Cách đây chưa đầy 10 năm, nhắc đến Trường Giang, nhiều người nghĩ ngay đến một địa phương vùng sâu với tỷ lệ hộ nghèo luôn ở mức cao so với mặt bằng chung của tỉnh. Tuy nhiên, nhờ các chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững, bộ mặt nông thôn nơi đây đã có nhiều khởi sắc.
“Cú hích” từ tư duy chuyển đổi
Từ năm 2021 đến nay, Trường Giang đã huy động nhiều nguồn lực để đầu tư 9,4 km đường xã, gần 20 km đường liên thôn và 15,86 km đường ngõ xóm. Những con đường bê tông hóa không chỉ nối liền giao thương mà còn mở lối cho những tư duy sản xuất mới.
Để xóa nghèo, xã Trường Giang (nay thuộc xã Nghĩa Phương) chủ động phát huy lợi thế vườn đồi.
Để xóa nghèo, làm giàu cho người dân, xã đặc biệt chú trọng tới việc phát huy lợi thế vườn đồi, đất rừng để phát triển kinh tế hộ gia đình. Đồng thời, xã khuyến khích các hộ chuyển đổi giống cây trồng, vật nuôi theo hướng hàng hóa, kỹ thuật cao và hình thành liên kết thông qua các mô hình HTX, tổ hợp tác.
Một trong những điển hình tiêu biểu là mô hình trồng bưởi đỏ của anh Trần Quang Hiệp (thôn An Phúc). Trên diện tích gần 5.000 m², anh đã mạnh dạn đưa giống bưởi đỏ đặc sản về trồng và chủ động học hỏi kỹ thuật từ mạng internet, các lớp tập huấn của địa phương.
Nhờ sản xuất khoa học, vườn bưởi nhà anh Hiệp liên tục cho năng suất cao, giá bán ổn định. Bình quân mỗi vụ cho thu nhập trên dưới 1 tỷ đồng. Đáng chú ý, để ổn định thị trường tiêu thụ, anh Hiệp chủ động tìm kiếm sự hỗ trợ từ địa phương, qua đó kết nối với doanh nghiệp bao tiêu.
Đây không phải là mô hình cá biệt. Từ năm 2022, trên địa bàn xã đã hình thành tổ liên kết trồng vải thiều với sự tham gia của 220 hộ dân, canh tác trên diện tích hơn 150 ha.
Tổ liên kết do HTX Nông nghiệp Trường Giang chủ trì, tập trung hỗ trợ người dân áp dụng quy trình VietGAP, truy xuất nguồn gốc và kết nối tiêu thụ nông sản.
Nhiều năm qua, HTX Nông nghiệp Trường Giang cũng là cầu nối quan trọng giúp các hộ dân tiếp cận các chương trình đào tạo nghề, hỗ trợ phân bón, cây giống, thiết bị tưới tiết kiệm nước từ Liên minh HTX Việt Nam và Liên minh HTX tỉnh Bắc Giang.
Theo đại diện HTX, các chương trình hỗ trợ này đã giúp nâng cao chất lượng nông sản, từ đó tăng khả năng đàm phán trong tiêu thụ và nâng cao thu nhập cho người trồng vải. Hiện, nhiều hộ thành viên trong HTX đã đạt thu nhập bình quân từ 150–200 triệu đồng/năm.
“Chìa khóa vàng” để giảm nghèo bền vững
Vốn là một xã thuần nông, Trường Giang không có lợi thế về công nghiệp hay dịch vụ. Tuy nhiên, xã đã phát huy tối đa nguồn lực con người thông qua chương trình đưa lao động đi làm việc tại nước ngoài và các khu công nghiệp trong tỉnh.
Tính đến đầu năm 2024, toàn xã có 55 lao động đang làm việc tại Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan và gần 500 lao động làm việc tại các khu công nghiệp trong tỉnh. Nhờ đó, nhiều hộ gia đình đã có điều kiện cải tạo, xây dựng nhà ở, vươn lên thoát nghèo.
Gia đình anh Giáp Quang Khánh (thôn Tòng Lệnh 1) là một ví dụ điển hình. Từ nguồn thu nhập ổn định sau hơn 3 năm làm việc tại Nhật Bản, anh đã xây dựng được ngôi nhà hai tầng khang trang, tiện nghi.
Trong khi đó, vợ chồng anh Hoàng Văn Dương (thôn An Phúc) có thể tiết kiệm gần 20 triệu đồng/tháng nhờ công việc tại khu công nghiệp Vân Trung, nơi có xe đưa đón và chế độ phúc lợi tốt.
Cùng với đó, các HTX trong xã còn tổ chức các lớp đào tạo nghề ngắn hạn cho người dân, kết hợp với tư vấn việc làm và liên kết doanh nghiệp, góp phần tạo ra nhiều việc làm ngay tại địa phương.
Một số HTX lâm nghiệp đã đầu tư máy móc bóc tách, băm gỗ để tận dụng nguyên liệu từ rừng trồng, qua đó tạo việc làm cho hàng trăm lao động thời vụ với mức thu nhập ổn định 6–9 triệu đồng/tháng.
Các HTX, tổ hợp tác đang đóng góp tích cực vào công tác xóa đói, giảm nghèo tại địa phương.
Để có được những kết quả trên, bên cạnh nỗ lực của người dân và chính quyền địa phương, sự đồng hành của Liên minh HTX Việt Nam và Liên minh HTX tỉnh đóng vai trò hết sức quan trọng.
Thông qua các chương trình hỗ trợ phát triển HTX, chuyển giao khoa học kỹ thuật, hỗ trợ xây dựng mô hình sản xuất nông nghiệp tuần hoàn, Liên minh HTX Việt Nam và Liên minh HTX tỉnh đã tiếp thêm động lực thoát nghèo, làm giàu cho hàng trăm hộ dân trên địa bàn.
Phát triển toàn diện, bền vững
Một số chương trình tiêu biểu có thể kể đến như hỗ trợ giống cây ăn quả chất lượng cao (bưởi đỏ, vải thiều sớm), chuyển giao công nghệ chăm sóc cây trồng thông minh, tư vấn xây dựng thương hiệu OCOP và kết nối tiêu thụ nông sản với hệ thống siêu thị, sàn thương mại điện tử.
Trogn 3 năm qua, Liên minh HTX tỉnh phối hợp tổ chức hàng chục lớp tập huấn chuyên sâu về khởi nghiệp nông nghiệp và kỹ năng điều hành HTX cho hơn 100 cán bộ, thành viên HTX trên địa bàn tỉnh, trong đó có nhiều học viên đến từ Trường Giang.
Mặc dù đã đạt được nhiều kết quả tích cực, Trường Giang vẫn còn một số hạn chế như hạ tầng giao thông nội thôn chưa đồng bộ, tỷ lệ hộ nghèo tuy giảm nhưng chưa thực sự bền vững, và một bộ phận người dân chưa chủ động trong tiếp cận chính sách giảm nghèo.
Tuy nhiên, thời gian tới, xã Trường Giang sau sắp xếp sáp nhập vào xã Nghĩa Phương dự kiến tiếp tục đẩy mạnh triển khai các dự án nâng cấp tuyến đường trung tâm xã kết nối tỉnh lộ 293 và các thôn đặc biệt khó khăn như An Phúc, Đồng Chè, Tòng Lệnh 3. Đây sẽ là "cú hích" mới, góp phần khai thác triệt để lợi thế nông – lâm nghiệp, tạo động lực để các HTX mở rộng quy mô sản xuất.
Trong giai đoạn 2025–2030, xã đã đặt mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống dưới 2%, mỗi thôn có ít nhất một mô hình kinh tế tiêu biểu do HTX hoặc tổ hợp tác điều hành, qua đó từng bước trở thành điểm sáng trong xây dựng nông thôn mới nâng cao, đóng góp chung vào sự phát triển của xã Nghĩa Phương (mới) sau sáp nhập.
Từ đất khó vươn lên bằng nội lực và liên kết, Trường Giang đang dần khẳng định không phải cứ có nhà máy, khu công nghiệp mới thoát nghèo – mà chính mô hình kinh tế hợp tác, HTX, sự chủ động của người dân, cùng với hỗ trợ kịp thời từ các tổ chức như Liên minh HTX Việt Nam và Liên minh HTX tỉnh, là yếu tố then chốt tạo nên sự thay đổi bền vững.
An Chi