Cây ăn quả được trồng dọc lối đi vào khu vực chăn nuôi của anh Hà Thịnh Hưng, xã Nga An (Nga Sơn).
Trong lối đi vào khu vực chăn nuôi trồng cây ăn quả như bưởi, dừa, mít..., anh Hưng cho biết: "Trên diện tích 1,6ha đất nông nghiệp của gia đình và đất mua lại của các hộ dân xung quanh, tôi đã quy hoạch, đầu tư xây dựng 5.500m2 nhà lưới trồng cây ăn quả (3.500m2 trồng dưa vàng và 2.000m2 trồng nho sữa Hàn Quốc); đào 2 ao thả cá, mỗi ao 1.000m2, diện tích còn lại xây dựng 2 khu chuồng trại để chăn nuôi hơn 1.000 con lợn thịt/lứa và 50 lợn nái sinh sản".
Do chăn nuôi quy mô lớn nên để xử lý chất thải an toàn, hợp vệ sinh, anh Hưng đã xây dựng hệ thống biogas. Toàn bộ chất thải chăn nuôi khoảng 20 tấn/năm được chuyển xuống ngâm ủ tại bể biogas, sau đó bơm lên các ao lắng, phối trộn với chế phẩm sinh học, tiếp tục quá trình ngâm ủ để trở thành phân bón hữu cơ. Nguồn phân này được anh Hưng sử dụng để chăm sóc toàn bộ cây trồng trong trang trại, vừa có tác dụng cải tạo đất, vừa không gây ô nhiễm môi trường.
Nhờ thực hiện quy trình tuần hoàn, khép kín trong quá trình sản xuất nên gia đình anh Hưng không những tận dụng tối đa các loại phụ phẩm trong sản xuất, tiết kiệm chi phí sản xuất, nâng cao giá trị thu nhập mà toàn bộ chất thải trong quá trình sản xuất được tận dụng triệt để, không thải ra môi trường. Đặc biệt, do sản phẩm làm ra luôn đảm bảo chất lượng, sạch và an toàn nên toàn bộ diện tích dưa, nho và nhiều cây ăn quả khác được người tiêu dùng đón nhận, góp phần đem lại lợi nhuận từ trồng trọt, chăn nuôi cho gia đình từ 700 - 800 triệu đồng/năm.
Trang trại trồng cây ăn quả, kết hợp chăn nuôi của ông Đỗ Văn Hoan, xã Cẩm Tân (Cẩm Thủy) cũng đem lại giá trị thu nhập cao nhờ áp dụng thành công quy trình sản xuất nông nghiệp hữu cơ, tuần hoàn không chất thải. Ông Hoan cho biết: "Trên diện tích 5ha đất thuê lại của các hộ trong thôn, tôi đã đầu tư xây dựng chuồng trại chăn nuôi lợn theo hình thức liên kết, với quy mô 1.000 con/lứa, 50 con bò thịt và hàng trăm con gà, ngan. Đồng thời, trồng 2.000 cây mít Thái, dừa xiêm, cam và rau màu các loại".
Để phát triển trang trại theo mô hình tuần hoàn, khép kín và đem lại hiệu quả thu nhập, các chất thải chăn nuôi kết hợp với các phụ phẩm thải ra trong trồng trọt, ông Hoan sử dụng để nuôi giun quế, lấy giun quế để nuôi gà, ngan và phân của giun quế được dùng bón cho các loại cây trồng trong vườn. Nhờ thực hiện quy trình tuần hoàn, khép kín nên đã tiết kiệm được các khoản chi phí trong sản xuất, không phải mua thức ăn chăn nuôi và nguồn phân bón cho cây trồng. Ngược lại, còn cung ứng ra thị trường mỗi năm từ 1 - 2 tấn giống giun quế và 15 tấn phân trùn quế/năm. Đặc biệt, do các sản phẩm làm ra được chăm sóc theo hướng hữu cơ, đảm bảo chất lượng, sạch và an toàn nên được người tiêu dùng đón nhận, góp phần đem lại lợi nhuận cho gia đình ông Hoan khoảng 300 triệu đồng/năm.
Theo Hội Làm vườn và Trang trại Thanh Hóa, hiện trên địa bàn tỉnh có khoảng 200 trang trại/1.505 trang trại được sản xuất theo hướng tuần hoàn khép kín. Các trang trại này hiện đang cho thu nhập bình quân từ vài trăm triệu đến hàng tỷ đồng/năm. Ngoài đem lại giá trị thu nhập cho chủ trang trại, mô hình trang trại tuần hoàn còn góp phần tạo ra hệ sinh thái khép kín, là hướng đi đúng trong bối cảnh giá vật tư nông nghiệp, thức ăn chăn nuôi tăng cao, giúp người sản xuất giảm chi phí đầu vào, nâng cao hiệu quả kinh tế. Đồng thời, góp phần giảm ô nhiễm môi trường, tạo ra các sản phẩm an toàn cho sức khỏe người tiêu dùng.
Bài và ảnh Minh Lý