Thực hiện kế hoạch của UBND TP.HCM, TP tổ chức đón tiếp các đại biểu là cán bộ, chiến sĩ và những người trực tiếp tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh – Đại thắng mùa Xuân 1975 từ các tỉnh, thành trên cả nước về thăm TP.HCM.
Đây là hoạt động trọng tâm trong chuỗi sự kiện kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, nhằm tri ân những người đã góp phần làm nên chiến thắng lịch sử.
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thanh Nghị gặp gỡ đoàn đại biểu tỉnh Lai Châu. Ảnh: BTC
"Thành phố đón tiếp tôi chu đáo"
Ông Phạm Hồng Sáng (sinh năm 1952, quê Thái Nguyên) là một trong những người lính trực tiếp góp phần làm nên Đại thắng mùa Xuân năm 1975. Khi mới 23 tuổi, ông đã tham gia chiến dịch giải phóng miền Nam trong vai trò chiến sĩ thuộc Đại đội trực thuộc Tiểu đoàn 7, Trung đoàn 24, Sư đoàn 10, Quân đoàn 3.
Với ông Sáng, chuyến đi này không chỉ là hành trình trở về chiến trường xưa mà còn là cơ hội để chứng kiến sự thay đổi "một trời một vực" của mảnh đất mà ông và đồng đội từng nỗ lực để giành lại.
"Ngày xưa, chúng tôi hành quân bộ từ Củ Chi vào đây. Lúc đó, không có tòa nhà nào cao quá ba tầng, nhà cửa chỉ lác đác một, hai tầng thôi. Bây giờ, nhà cao tầng mọc lên như nấm, đường sá rộng lớn, vòng xoay Lăng Cha Cả cũng không còn nhận ra nữa. Thật sự, tôi quá tự hào" - ông Sáng nói.
Ông Sáng (bên phải) cùng ông Sĩ nhớ lại kỷ niệm hồi xưa. Ảnh: HN
Trong chuyến đi này, ông Sáng cùng Đoàn cựu chiến binh đã tham quan nhiều địa điểm, từ Bến Nhà Rồng - nơi Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước, đến địa đạo Củ Chi. Ông cũng trải nghiệm chuyến xe buýt hai tầng tham quan thành phố, ngắm nhìn dòng sông Sài Gòn lộng gió và những con đường rực rỡ ánh đèn.
"Thành phố đón tiếp chúng tôi chu đáo, từ ăn uống đến nghỉ ngơi, như người một nhà. Gặp nhau ở đây, dù là anh em từ huyện khác, xã khác, chưa từng biết mặt, nhưng khí thế vẫn như anh em một nhà sau 50 năm.
Tôi chỉ mong vài ba năm nữa, nếu còn sống, còn sức khỏe, lại được quay về chiến trường xưa, gặp lại anh em đồng đội. Chuyến đi này, cuộc đời tôi như trúng số độc đắc" - ông sáng nói.
Đoàn đại biểu tỉnh Tuyên Quang ghi lại cảm xúc khi trở lại TP. Ảnh: BTC
"50 năm rồi, cái chất lính vẫn còn nguyên trong ánh mắt"
Cũng trở lại TP.HCM hội ngộ đồng đội sau 50 năm, ông Nguyễn Tiến Sĩ (1953, quê Thái Nguyên) bày tỏ: "Người lính sống sót sau chiến tranh là lãi nhất cuộc đời rồi".
Nhập ngũ năm 1971, ông Sĩ từng tham gia nhiều chiến dịch lớn, trong đó có chiến dịch giải phóng miền Nam năm 1975. Trở lại thành phố lần này, ông đến dâng hương tại các nghĩa trang liệt sĩ ở Củ Chi, Bến Dược.
"Không biết sao, cứ đi là lại gặp, lại chụp được ảnh bia mộ những người cùng quê. Có cả người ở Hồ Yên, Phú Cường, Lũng Thịnh (Bắc Kạn)... như thể có cái cơ duyên nào đó vậy. Một ngày thắp hương, một đời không quên" – ông Sĩ xúc động nói.
Đại biểu tỉnh Thái Nguyên phấn khởi trở lại TP với nhiều cảm xúc.
Ông Sĩ cho hay người lính có một sợi dây gắn kết đặc biệt. Dù không cùng quê hay đơn vị, chỉ cần từng sống giữa cái sống và cái chết là đã như anh em ruột thịt.
"Cái tình đồng chí vượt cả khoảng cách địa lý, thời gian. 50 năm rồi, cái chất lính vẫn còn nguyên trong ánh mắt, trong cái bắt tay" - ông Sĩ chia sẻ.
Kể về lần ấn tượng nhất là vào năm 2010, ông Sĩ phát hiện một ngôi mộ liệt sĩ tên Phong ở Gia Lai. Tuy nhiên, quê quán và ngày nhập ngũ trùng khớp với một liệt sĩ quê ông Sĩ tên là Thong.
Đoàn đại biểu tỉnh Tuyên Quang và Lào Cai tham quan TP. Ảnh: BTC
Nghi ngờ đó là người cùng xã, ông Sĩ lập tức liên lạc về địa phương, xác minh thông tin, rồi quay video, chụp ảnh gửi về cho gia đình liệt sĩ. Đến năm 2019, gia đình mới sắp xếp được thời gian, ông Sĩ lại cùng họ vào Gia Lai.
Thế nhưng, hồ sơ và tên trên bia mộ lại không trùng. Ông Sĩ cùng gia đình đến Phòng LĐ-TB&XH của huyện để làm xác nhận. Sau nửa tháng, gia đình đã chuyển được hài cốt người thân về quê.
"Tôi thấy mình may mắn hơn nhiều người. Không phải ai cũng được trở lại chiến trường xưa. Mình còn sống, được thăm lại nơi xưa, thấy đất nước thay đổi, thế là mãn nguyện rồi" - ông Sĩ tâm sự.
Đại biểu ở tỉnh Cà Mau (bên phải) và đoàn đại biểu tỉnh Tuyên Quang trở lại TP.
Còn ông Hoàng Trọng Liên (1952) là một cựu chiến binh trinh sát từng tham gia kháng chiến, lần đầu tiên trở lại TP sau 50 năm.
Ông Liên xúc động bày tỏ rằng khi bước chân vào TP, ông cảm nhận được sự đón tiếp nồng hậu từ người dân, cán bộ và các đoàn thể. Theo ông, đoàn được phục vụ chu đáo, ăn nghỉ sang trọng, có y tá đồng hành và được thăm hỏi tận tình.
Ông cũng chia sẻ, TP ngày nay đã "thay da đổi thịt" vượt bậc so với những con đường tan hoang năm xưa, với đường xá rộng lớn, nhà cao tầng mọc lên san sát, đời sống người dân vui vẻ, ấm no, hạnh phúc.
"Thấy sự thay đổi của TP sau 50 năm, tôi hạnh phúc và thấy quá đỗi tự hào!" - ông Liên bộc bạch.
Ông Sáng và ông Liên (bên trái) dù không cùng đồng đội nhưng gặp lại vẫn như anh em. Ảnh: HN
Nhớ lại ngày nhập ngũ năm 1970 khi ông mới 18 tuổi, sau bốn tháng huấn luyện, ông Liên vào Nam, tham gia đơn vị trinh sát thuộc Trung đoàn 88, Quân khu 8.
"Ngày đó, khu vực này tan hoang, đánh nhau tơi bời, cây cối chẳng còn. Giờ thấy nhà cửa, đường xá, tôi không nhận ra nữa. Tôi từng bò vào tổng khu Long Thành, cởi áo, dùng que chống hàng rào, cài chốt lựu đạn bằng kim băng, rồi nhẹ nhàng rút ra để không ai phát hiện.
Đi 10 mét mà mất cả giờ, vừa đi vừa dò, cỏ rạp xuống là phải vuốt lên, nhẹ nhàng như không. Tôi là dân rừng núi xuống đồng bằng, phải qua Campuchia học bơi xuồng, lặn nước. Sống ngâm da, chết ngâm xương, vất vả lắm" - ông Liên kể.
Đoàn đại biểu tỉnh Thái Nguyên phấn khởi khi quay trở lại TP. Ảnh: BTC
Năm 1975, khi giải phóng, ông đang ở Mỹ Tho nhưng bị thương, gãy xương, sức khỏe suy yếu. Tháng 12 cùng năm, ông trở ra Bắc, kết thúc hành trình chiến đấu. "Ngày đó, có lệnh là đi, bất chấp súng đạn, cứ hoàn thành nhiệm vụ là hạnh phúc" - ông Liên nói.
Cựu chiến binh cả nước hội tụ về TP.HCM nhân dịp đại lễ 30-4
TP.HCM tiếp đón khoảng hơn 1.300 đại biểu trong dịp này. Trước đó, TP.HCM đã đón nhiều đoàn đại biểu, cựu chiến binh từ các địa phương đến thăm và tham quan thành phố, gồm: Lâm Đồng, Bắc Giang, Lạng Sơn, Hà Nội, Quảng Bình, Hải Dương, Cần Thơ, Hòa Bình, Ninh Thuận...
Ngày 20-4, UBND quận Gò Vấp tổ chức lễ đón tiếp trọng thể các đại biểu là cán bộ, chiến sĩ và những người từng trực tiếp tham gia chiến dịch mùa Xuân năm 1975 đến từ Hà Tĩnh.
UBND quận Gò Vấp đón đại biểu đến từ tỉnh Hà Tĩnh.
HẢI NHI