Hiệu quả từ chính sách hỗ trợ thuế 2%
Theo báo cáo của Chính phủ trong năm 2024, việc áp dụng chính sách giảm 2% thuế giá trị gia tăng theo Nghị quyết số 110/2023/QH15 và Nghị quyết số 142/2024/QH15 đã hỗ trợ trực tiếp khoảng 49 nghìn tỷ đồng cho doanh nghiệp và người dân. Nhờ đó, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng cả năm tăng 9,0% so với năm 2023.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng. Ảnh: VPQH
Kết quả tích cực này cho thấy, chính sách giảm thuế giá trị gia tăng đã phát huy hiệu quả rõ rệt. Cụ thể, việc giảm thuế đầu vào giúp doanh nghiệp tiết kiệm chi phí sản xuất, qua đó hạ giá bán hàng hóa, dịch vụ đến tay người tiêu dùng.
"Điều này không chỉ kích thích tiêu dùng nội địa mà còn tạo động lực phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh. Đồng thời, chính sách đã góp phần mở rộng việc làm, nâng cao thu nhập, qua đó đạt được mục tiêu kép: Hỗ trợ tăng trưởng kinh tế và ổn định an sinh xã hội" - Bộ trưởng Bộ Tài chính thông tin.
Theo ông Nguyễn Văn Thắng, để góp phần tạo động lực thúc đẩy, phát triển cho nền kinh tế, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp, thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh, du lịch, tiêu dùng trong nước trong năm 2025 và năm 2026, cần tiếp tục thực hiện chính sách giảm thuế giá trị gia tăng.
Nhiều nhóm hàng hóa mới được đề xuất giảm thuế giá trị gia tăng
Theo đề xuất của Chính phủ, trong nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng thuế suất thuế giá trị gia tăng 10%, dự kiến sẽ thực hiện giảm 2% thuế suất giá trị gia tăng trong 6 tháng cuối năm 2025 và năm 2026 đối với các loại hàng hóa, dịch vụ phục vụ sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng và du lịch, nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, kích cầu tiêu dùng và thúc đẩy du lịch nội địa.
Tuy nhiên, Chính phủ cũng đề xuất một số mặt hàng sẽ không được áp dụng chính sách giảm thuế. Cụ thể: Không giảm thuế giá trị gia tăng đối với hàng hóa là tài nguyên, khoáng sản, trừ trường hợp là hàng hóa đặc biệt, đóng vai trò quan trọng trong hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Không áp dụng giảm thuế giá trị gia tăng đối với các hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt, ngoại trừ mặt hàng xăng.
Theo đó, dự thảo đề xuất tiếp tục thực hiện giảm 2% thuế suất thuế giá trị gia tăng đối với nhóm hàng hóa, dịch vụ đã được áp dụng mức thuế giá trị gia tăng giảm 2% theo Nghị quyết số 43/2022/QH15.
Các đại biểu họp phiên toàn thể tại hội trường. Ảnh: VPQH
Đồng thời, mở rộng đối tượng được giảm thuế sang một số nhóm hàng hóa, dịch vụ mới, chưa được hưởng ưu đãi trước đây nhưng nay đáp ứng nguyên tắc hỗ trợ tiêu dùng và sản xuất, cụ thể:
Nhóm sản phẩm, dịch vụ công nghệ thông tin và sản phẩm kim loại đúc sẵn: Gồm máy giặt, lò vi sóng, dịch vụ xử lý dữ liệu, cho thuê hạ tầng công nghệ, cổng thông tin điện tử, thùng, bể chứa kim loại, nồi hơi... Đây là các sản phẩm phục vụ tiêu dùng trực tiếp của người dân.
Nhóm nguyên, nhiên liệu đầu vào cho sản xuất: Gồm than cốc, dầu mỏ tinh chế (xăng, dầu, mỡ bôi trơn...), hóa chất phục vụ sản xuất (phân bón, hợp chất ni-tơ, nhựa plastic, cao su tổng hợp...), than nhập khẩu và thương mại (than khai thác trong nước đã được giảm trước đó). Đây là các yếu tố đầu vào quan trọng cho sản xuất hàng hóa tiêu dùng trong nước.
Mặt hàng xăng, dầu: Dù thuộc đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt, xăng dầu vẫn được xem xét giảm thuế do có ảnh hưởng lớn đến chi phí sản xuất, kinh doanh, giá tiêu dùng và ổn định kinh tế vĩ mô.
Bảo đảm điều hành ngân sách trong phạm vi bội chi được Quốc hội thông qua
Trình bày Báo cáo thẩm tra của Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế - Tài chính Phan Văn Mãi cho biết: Đa số ý kiến trong Ủy ban Kinh tế - Tài chính nhất trí với đề xuất của Chính phủ về việc tiếp tục giảm thuế giá trị gia tăng trong 6 tháng cuối năm 2025 và cả năm 2026.
“Đây được xem là chính sách đã được triển khai ổn định từ sau đại dịch Covid-19 (năm 2022) đến nay, góp phần hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh và giữ ổn định kinh tế vĩ mô” - Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế - Tài chính nhấn mạnh.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế - Tài chính Phan Văn Mãi. Ảnh: VPQH
Theo báo cáo thẩm tra, trong bối cảnh kinh tế trong nước còn nhiều khó khăn, kinh tế thế giới biến động khó lường, chuỗi cung ứng và thương mại quốc tế bị gián đoạn, ảnh hưởng đến mục tiêu xuất khẩu, việc duy trì chính sách giảm thuế giá trị gia tăng sẽ là giải pháp quan trọng để kích cầu tiêu dùng nội địa, hỗ trợ tăng trưởng, hướng tới mục tiêu GDP tăng 8% trong năm 2025.
Liên quan đến phạm vi điều chỉnh của chính sách, Chính phủ đề xuất tiếp tục giảm 2% thuế giá trị gia tăng cho hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế suất 10% (trừ viễn thông, tài chính, ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm, bất động sản); sản phẩm kim loại, khai khoáng (trừ than); hàng hóa, dịch vụ chịu thuế tiêu thụ đặc biệt (trừ xăng) trong 6 tháng cuối năm 2025 và cả năm 2026.
So với chính sách hiện hành, Chính phủ đề nghị mở rộng phạm vi áp dụng đối với sản phẩm, dịch vụ công nghệ thông tin, kim loại đúc sẵn, than cốc, dầu mỏ tinh chế, hóa chất, than nhập khẩu, than thương mại và xăng.
Đa số ý kiến trong Ủy ban Kinh tế - Tài chính Quốc hội tán thành với đề xuất, cho rằng việc mở rộng diện giảm thuế là cần thiết để hỗ trợ doanh nghiệp, kích cầu tiêu dùng và thúc đẩy tăng trưởng trong bối cảnh kinh tế còn nhiều khó khăn. Tuy nhiên, đề nghị Chính phủ đánh giá kỹ tác động đến thu ngân sách nhà nước, bảo đảm cân đối tài khóa, an toàn nợ công và tính nhất quán với các sắc thuế khác như thuế bảo vệ môi trường, thuế tiêu thụ đặc biệt.
Tuy nhiên, theo Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế - Tài chính, một số ý kiến đại biểu cũng đề nghị cần rà soát, bổ sung các mặt hàng bị ảnh hưởng bởi chính sách thuế đối ứng, xung đột thương mại...
Cân nhắc giảm thuế với tất cả hàng hóa, dịch vụ nếu chênh lệch thu ngân sách không đáng kể, nhằm tạo sự công bằng cho người nộp thuế.
Thận trọng mở rộng chính sách, vì giảm thuế giá trị gia tăng từng được áp dụng trong bối cảnh đặc biệt của đại dịch. Hiện nay, kinh tế đã dần phục hồi, nhiều ngành hàng có lợi nhuận cao, ít bị ảnh hưởng nên việc tiếp tục ưu đãi thuế chưa thực sự phù hợp.
Ủy ban Kinh tế - Tài chính cơ bản thống nhất với đề xuất của Chính phủ về tiếp tục giảm 2% thuế giá trị gia tăng, đồng thời đề nghị Chính phủ tiếp thu ý kiến thẩm tra để hoàn thiện dự thảo Nghị quyết. Việc thực hiện cần bám sát kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, bảo đảm mục tiêu chính sách, tránh phát sinh vướng mắc.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đề nghị Chính phủ cần đánh giá kỹ tác động đến cân đối ngân sách, tính toán đầy đủ các khoản giảm thu, nhiệm vụ chi phát sinh và thể hiện trong báo cáo tài chính, ngân sách năm 2025, làm căn cứ xây dựng dự toán năm 2026. Đồng thời, chịu trách nhiệm điều hành, bảo đảm cân đối ngân sách nhà nước trong phạm vi bội chi đã được Quốc hội phê duyệt.
Thu Hường