Những người không ngơi nghỉ

Những người không ngơi nghỉ
17 giờ trướcBài gốc
Ðồng đội cần là có mặt
Ðó là tâm niệm của ông Hồ Trung Trực, xã Thạnh Phú, huyện Cái Nước, một cựu tù chính trị. Ông sinh năm 1947, từng là cán bộ Ban Tuyên huấn, Ban Binh vận tỉnh Cà Mau. Sau khi nghỉ hưu, ông tiếp tục đảm trách vai trò Chủ tịch Hội Tù chính trị yêu nước huyện Cái Nước.
Thay vì chọn cuộc sống vui thú điền viên, ông Trực lại dành tâm sức hướng về những đồng đội ngày xưa, nay họ đang sống trong cảnh nghèo khó, túng thiếu, nhiều người vẫn chưa được hưởng chế độ xứng đáng. Ông Trực bảo: “Cảnh tù đày ngày xưa chỉ chúng tôi hiểu rõ, tàn khốc và đau thương lắm. Bởi vậy, giờ đây tôi mới cố gắng để giúp anh em có căn nhà tươm tất, có thu nhập lo cho gia đình, tôi mới nhẹ lòng được”.
Ông Hồ Trung Trực dành tâm sức hướng về những đồng đội ngày xưa. Ông giúp đỡ từng bao gạo, bó rau đến kêu gọi mạnh thường quân xây nhà, giúp đỡ kinh tế.
Hằng năm, cứ đến dịp lễ, Tết, ông Trực đều đặn vận động các mạnh thường quân, nhà hảo tâm tặng quà, hỗ trợ các hộ nghèo vơi bớt khó khăn, để họ cảm thấy ấm lòng. Còn với những đồng đội chưa có nhà ở ổn định, ông Trực một mình với chiếc xe máy cũ đi từ tổ chức này đến đoàn thể khác để làm hồ sơ, thủ tục; ghé các hộ kinh doanh mà ông quen biết xin hỗ trợ mỗi nơi một chút. Thấy cái tình của người cựu tù chính trị dành cho đồng đội và nghe hoàn cảnh của từng nhân vật ông kể, không một ai nỡ từ chối. Chỉ tính riêng năm 2024, ông đã vận động được 3 căn nhà, trị giá 150 triệu đồng.
Ông tâm sự: “Ði xin cho mình thì ngại, chớ xin cho đồng đội thì không có gì xấu hổ cả. Cứ mỗi khi thấy anh em có điều kiện vươn lên thoát nghèo, có cuộc sống hạnh phúc từ các chương trình, các quỹ mà mình vận động được, tôi thấy hạnh phúc, nhẹ lòng một chút. Bây giờ nhìn lại, không còn ai bị bỏ rơi ở phía sau; đồng đội là phải cùng tiến cùng lui, tôi cứ giữ tâm niệm đó mà cố gắng. Giờ chỉ mong có sức khỏe để làm được thêm nhiều việc cho anh em. Vợ con của tôi cũng hỗ trợ hết lòng nên tôi an tâm làm việc nghĩa”.
Ngoài ra, ông còn tham mưu cho Huyện ủy, UBND huyện hỗ trợ thêm các mô hình kinh tế ngay tại địa phương từ 15-30 triệu đồng mỗi người, để các cựu tù chính trị có vốn làm ăn và xoay xở sinh kế. Trong 3 năm qua, 25 hội viên của Hội Tù chính trị yêu nước huyện Cái Nước đã thoát nghèo. Có những cựu tù chính trị, tuy chưa được hưởng chế độ của Nhà nước nhưng từ sự hỗ trợ của đồng đội, kinh tế gia đình họ vững vàng, con cái được ăn học đến nơi đến chốn.
Lấy cái tâm lo cho mọi người
Cũng không chịu ngồi yên hưởng phước, mà tất bật vì xã hội, vì người dân, ông Lê Minh Thống, 75 tuổi, Khóm 2, Phường 5, TP Cà Mau, hay bị đùa là “ăn cơm nhà, vác tù và hàng tổng”. Những điều ông âm thầm làm là để mỗi mảnh đời khốn khó tìm thấy hy vọng và niềm tin cuộc sống.
Ông Thống hiện là thành viên của Ban Công tác Mặt trận Khóm 2, Phường 5 (trước đó, ông công tác tại Hội Chữ thập đỏ tỉnh). Ðối tượng mà ông Thống giúp đỡ là người tàn tật, người bệnh hiểm nghèo, gia đình có hoàn cảnh khó khăn... Cứ nghe ở đâu có người khổ là ông tìm tới để nắm rõ hoàn cảnh, sau đó tổng hợp danh sách và bắt đầu hành trình đi xin tài trợ từ các mạnh thường quân để giúp đỡ thiết thực cho họ.
Ông Lê Minh Thống không chịu ngồi yên hưởng phước mà muốn tất bật vì xã hội.
Theo đó, mỗi năm, ông Thống kêu gọi được số tiền hỗ trợ mổ mắt miễn phí lên đến 500 triệu đồng, hỗ trợ mổ tim miễn phí 120 triệu đồng. Riêng bản thân ông, một năm cũng bỏ tiền túi tặng gạo, thuốc men, vật phẩm... khoảng 10 lần. Ông còn tổ chức những phiên chợ 0 đồng cho người nghèo vào những ngày Rằm hay những dịp lễ, Tết. Chưa kể những buổi khám và cấp phát thuốc miễn phí cũng được ông vận động tổ chức liên tục tại các điểm chùa để người khó khăn có được điểm tựa tinh thần và sức khỏe.
Ông Thống bộc bạch: “Tôi không ngại xa, ngại khó. Cứ mỗi lần thấy hội từ thiện nào đó đưa những người dân khó khăn lên TP Hồ Chí Minh mổ mắt miễn phí, đem lại ánh sáng cho họ, là tôi rất mừng. Giờ đây, tôi hỗ trợ thêm người tàn tật, trẻ mồ côi của huyện Cái Nước. Tôi làm cầu nối cho các mạnh thường quân đến với những mảnh đời vất vả. Quan điểm của tôi trước sau như một, đó là lấy cái tâm của mình lo cho mọi người, làm được tới đâu cứ làm”.
Làm được nhiều việc tốt, song ông Thống từ chối nhận công về mình, mà khiêm tốn bảo đó là tình thương của xã hội, còn mình chỉ là người đưa đường dẫn lối để kết nối trái tim đến với trái tim. Ông tâm sự: “Người ta hay bảo xã hội bây giờ thiếu tình người và con người sống lạnh lùng. Tôi cho rằng quan điểm này là sai. Chúng ta biết cách gắn kết, biết cách thắt chặt sợi dây yêu thương, cảm thông và chia sẻ thì không ai thờ ơ, lạnh lùng với nhau được. Mọi người hỏi sao tôi thuyết phục mạnh thường quân hay quá, nhưng tôi chỉ có sao nói vậy, nói thẳng nói thật, đưa tận nơi để họ chứng kiến. Khi đã làm có kết quả, phải có bằng chứng ghi lại để mạnh thường quân có niềm tin là mình giúp đúng người, đúng chỗ”.
Hành trình làm việc tốt của ông Thống còn có sự đồng lòng hỗ trợ của vợ và các con. Vợ ông hiện là bếp trưởng của bếp cơm từ thiện ở Bệnh viện Sản - Nhi tỉnh; người con thứ của ông đang làm thư ký tại Tịnh độ cư sĩ Phật giáo Việt Nam, cứ đến ngày Rằm hay mùng Một đều nấu 300 suất cơm từ thiện để phân phát ở những khu dân cư khó khăn hoặc cho người lao động, công nhân... có thu nhập thấp.
Truyền lửa cho các bạn trẻ yêu lịch sử
Nghỉ hưu nhưng không ngơi nghỉ, vẫn tâm huyết góp sức cho quê hương, đó là câu chuyện về ông Nguyễn Hữu Thành, 76 tuổi, Phường 1, TP Cà Mau. Ông nguyên là Phó trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, chuyên phụ trách nghiên cứu lịch sử Ðảng. Bằng kiến thức được đào tạo bài bản, ông Thành say sưa với công việc tìm tòi, viết lách, để lại cho thế hệ trẻ một tài sản quý báu, là những tư liệu về Ðảng bộ, về các cuộc đấu tranh của quân, dân Cà Mau qua những giai đoạn đánh giặc giữ nước...
Ông Thành chia sẻ: “Khi tốt nghiệp đại học, chuyên ngành về Lịch sử Ðảng của Trung ương năm 1985, tôi được phân công công tác nghiên cứu lịch sử Ðảng của tỉnh Cà Mau. Tôi nghỉ hưu năm 2005, đến giờ vẫn tham gia công tác biên soạn lịch sử Ðảng của tỉnh nhà. Tôi rất thích viết và ghi chép lại các phong trào cách mạng, các cột mốc lịch sử của tỉnh nhà, đặc biệt là tinh thần chiến đấu của Nhân dân trong 2 cuộc kháng chiến, chống Pháp và chống Mỹ, để có được nền hòa bình hiện nay. Lịch sử như một phần cuộc sống, ăn sâu vào máu thịt của tôi từ trẻ đến tuổi xế chiều. Càng nghiên cứu, tôi lại càng tâm đắc vì Cà Mau mình có quá nhiều điểm lịch sử thú vị mà các bạn trẻ sau này cần phải hiểu, phải biết và phải tự hào”.
Ông Nguyễn Hữu Thành say sưa với công việc tìm tòi, viết lách, để lại cho thế hệ trẻ một tài sản quý báu là những tư liệu về Ðảng bộ, về các cuộc đấu tranh của quân, dân Cà Mau qua những giai đoạn đánh giặc giữ nước.
Các con cũng hay khuyên ông nghỉ ngơi vì lớn tuổi, nhưng lịch sử và cái nghề nghiên cứu, viết lách như hơi thở, như thói quen của ông. Ông Thành bảo: "Lịch sử hay thế, mà sao các bạn trẻ lại có lúc bảo chán và mệt khi học. Bản thân tôi muốn các con, các cháu sau này có vốn kiến thức lịch sử, trước tiên là về lịch sử của tỉnh nhà, theo cách học trực quan sinh động, gợi nhiều hứng khởi nhất. Lịch sử cũng gắn kết con người, bởi nó là cội nguồn sự sống và niềm tự hào thiêng liêng. Càng nhiều người trẻ biết thêm về lịch sử càng tốt”.
Chính từ những suy nghĩ đó, ông Thành tích cực sưu tầm, tìm hiểu, khai thác thông tin từ các nhân chứng lịch sử, ghi chép lại các phong trào cách mạng trong tỉnh. Ông còn tham gia biên soạn lịch sử truyền thống của các ngành và lịch sử Ðảng bộ của các huyện; tham gia các cuộc hội thảo về lịch sử của tỉnh Cà Mau và Trung ương. Cứ mỗi khi có đoàn phóng viên hay đại diện các đoàn thể đến xin ý kiến và hỏi thêm kiến thức lịch sử tỉnh nhà, lịch sử Ðảng là ông lại hân hoan, vui sướng trong lòng.
Niềm canh cánh của ông hiện tại là việc tìm được thế hệ tiếp nối viết sử. Ông Thành tâm sự: "Tre già măng mọc, các con, các cháu cần tôi giúp thì cứ liên hệ, tôi mừng mỗi khi nghe cuộc gọi nhờ xác minh thông tin này, nhờ kết nối nhân vật kia. Chỉ lo một ngày tôi già yếu, không biết có còn làm cầu nối lịch sử cho các bạn trẻ được không”.
Nghĩ thế, ông lại càng miệt mài trong gian phòng nhỏ để cố gắng hoàn thành những tác phẩm còn dang dở. Ông đã biên soạn hơn 100 tác phẩm về lịch sử nhưng vẫn chưa thỏa lòng. Vốn kiến thức lịch sử vẫn còn bao la như biển, ông khao khát có một thế hệ kế thừa mình, yêu và giữ gìn lịch sử dân tộc. Ông Thành xúc động chia sẻ: “Truyền lửa cho các bạn yêu lịch sử là điều tôi vô cùng mong muốn. Tôi mong các bạn hãy tiếp nối công việc của tôi một cách nghiêm túc nhất”.
Mỗi người là một câu chuyện khác nhau, nhưng khi ghép lại cùng nhau đã thắp lên hy vọng về tình người, tình yêu quê hương, tình đồng đội... đầy nhân văn và cao đẹp./.
Lam Khánh
Nguồn Cà Mau : https://baocamau.vn/nhung-nguoi-khong-ngoi-nghi-a36399.html