giúp phục hồi và bảo vệ khớp
BSCKII Phan Hữu Hùng - Giám đốc Bệnh viện Quân dân Y miền Đông (TPHCM) cho biết, các vấn đề xương khớp có thể điều trị bằng nội khoa hoặc ngoại khoa. Nếu được thực hiện đúng chỉ định, tiêm collagen có thể tăng độ nhờn cho khớp, hỗ trợ phục hồi sụn khớp bị tổn thương.
Collagen là thành phần quan trọng trong mô liên kết của cơ thể, đặc biệt trong sụn và dịch khớp, giúp khớp hoạt động linh hoạt và dẻo dai hơn. Phương pháp tiêm dịch khớp nhân tạo thường được chỉ định cho bệnh nhân bị thoái hóa khớp hoặc thiếu hụt dịch khớp. Tuy nhiên, không phải ai cũng phù hợp với phương pháp này.
Trước khi tiêm, bệnh nhân cần được bác sĩ thăm khám kỹ lưỡng để đưa ra chỉ định phù hợp. Nếu thực hiện đúng cách, tiêm collagen có thể hỗ trợ bôi trơn khớp và giúp giảm đau hiệu quả.
BS Hùng lưu ý rằng, không phải bệnh nhân nào cũng có thể tiêm collagen vào khớp. Một số trường hợp chống chỉ định bao gồm: Viêm khớp nhiễm khuẩn; u xương lành tính hoặc ác tính; tổn thương khớp do bệnh lý thần kinh; bệnh nhân mắc các bệnh rối loạn đông máu, tiểu đường chưa kiểm soát tốt; người suy giảm miễn dịch hoặc đang sử dụng thuốc ức chế miễn dịch liều cao; bệnh nhân có tổn thương nhiễm khuẩn tại vùng khớp cũng không nên tiêm collagen để tránh nguy cơ nhiễm trùng.
Việc tiêm collagen phải được thực hiện trong môi trường vô trùng, đảm bảo đúng kỹ thuật nhằm giảm nguy cơ biến chứng như xốp xương, teo cơ, mất vận động khớp hoặc nhiễm trùng.
Trong những trường hợp thoái hóa khớp nghiêm trọng, tiêm collagen không còn mang lại hiệu quả, bệnh nhân có thể được chỉ định thay khớp hoặc hàn khớp để cải thiện chất lượng cuộc sống. Phẫu thuật thay khớp gối giúp loại bỏ phần sụn hư và thay thế bằng vật liệu nhân tạo, giúp bệnh nhân vận động mà không còn đau nhức. Theo nghiên cứu, tỷ lệ thành công của phương pháp này đạt khoảng 93%.
Theo BS Hùng, phòng ngừa thoái hóa khớp là giải pháp quan trọng giúp giảm nguy cơ đau nhức do lão hóa. Một số biện pháp giúp bảo vệ khớp gối hiệu quả như tránh ngồi xổm, ngồi bắt chéo chân hoặc khiêng vác vật nặng; duy trì cân nặng hợp lý để giảm áp lực lên khớp; tập thể dục đều đặn với các bài tập nhẹ nhàng như yoga, bơi lội; đến bác sĩ chuyên khoa khi có dấu hiệu đau khớp để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.
Bệnh nhân không nên tự ý điều trị tại nhà mà cần đến bệnh viện để được bác sĩ tư vấn phương pháp phù hợp. Bảo vệ khớp ngay từ sớm là cách tốt nhất để duy trì sức khỏe xương khớp và tránh các biến chứng về sau.
Nam Thương