Ba ngành học “hot” nhất
Thưa TS Trần Thị Tuyết Nhung, chỉ tiêu tuyển sinh của HVTTN năm học 2025-2026 là bao nhiêu? Những ngành nào sẽ tuyển nhiều thí sinh nhất?
TS Trần Thị Tuyết Nhung: Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam dự kiến chỉ tiêu tuyển sinh năm học 2025-2026 là 1.650 sinh viên. Trong đó, các ngành đào tạo về Quan hệ công chúng, Luật, và Tâm lý học sẽ thu hút nhiều thí sinh nhất. Nguyên nhân là vì những ngành này đáp ứng sát với nhu cầu thực tiễn của xã hội hiện nay. Ngành Luật giữ vai trò quan trọng trong bối cảnh hội nhập và xây dựng đất nước, khi các hoạt động kinh tế, xã hội ngày càng đòi hỏi sự hiểu biết và tuân thủ pháp luật. Quan hệ công chúng phát triển mạnh mẽ trong thời đại truyền thông số, khi doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân đều cần xây dựng hình ảnh, thương hiệu và kết nối cộng đồng một cách chuyên nghiệp. Trong khi đó, Tâm lý học trở nên cấp thiết trong bối cảnh con người ngày càng đối mặt với nhiều áp lực tinh thần, từ học tập, công việc đến các mối quan hệ xã hội, tạo ra nhu cầu lớn về tư vấn tâm lý, trị liệu và hỗ trợ phát triển cá nhân đặc biệt là đối tượng thanh niên, thiếu nhi. Cả ba ngành đều có tính ứng dụng cao, đa dạng cơ hội việc làm và phù hợp với xu hướng phát triển bền vững, nhân văn của xã hội hiện đại.
Các ngành đào tạo về Quan hệ công chúng, Luật, và Tâm lý học sẽ thu hút nhiều thí sinh nhất.
TS Trần Thị Tuyết Nhung – Phó Giám đốc Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam.
Năm nay, HVTTN có những ngành học nào mới? Lý do HVTTN mở những ngành mới này là gì?
TS Trần Thị Tuyết Nhung: Năm nay, Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam dự kiến mở thêm các ngành học mới là Kinh tế và Công nghệ thông tin, nhằm đáp ứng xu thế phát triển của xã hội và nhu cầu ngày càng cao về nguồn nhân lực chất lượng trong các lĩnh vực này. Việc mở ngành Kinh tế xuất phát từ thực tế đất nước đang đẩy mạnh đổi mới mô hình kinh doanh, chuyển đổi số và hội nhập quốc tế, đòi hỏi những người trẻ không chỉ có tư duy quản trị mà còn am hiểu kinh tế số, tài chính, khởi nghiệp và phát triển bền vững.
Hoạt động tiếp đón, làm thủ tục cho tân sinh viên Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam.
Trong khi đó, ngành Công nghệ thông tin là lĩnh vực then chốt trong kỷ nguyên 4.0, đóng vai trò nền tảng cho mọi hoạt động quản lý, truyền thông, giáo dục và đổi mới sáng tạo. Việc đào tạo nguồn nhân lực CNTT sẽ giúp thanh niên có khả năng thích ứng với thị trường lao động trong nước và quốc tế, đồng thời góp phần hiện đại hóa công tác thanh niên, phát triển cộng đồng và quản lý tổ chức – những lĩnh vực truyền thống của Học viện. Đây là bước đi chiến lược, thể hiện sự chủ động và tiên phong của Học viện trong việc gắn đào tạo với thực tiễn xã hội. Công tác chuẩn bị đã được triển khai kỹ lưỡng với đội ngũ giảng viên chuyên môn cao, cơ sở vật chất hiện đại, cũng như xây dựng chương trình đào tạo gắn liền với thực tế. Với những điều kiện đã được chuẩn bị, chúng tôi tin rằng đây sẽ là hai ngành học tiềm năng, thu hút thí sinh đăng ký khi bắt đầu tuyển sinh.
Việc đào tạo nguồn nhân lực CNTT sẽ giúp thanh niên có khả năng thích ứng với thị trường lao động trong nước và quốc tế, đồng thời góp phần hiện đại hóa công tác thanh niên, phát triển cộng đồng và quản lý tổ chức – những lĩnh vực truyền thống của Học viện.
Công tác chuẩn bị cho những ngành học mới này thế nào, thưa bà?
TS Trần Thị Tuyết Nhung: Về công tác chuẩn bị, Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam đã chủ động xây dựng kế hoạch chi tiết để đảm bảo đáp ứng các yêu cầu đào tạo, cụ thể gồm:
Một là, về đội ngũ giảng viên, Học viện đã tuyển dụng và mời hợp tác với nhiều giảng viên có trình độ cao, bao gồm các phó giáo sư, tiến sĩ chuyên gia trong lĩnh vực Công nghệ thông tin và Kinh tế, từ các trường đại học lớn trong nước và quốc tế. Đồng thời, Học viện tổ chức các chương trình tập huấn, nâng cao trình độ cho đội ngũ giảng viên hiện có, tập trung vào các nội dung như công nghệ 4.0, quản trị kinh doanh hiện đại và kinh tế số.
Giảng viên, sinh viên Học viện Thanh thiếu niên tích cực tham gia các hoạt động tình nguyện.
Hai là về cơ sở vật chất, Học viện đã đầu tư nâng cấp các phòng học, phòng thực hành với trang thiết bị hiện đại, đặc biệt là các phòng lab phục vụ đào tạo ngành Công nghệ thông tin, như phòng máy tính cấu hình cao, phòng thực hành lập trình và hệ thống mô phỏng dữ liệu. Thư viện của Học viện cũng được bổ sung thêm tài liệu chuyên sâu phục vụ hai ngành mới này, bao gồm giáo trình quốc tế và các tài liệu nghiên cứu cập nhật.
Sinh viên Học viện với hoạt động tình nguyện.
Đối với ngành Kinh tế, các phòng học được trang bị công cụ giảng dạy tiên tiến, bao gồm các phần mềm phân tích dữ liệu, quản lý tài chính và mô phỏng thị trường kinh tế.
Đối với ngành công nghệ thông tin, Học viện đã trang bị các phòng làm việc và phòng máy với đầy đủ trang thiết bị đáp ứng yêu cầu của công việc và yêu cầu đào tạo các bậc học.
Ba là về chương trình đào tạo, Học viện đã phối hợp với các chuyên gia để xây dựng chương trình đào tạo đạt chuẩn, hướng đến đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, vừa có kiến thức chuyên sâu, vừa có kỹ năng thực hành đáp ứng yêu cầu thực tiễn. Đặc biệt, chương trình đào tạo ngành Công nghệ thông tin sẽ chú trọng vào các lĩnh vực như lập trình, trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn (Big Data) và an ninh mạng. Ngành Kinh tế sẽ tập trung vào các nội dung như kinh tế số, quản lý doanh nghiệp, quản lý sự thay đổi và phân tích tài chính.
Sinh viên Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam tham quan, tìm hiểu lịch sử tại Bảo tàng Tuổi trẻ.
Bốn là đẩy mạnh các hoạt động NCKH trong đó Học viện tập trung thực hiện các đề tài khoa học cấp quốc gia và cấp bộ, đặc biệt là các đề tài liên quan đến phát triển thanh niên trong kỷ nguyên số, ứng dụng công nghệ số trong giáo dục và quản lý thanh niên trong đó khuyến khích thanh niên nâng cao kỹ năng lập thân, lập nghiệp, kỹ năng thích ứng với những thay đổi trong bối cảnh chuyển đổi số.
Năm là tăng cường ứng dụng công nghệ cao trong giáo dục và nghiên cứu, đối với chuyển đổi số trong giáo dục, Học viện đã xây dựng hệ thống học liệu số, thư viện số và triển khai các nền tảng học tập trực tuyến, hỗ trợ sinh viên và giảng viên tiếp cận tài liệu học tập một cách linh hoạt, hiện đại. Các phòng lab nghiên cứu được trang bị công nghệ tiên tiến, hỗ trợ việc giảng dạy và thực hiện các thí nghiệm, nghiên cứu khoa học. Bên cạnh đó, Học viện ứng dụng các công cụ công nghệ thông tin để quản lý dữ liệu sinh viên, giảng viên và các hoạt động đào tạo. Việc này không chỉ tăng cường hiệu quả quản lý mà còn giúp xây dựng hệ thống dữ liệu phục vụ nghiên cứu khoa học và hoạch định chính sách.
Sinh viên Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam tham gia các cuộc thi, phong trào trong và ngoài Học viện.
Tiêu chuẩn để được vào học những ngành học mới này là gì?
TS Trần Thị Tuyết Nhung: Không hề khó khăn, thí sinh cần tuân thủ quy chế của Bộ GD&ĐT và phù hợp với đề án tuyển sinh của Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam. Không chỉ riêng hai ngành mới dự kiến, đối với cả 7 ngành còn lại đang tuyển sinh gồm Quan hệ công chúng, công tác Thanh thiếu niên, công tác xã hội, xây dựng Đảng và Chính quyền nhà nước, quản lý Nhà nước, Luật, tâm lý học chúng tôi đều áp dụng 03 phương thức xét tuyển. Bao gồm xét tuyển thẳng theo tiêu chí của Bộ GD&ĐT, xét tuyển theo kết quả thi tốt nghiệp THPT quốc gia và xét kết quả học tập cả năm lớp 12. Đối với phương thức xét kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2025 thí sinh cần có tổng điểm của tổ hợp đăng ký xét tuyển (dự kiến) lớn hơn hoặc bằng 15 điểm, ngưỡng cụ thể của từng ngành Học viện sẽ thông báo trong Thông báo tuyển sinh tại thời điểm tổ chức xét tuyển theo quy định của Bộ GD&ĐT. Đối với phương thức xét kết quả học tập của bậc THPT đối với thí sinh tốt nghiệp THPT năm 2025 trở về trước: Thí sinh có tổng điểm trung bình chung học tập 03 môn trong tổ hợp xét tuyển của năm lớp 12 thuộc tổ hợp ĐKXT của Học viện (dự kiến) lớn hơn hoặc bằng 20 điểm (không bao gồm điểm ưu tiên).
TS Trần Thị Tuyết Nhung - Phó GĐ Học viện trong lễ Kết nạp Đảng viên.
Tinh gọn bộ máy ảnh hưởng thế nào đến các môn học?
Công cuộc sáp nhập, sắp xếp lại các cơ quan, tổ chức hành chính hiện này ảnh hưởng thế nào đến các môn học liên quan đến tổ chức hành chính – vốn là thế mạnh của HVTTN?
TS Trần Thị Tuyết Nhung: Việc sáp nhập, tinh gọn bộ máy hành chính nhà nước trong thời gian qua và tới đây chắc chắn có tác động đến cơ hội việc làm trong khối ngành liên quan đến khu vực công, bởi yêu cầu tuyển dụng trở nên khắt khe hơn, số lượng vị trí biên chế cũng có xu hướng giảm. Tuy nhiên, chính điều đó lại tạo ra động lực để các cơ sở đào tạo như Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam chúng tôi nâng cao chất lượng đào tạo, giúp sinh viên không chỉ đáp ứng được tiêu chuẩn tuyển dụng mới mà còn phát triển năng lực toàn diện để thích ứng với nhiều môi trường làm việc khác nhau. Đây cũng chính là thế mạnh của Học viện, khi luôn chú trọng rèn luyện cho sinh viên tư duy hệ thống, kỹ năng quản lý, tổ chức, điều hành và ứng dụng công nghệ thông tin trong hành chính công – những năng lực đang được ưu tiên trong bộ máy hành chính hiện đại. Ngoài ra, sinh viên tốt nghiệp các ngành liên quan đến nhà nước còn có thể làm việc hiệu quả trong các tổ chức chính trị – xã hội, doanh nghiệp, tổ chức phi chính phủ hoặc khởi nghiệp trong lĩnh vực tư vấn chính sách, quản lý dự án phát triển cộng đồng.
Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam tuyển sinh 7 ngành đào tạo chất lượng.
Bà có lời khuyên gì đến các bạn học sinh lớp 12 chuẩn bị bước vào giai đoạn quan trọng nhất là thi tốt nghiệp THPT và xét tuyển vào đại học?
TS Trần Thị Tuyết Nhung: Lời khuyên chân thành tôi muốn gửi tới các em học sinh lớp 12 là hãy giữ vững tinh thần, xây dựng cho mình kế hoạch ôn tập hợp lý, khoa học và lựa chọn ngành học phù hợp với sở thích, năng lực cũng như xu hướng nghề nghiệp của xã hội. Trong quá trình xét tuyển đại học, việc tìm hiểu kỹ thông tin tuyển sinh của các trường, các ngành đào tạo là vô cùng quan trọng. Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam hiện đang đào tạo 7 ngành học có tính ứng dụng cao, phù hợp với nhiều nhóm năng lực khác nhau, gồm: Quan hệ công chúng, Công tác Thanh thiếu niên, Công tác xã hội, Xây dựng Đảng và Chính quyền Nhà nước, Quản lý Nhà nước, Luật và Tâm lý học.
Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam hiện đang đào tạo 7 ngành học có tính ứng dụng cao, phù hợp với nhiều nhóm năng lực khác nhau, gồm: Quan hệ công chúng, Công tác Thanh thiếu niên, Công tác xã hội, Xây dựng Đảng và Chính quyền Nhà nước, Quản lý Nhà nước, Luật và Tâm lý học.
Đây là những ngành không chỉ gắn liền với công việc phục vụ cộng đồng, phát triển con người, xây dựng tổ chức và hệ thống chính trị – xã hội, mà còn mở ra nhiều cơ hội nghề nghiệp đa dạng trong cả khu vực công và tư nhân. Nếu các em là những người năng động, có tinh thần trách nhiệm, yêu thích giao tiếp, làm việc với con người và muốn đóng góp cho xã hội, Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam sẽ là một môi trường lý tưởng để bạn phát triển và trưởng thành, rất chào đón các em học sinh tới tìm hiểu và học tập tại Học viện.
Trân trọng cảm ơn bà!
Ảnh: NVCC
Tú Chân (Thực hiện)