Những người dành trọn tâm huyết với nghề truyền thống của quê hương

Những người dành trọn tâm huyết với nghề truyền thống của quê hương
4 giờ trướcBài gốc
Chị Phạm Thị Dinh ở thôn Mão Cầu, xã Hồ Tùng Mậu (Ân Thi) với những chiếc nón lá thủ công
“Bén duyên” với nghề làm nón lá từ bé, đến nay chị Phạm Thị Dinh ở thôn Mão Cầu, xã Hồ Tùng Mậu (Ân Thi) dành trọn tâm huyết cho nghề truyền thống. Vừa tỉ mỉ tạo hình cho những chiếc nón lá, chị Dinh vừa trò chuyện với chúng tôi: Là thế hệ thứ 3 trong gia đình theo nghề làm nón, ngay từ nhỏ, tôi đã được cha mẹ truyền nghề. Bên cạnh việc đồng áng, nghề làm nón giúp gia đình tôi có thêm thu nhập. Nón lá Mão Cầu được làm thủ công hoàn toàn. Thoạt trông qua chiếc nón có vẻ đơn giản; tuy nhiên, để làm được một chiếc nón đẹp, bền đòi hỏi sự khéo tay, đam mê của những người thợ.
Hơn 30 năm kinh nghiệm làm nghề không chỉ mang lại cho chị Dinh thu nhập khá, mà chị còn tạo việc làm và dạy nghề cho nhiều lao động địa phương. Hiện nay, trong thôn có khoảng 100 người dân nhận gia công nón lá cho chị. Mỗi ngày chị sản xuất khoảng 100 chiếc nón lá và thu mua hàng trăm chiếc của người dân trong thôn. Sản phẩm làm ra được đưa đi tiêu thụ khắp trong và ngoài tỉnh với giá bán từ 40.000 đến 200.000 đồng/chiếc.
Đồng chí Phạm Duy Việt, Bí thư chi bộ, Trưởng thôn Mão Cầu cho biết: Nghề làm nón lá đòi hỏi người làm phải tỉ mỉ, khéo léo nhưng thu nhập không cao nên hiện nay đa phần người giữ nghề trong thôn là lớp trung hoặc cao tuổi. Với mong muốn gìn giữ, phát huy nghề truyền thống, chúng tôi khuyến khích người trẻ tham gia học nghề, đồng thời mong muốn phát triển du lịch làng nghề để giới thiệu, quảng bá sản phẩm, góp phần tăng thu nhập cho người dân.
Thôn Cao, xã Bảo Khê (thành phố Hưng Yên) nổi tiếng với nghề làm hương truyền thống có bề dày lịch sử hàng trăm năm. Hiện nay, thôn có khoảng 100 hộ làm nghề sản xuất hương, thu hút khoảng 300 lao động thường xuyên. Trong đó, 70% số người làm nghề thuộc thế hệ trẻ.
Sinh ra và lớn lên ở thôn Cao, từ năm 10 tuổi, anh Nguyễn Như Thành đã làm quen với các nguyên liệu thuốc Bắc dùng để làm hương và tham gia vào các công đoạn để làm ra sản phẩm cùng gia đình. Năm 2012, anh tốt nghiệp đại học và đi làm. Nhưng với tình yêu nghề và mong muốn gìn giữ, phát huy nghề truyền thống của quê hương, năm 2018 anh quyết định về nhà tiếp quản xưởng sản xuất hương của gia đình. Kế thừa công thức gia truyền làm hương bằng các vị thuốc Bắc, anh Thành đầu tư mua sắm các loại máy hiện đại để sản xuất hương như: Máy làm hương sào, máy làm hương que, máy đóng nụ trầm, hệ thống nghiền bột liên hoàn, máy đếm hương, lò sấy hút ẩm… Nhờ đó, đến nay 90% các công đoạn làm hương được cơ giới hóa, giúp giảm lao động và tăng năng suất gấp khoảng 50 lần so với làm thủ công. Hiện nay, mỗi năm anh sản xuất khoảng 600 vạn hương nén, 7 vạn hộp hương vòng, 3 tấn nụ trầm, 6 vạn hương sào. Cùng với đó, anh Thành quảng bá sản phẩm của gia đình trên các sàn thương mại điện tử, mạng xã hội. Chính vì vậy, dù sản lượng hương làm ra lớn nhưng tiêu thụ rất thuận lợi, thị trường mở rộng tới các tỉnh, thành phố trong cả nước. Mỗi năm, nghề làm hương xạ mang lại cho anh lợi nhuận 250 triệu đồng.
Anh Thành cho biết: Thời gian tới, tôi sẽ tiếp tục tìm nguồn nguyên liệu tốt, nâng cao chất lượng, thay đổi mẫu mã sản phẩm, mở rộng thị trường tiêu thụ… góp phần để sản phẩm hương xạ Cao thôn được nhiều người biết đến, mang lại thu nhập cao cho người làm nghề…
Xuất thân từ làng nghề truyền thống đúc đồng Lộng Thượng, xã Đại Đồng (Văn Lâm), chàng trai Dương Văn Điệp (sinh năm 1985) được học nghề khi mới 15 tuổi. Tuổi thơ của anh lớn lên bên ánh lửa hồng rực của những lò đúc đồng và được học nghề từ những người thợ giỏi trong làng. Sau thời gian dài miệt mài học nghề, anh tự mở xưởng đúc đồng với sản phẩm chính là đỉnh đồng. Hiện nay, xưởng sản xuất của anh tạo việc làm cho 5 lao động địa phương, bình quân mỗi tháng sản xuất khoảng 200 sản phẩm. Ngoài ra, anh có 3 cửa hàng kinh doanh, giới thiệu sản phẩm. Mỗi năm, từ sản xuất, kinh doanh đồng mỹ nghệ mang lại cho anh doanh thu 40 – 50 tỷ đồng, trừ chi phí cho lợi nhuận khoảng 500 triệu đồng.
Anh Điệp chia sẻ: Đối với những người được sinh ra, lớn lên ngay tại làng nghề, thì việc gìn giữ và phát huy giá trị đúc đồng truyền thống của cha ông vừa là niềm tự hào vừa là trách nhiệm. Tôi tích cực tìm tòi, sáng tạo, thay đổi kiểu dáng, mẫu mã sản phẩm, đưa máy hiện đại vào sản xuất để giảm bớt sức lao động, tăng năng suất, chất lượng sản phẩm. Đặc biệt, tôi ứng dụng thương mại điện tử vào kinh doanh các sản phẩm đồng mỹ nghệ nên thị trường ngày càng mở rộng. Ngoài tiêu thụ sản phẩm của gia đình sản xuất, tôi còn tiêu thụ sản phẩm giúp người dân trong thôn để cùng phát triển làng nghề.
Theo số liệu của Sở Nông nghiệp và PTNT, hiện nay toàn tỉnh có 62 làng nghề, trong đó có 8 làng nghề truyền thống, 45 làng nghề đã được UBND tỉnh công nhận. Các làng nghề không chỉ có lịch sử hình thành và phát triển đến hàng trăm năm tuổi, mà còn mang đậm nét văn hóa đặc sắc của địa phương. Với tinh thần dám nghĩ, dám làm, năng động, sáng tạo, nhiều người dân ở các làng nghề truyền thống đang làm tốt vai trò là những người kế nghiệp, gìn giữ và phát triển nghề truyền thống, tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương với thu nhập ổn định, góp phần vào sự phát triển của quê hương.
Hương Giang
Nguồn Hưng Yên : http://baohungyen.vn/nhung-nguoi-danh-tron-tam-huyet-voi-nghe-truyen-thong-cua-que-huong-3176083.html