Với giá xăng dầu đang ở mức khá thấp, dưới 20 nghìn đồng/lít như hiện nay, nhiều tài xế khi vào trạm xăng có thể tự tin và rõng rạc hô "đổ đầy bình". Đây cũng là cách mà nhiều người áp dụng nhằm tiết kiệm thời gian, tránh phải ghé cây xăng nhiều lần.
Tuy nhiên, theo khuyến cáo từ các chuyên gia kỹ thuật ô tô, việc đổ "full bình" như vậy lại tiềm ẩn nhiều hệ lụy, từ gây lãng phí, ảnh hưởng đến khả năng vận hành xe, đến cả vấn đề an toàn cháy nổ và môi trường.
Nhiều người sử dụng ô tô thường xuyên hô "đầy bình" khi vào trạm xăng. Ảnh: Hoàng Hiệp
Dưới đây là 5 lý do người dùng ô tô nên cân nhắc trước khi yêu cầu đổ đầy bình xăng:
Xăng có thể tràn ra ngoài, gây lãng phí
Hiện nay, hầu hết các vòi bơm xăng hiện đại đều được tích hợp cảm biến để tự ngắt khi bình gần đầy. Tuy nhiên, với tốc độ bơm nhanh, hệ thống này không phải lúc nào cũng chính xác tuyệt đối. Khi tài xế yêu cầu “đầy bình”, việc tiếp tục bơm sau thời điểm ngắt có thể khiến nhiên liệu trào ra ngoài – vừa gây lãng phí, vừa nguy hiểm.
Ngoài ra, một số loại vòi bơm có cơ chế hút ngược phần xăng dư để chống tràn. Điều này đồng nghĩa: bạn có thể đã trả tiền cho cả phần nhiên liệu không thực sự đi vào xe.
Gây mùi khó chịu, tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ
Khi đổ quá đầy bình, nhiên liệu tiếp tục giãn nở khi di chuyển dưới trời nắng nóng. Nếu bình xăng không kín khít, nhiên liệu này hoàn toàn có thể tràn ra ngoài do đi vào đoạn đường xóc. Mùi xăng "sống" lan trong khoang xe cũng khiến nhiều người dễ bị say, khó chịu.
Trong điều kiện bất lợi, nhiên liệu tràn ra từ bình xăng có thể tiếp xúc với khu vực có nhiệt độ cao như ống xả gây nguy cơ cháy nổ.
"Tăng cân" cho xe, động cơ phải chịu tải nặng hơn
Một bình xăng ô tô trung bình chứa từ 50–60 lít. Khi đổ đầy, chiếc xe như đang "cõng" thêm khối lượng gần tương đương một người lớn ngồi trong xe. Dù không quá lớn, nhưng trọng lượng này vẫn ảnh hưởng đến khả năng tăng tốc, tiêu hao nhiên liệu và vận hành, đặc biệt khi di chuyển đường dài.
Ảnh hưởng đến cân bằng khi vào cua
Xăng dầu là chất lỏng, chịu tác động mạnh của lực ly tâm và quán tính khi xe vào cua hoặc phanh gấp. Với một bình xăng đầy, lượng nhiên liệu dao động trong bình lớn hơn, có thể tạo ra cảm giác “lắc nhẹ” hoặc thiếu ổn định khi đánh lái gấp, nhất là khi xe vào cua ở tốc độ cao trên đèo dốc.
Có thể hiện đèn "cá vàng", ảnh hưởng hệ thống khí thải
Xăng giãn nở khi gặp nhiệt độ cao, nhất là khi chạy ngoài đường vào mùa hè. Một bình xăng đầy tới miệng có thể tạo ra áp suất lớn trong bình chứa, vượt mức tối ưu mà hệ thống xe được thiết kế.
Điều này dễ khiến bầu lọc than hoạt tính trong hệ thống kiểm soát khí thải bị quá tải, dẫn đến lỗi trong hệ thống đốt nhiên liệu. Hệ quả: đèn “Check Engine” bật sáng – cảnh báo lỗi kỹ thuật và buộc bạn phải mang xe đi kiểm tra.
Theo các chuyên gia, mức nhiên liệu lý tưởng mỗi lần đổ nên duy trì trong khoảng 70–90% dung tích bình, tránh đổ “ngập miệng”. Không chỉ tiết kiệm chi phí, cách làm này còn đảm bảo xe hoạt động ổn định và giảm nguy cơ cháy nổ hay hư hại hệ thống.
Tuy nhiên, tránh đổ "full bình" không có nghĩa là để bình cạn sạch mới bổ sung. Trong hầu hết các xe hiện đại, bơm xăng được đặt chìm trong bình và làm mát bằng chính nhiên liệu. Nếu mức xăng quá cạn, bơm có thể bị quá nhiệt và nhanh hỏng. Lượng xăng ở mức thấp còn có nguy cơ kéo theo cặn bẩn ở đáy bình, ảnh hưởng đến lọc xăng và động cơ.
Bạn có góc nhìn (hoặc có trải nghiệm) nào về vấn đề trên? Hãy để lại bình luận bên dưới hoặc chia sẻ bài viết về Báo VietNamNet theo email: otoxemay@vietnamnet.vn. Các nội dung phù hợp sẽ được đăng tải. Xin cảm ơn!
Hoàng Hiệp