Mô hình đã góp phần giải quyết việc làm tại chỗ, tạo thu nhập cho đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) địa phương.
Buôn Ama Giai có 184 hộ, trong đó có 73 hộ nghèo, 51 hộ cận nghèo. Từ năm 2023 đến nay, buôn có 15 hộ đăng ký quản lý, bảo vệ 323,67 ha rừng. Thời gian tham gia quản lý là 50 năm. Để đồng bào DTTS thực hiện tốt vai trò chủ rừng, Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện đã xây dựng mô hình thí điểm “Phát triển sản xuất, chăn nuôi gắn với việc trồng, quản lý, bảo vệ và phát triển rừng bền vững” tại buôn Ama Giai với 15 hộ dân đăng ký tham gia.
Thời gian thực hiện mô hình từ tháng 11-2024 đến tháng 11-2025. Để các hộ phát triển chăn nuôi, Ban vận động Quỹ “Vì người nghèo” huyện đã xuất 108 triệu đồng hỗ trợ 5 hộ nghèo và 4 hộ cận nghèo mua vật nuôi. Đồng thời, tuyên truyền, vận động, hướng dẫn cho các hộ tham gia thực hiện tốt nhiệm vụ quản lý, bảo vệ, phát triển, sử dụng rừng bền vững.
Gia đình ông Rah Lan Yơn thuộc diện hộ nghèo. Khi tham gia mô hình, gia đình ông được hỗ trợ 12 triệu đồng để mua bò sinh sản. Ông phấn khởi nói: “Năm 2024, khi có chủ trương của Nhà nước giao đất, giao rừng cho người dân quản lý, tôi đăng ký và được giao 26 ha tại tiểu khu 1349.
Từ khi nhận đất rừng, hàng tuần, tôi thường xuyên kiểm tra để kịp thời ngăn chặn các hành vi chặt phá rừng hoặc đốt nương rẫy gây cháy rừng. Giờ đây, ngoài việc có nguồn thu nhập hơn 10 triệu đồng/năm từ tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng, tôi còn được khai thác lâm sản phụ dưới tán rừng.
Mới đây, tôi được Nhà nước hỗ trợ tiền mua bò sinh sản để phát triển chăn nuôi dưới tán rừng. Tôi sẽ cố gắng giữ rừng thật tốt”.
Anh Kpă Lưỡi cho hay khi anh nhận khoán bảo vệ rừng là xác định việc chăm sóc, bảo vệ, trồng rừng và dựa vào rừng để phát triển kinh tế. Ảnh: L.N
Gia đình anh Kpă Lưỡi thuộc diện hộ cận nghèo. Năm 2023, anh đăng ký nhận quản lý 16 ha rừng. Ngoài diện tích rừng được giao quản lý và 1,2 ha bạch đàn của gia đình, anh còn chăn nuôi bò dưới tán rừng.
Hàng năm, nguồn thu nhập từ tiền dịch vụ môi trường rừng giúp gia đình có thêm nguồn vốn phục vụ sản xuất và sinh hoạt. Đầu tháng 12-2024, gia đình anh được hỗ trợ 12 triệu đồng mua bò sinh sản để nuôi dưới tán rừng.
“Mình sẽ gắn bó lâu dài với việc bảo vệ rừng và dựa vào rừng để phát triển kinh tế. Sắp tới, mình sẽ tìm hiểu thêm những loại cây trồng phù hợp để trồng xen vào diện tích rừng đang quản lý”-anh Lưỡi chia sẻ.
Cùng chung niềm vui, ông Rah Lan Đang cho biết: “Năm 2024, gia đình tôi được Nhà nước giao quản lý 20 ha rừng. Các thành viên trong gia đình thay phiên nhau bảo vệ rừng và tuyên truyền để người dân không phá rừng, lấn chiếm đất rừng làm nương rẫy. Vừa rồi, gia đình được Nhà nước hỗ trợ 1 con bò sinh sản. Tôi sẽ cố gắng chăn nuôi dưới tán rừng để phát triển kinh tế”.
Ông Rah Lan Đang chăm sóc đàn bò của gia đình. Ảnh: L.N
Trao đổi với P.V, ông Trịnh Thanh Khiết-Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện, Trưởng ban vận động và triển khai thực hiện mô hình “Phát triển sản xuất, chăn nuôi gắn với việc trồng, quản lý, bảo vệ và phát triển rừng bền vững” tại buôn Ma Giai-cho biết: “Mô hình đã làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong đồng bào DTTS, phát huy lợi thế của địa phương, đồng thời còn bảo tồn và phát triển các loại gỗ quý, dược liệu và lâm sản dưới tán rừng. Đây là mô hình thí điểm nhằm tạo tiền đề để nhân rộng ra các địa phương khác”.
LÊ NAM