Những người lính canh trời Tổ quốc nơi đảo xa

Những người lính canh trời Tổ quốc nơi đảo xa
6 giờ trướcBài gốc
Trường Sa! Hai tiếng thiêng liêng luôn khơi dậy hình ảnh bất khuất, kiên cường của quân và dân nơi đầu sóng, ngọn gió. Giữa trời biển mênh mông ấy, còn có những người lính thầm lặng canh giữ bầu trời Tổ quốc. Đó là những chiến sĩ Ra-đa thuộc Sư đoàn Phòng không 377 (Quân chủng Phòng không - Không quân) đang lặng lẽ góp phần canh giữ bình yên nơi hải đảo xa xôi.
Cánh sóng ra-đa giữa trùng khơi
Cuối tháng Tư, các thành viên trong đoàn công tác số 14 có dịp ghé thăm Trạm Ra-đa 21 nằm ở cuối đảo Song Tử Tây. Trạm bây giờ đã được đầu tư, xây dựng khang trang, to đẹp hơn rất nhiều so với lần đầu tôi đến. Trong làn gió biển mằn mặn, bên tách trà đậm tình quân dân, chúng tôi lắng nghe những câu chuyện dung dị mà đầy ắp yêu thương. Thiếu tá chuyên nghiệp Phạm Thanh Bình - nhân viên thông tin của trạm chia sẻ: “Mỗi lần có đoàn ghé thăm đảo, anh em luôn mong được đón khách đến đơn vị để sẻ chia, cho vơi bớt nỗi nhớ đất liền…”.
Cán bộ, chiến sĩ Trạm Ra-đa 11 tham gia duyệt đội ngũ tại lễ kỷ niệm 50 năm Giải phóng quần đảo Trường Sa.
Trên biển, đảo, bầu trời là chiến tuyến vô hình nhưng không kém phần quan trọng. Những chiến sĩ ra-đa là người “nhìn thấy những điều không ai thấy”, từ vệt sáng mờ ảo trên màn hình, họ phát hiện tín hiệu, phân tích dữ liệu, đảm bảo không gian an toàn cho cả vùng trời. Trước đài ăng-ten cao vút, giữa khí hậu khắc nghiệt và vị muối biển ăn mòn máy móc, họ luôn phải sẵn sàng xử lý mọi tình huống. Có khi bàn tay dính đầy dầu mỡ, có khi đêm trắng kéo dài không nghỉ. Nhưng với họ, đó không chỉ là nhiệm vụ, mà là danh dự, niềm kiêu hãnh.
Đoàn cán bộ thuộc Bộ Tư pháp đến thăm và giao lưu văn nghệ với cán bộ, chiến sĩ Trạm Ra-đa 21 - đảo Song Tử Tây.
Trong những câu chuyện với những người lính ra-đa, chúng tôi như đồng cảm với nỗi nhớ tha thiết, nhớ tiếng cười của đồng đội, nhớ những cái ôm đậm nghĩa tình mỗi lần đoàn công tác ghé thăm... Ở nơi xa đất liền, mỗi cuộc gọi điện thoại về nhà cho người thân, hay có đoàn khách đến thăm đều tiếp thêm động lực cho những người lính biển tiếp tục ngày đêm với công việc trực canh 24/24 giờ thầm lặng, không bỏ sót bất kỳ tín hiệu nào. Mỗi ca kéo dài hằng giờ, là chuỗi ngày dõi theo từng tầng mây, lớp sóng để bảo vệ sự yên bình phía sau.
Lời nhắn gửi từ Trường Sa
Bất chợt một chị trong đoàn công tác đến thăm Trạm Ra-đa 21 cất tiếng hát, không nhạc nền, không chuẩn bị, nhưng ánh mắt các anh rạng rỡ lạ thường. Khi giai điệu “Bầu trời xanh, xanh tình yêu người chiến sĩ phòng không...” vang lên, không gian bỗng lặng đi, chỉ còn tiếng hát, tiếng vỗ tay, tiếng sóng biển hòa thành một bản giao hưởng dịu dàng, ấm áp.
Cán bộ, chiến sĩ Trạm Ra-đa 21 giao lưu văn nghệ với đoàn công tác Trường Sa số 14.
Trường Sa hôm nay đầy sức sống, không chỉ là màu xanh của bàng vuông, phong ba, mà còn là màu xanh hy vọng từ những đôi mắt lính ra-đa luôn hướng về phía chân trời. Nếu một lần ra Trường Sa, xin hãy ghé thăm trạm ra-đa. Ở đó có những người lính áo xanh da trời ngày đêm bền bỉ “quyết không để Tổ quốc bị bất ngờ trước mọi tình huống trên không”. Hãy cùng họ nhâm nhi tách trà, tặng nhau nụ cười, một bài hát, một bức ảnh kỷ niệm, bởi họ là một phần không thể thiếu trong câu chuyện Trường Sa thiêng liêng của chúng ta.
Và rồi, chuyến tàu lại tiếp tục hải trình, mang theo những đoàn người đến với đảo xa, mang theo yêu thương từ hậu phương. Trên nền biển vàng ánh hoàng hôn lấp lánh, người lính ra-đa vẫn đứng lặng, vẫy tay chào, như lời hứa âm thầm: “Không xa đâu Trường Sa ơi! Vẫn gần bên em vì Trường Sa luôn bên anh!”.
DƯƠNG PHÚC
Nguồn Khánh Hòa : http://www.baokhanhhoa.vn/chinh-tri/202505/nhung-nguoi-linh-canh-troi-to-quoc-noi-dao-xa-8955f9c/