"Cột mốc sống" giữa đại ngàn
Tại xã Đắc Pring (TP Đà Nẵng), vùng đất giáp ranh biên giới Việt - Lào, già Hiên Giăng (SN 1957, dân tộc Gié Triêng) là cái tên được nhắc đến đầu tiên khi nói về người có uy tín.
12 năm liền, già được bà con tín nhiệm bầu là người có uy tín. Tiếng nói của già luôn có trọng lượng, nhất là trong việc vận động dân làng từ bỏ thói quen săn bắn, bảo vệ rừng thiêng.
“Rừng cũng như nhà mình, phải giữ thì mới sống được”, già thường nói trong các cuộc họp thôn, rồi đích thân đi vận động từng hộ dân, kiên trì thuyết phục đến khi ai cũng gật đầu.
68 tuổi đời, 40 năm tuổi Đảng, già Giăng từng đảm nhận nhiều vị trí như Chủ tịch UBND xã, Chủ tịch MTTQ, Bí thư Chi bộ thôn 49A. Ở mỗi cương vị, già đều lấy uy tín làm vốn, đồng hành cùng Bộ đội Biên phòng, Công an xã, chính quyền vận động bà con thực hiện chủ trương, chính sách, giữ vững an ninh biên giới.
Người uy tín Hiên Giăng luôn đồng hành với Công an xã Đắc Pring tuyên truyền pháp luật, xóa hủ tục, xây dựng nếp sống mới trong cộng đồng. Ảnh: Hà Nam
Già Giăng cũng là người đi đầu trong trồng rừng gỗ lớn, phát triển cây kinh tế, cải thiện sinh kế. Già còn là nghệ nhân chế tác và thổi đinh tút - nhạc cụ truyền thống làm từ tre nứa của người Gié Triêng.
Ngồi giữa căn nhà sàn mộc mạc do chính tay mình dựng, già Giăng bộc bạch: "Người có uy tín thì phải làm trước. Mình gương mẫu thì bà con mới tin, mới làm theo".
Gia đình già Hiên Giăng cũng là tấm gương sáng. Vợ già - bà Hiên Vé, nguyên Chủ tịch Hội Phụ nữ xã, vẫn giữ nghề dệt thổ cẩm, dạy con cháu gìn giữ bản sắc dân tộc. 5 người con của già đều ăn học thành tài, hiện công tác tại các cơ quan nhà nước.
"Xưa kia, ở đây đói, không có đường, không có trạm. Nay điện, trường đủ đầy, trẻ được học hành. Có học là có tương lai đó", già Giăng cười hiền hậu.
Thiếu tá Bhơ Nướch Bon - Phó trưởng Công an xã Đắc Pring nhận xét: "Già Hiên Giăng luôn đồng hành với công an, biên phòng và chính quyền trong tuyên truyền pháp luật, xóa hủ tục, xây dựng nếp sống mới trong cộng đồng".
"Điểm tựa" của bản làng
Không riêng Đắc Pring, nhiều vùng cao Quảng Nam (nay là TP Đà Nẵng) cũng có những người không giữ chức danh hành chính, nhưng lời nói đủ trọng lượng "tựa ngàn cân" để cả buôn làng nghe theo.
Ở xã Phước Năng, ông Hồ Văn Ly (70 tuổi, dân tộc Ca Dong) là gương điển hình. Cách nói chuyện gần gũi, tấm gương thực tế khiến bà con xem ông là "cây cao bóng cả".
Phát động làm đường, tổ chức văn nghệ, thể thao hay bảo tồn bản sắc văn hóa, khi ông lên tiếng là cả làng hưởng ứng.
Già làng Hồ Văn Ly được tặng bằng khen “Người uy tín xuất sắc tiêu biểu trong đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn Quảng Nam”. Ảnh: Hà Nam
Trăn trở với cuộc sống còn khó khăn của người dân, già Ly đã đi nhiều nơi học hỏi mô hình phát triển kinh tế, rồi về lại bản, cùng các già làng, người uy tín khác vận động dân thay đổi cách làm ăn. Nhiều hộ sau đó đã chuyển đổi mô hình sản xuất và cho kết quả khả quan.
Chính ông cũng là người đi đầu. Từ 3 con bò được hỗ trợ từ Chương trình MTQG 1719, già Ly phát triển thành đàn bò 15 con, cùng 5ha keo và đàn gà hơn 100 con, giúp gia đình thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Sắp tới, ông dự định trồng thử nghiệm sầu riêng trên đất rẫy.
“Nếu mình không làm trước thì nói ai tin...”, già Ly trải lòng.
Không chỉ góp sức làm kinh tế hay giữ rừng, nhiều người uy tín còn đóng vai trò quan trọng trong việc gìn giữ văn hóa dân tộc như trường hợp ông Mạc Văn Min (77 tuổi, dân tộc Cơ Tu) ở xã Sông Vàng.
Già Min được xem là "kho tư liệu sống" về văn hóa Cơ Tu. Ông đã dành nhiều năm lặn lội khắp các làng bản để sưu tầm các điệu hát lý, nói lý truyền thống - thứ đang có nguy cơ mai một. Mỗi bài hát ông học được đều được chép tay tỉ mỉ, rồi mang ra truyền dạy cho lớp trẻ vào dịp lễ hội, hội làng.
Già làng, người uy tín Mạc Văn Min đã lặn lội khắp các làng bản để sưu tầm những điệu hát lý, nói lý truyền thống của đồng bào Cơ Tu. Ảnh: Hà Nam
Người Cơ Tu trọng chữ tín. Vì vậy, trong thôn Tống Coói, mỗi lần có tranh chấp đất đai, mâu thuẫn giữa các hộ dân, già Min đều là người được tin tưởng mời đứng ra phân xử. Bằng lý lẽ thuyết phục, cách nói "có lý - có tình", ông đã giải quyết hàng chục vụ việc, giúp bà con sống hòa thuận.
Khi nhà nước mở tuyến đường dân sinh qua địa bàn, ông là người đầu tiên hiến đất, sau đó mới đi từng nhà vận động. Sau hai đợt, ông thuyết phục được hơn 30 hộ dân hiến hàng trăm mét đất để sớm hoàn thành tuyến đường.
"Phải sống cho đúng đã, rồi lời mình nói mới có giá trị", già Min nói chắc nịch.
Giữa đại ngàn xứ Quảng, có những con người không cần danh phận lớn, nhưng lời nói đủ khiến cả buôn làng làm theo. Âm thầm mà bền bỉ, họ là những "cột mốc sống", lặng lẽ giữ rừng, giữ bản và gìn giữ niềm tin cho cả một cộng đồng.
Hà Nam