Những người lính Cụ Hồ nặng tình đồng đội

Những người lính Cụ Hồ nặng tình đồng đội
6 giờ trướcBài gốc
Lễ an táng hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hy sinh tại Lào. Ảnh: Phạm Tâm
Họ mang trong mình nỗi niềm trăn trở, day dứt khôn nguôi về những người đồng đội đã ngã xuống vì độc lập, tự do của Tổ quốc.
“Món nợ ân tình”
Dẫu mái tóc nhuốm màu sương gió, bước chân chậm hơn bởi tuổi tác, nhưng ông Nguyễn Tất Triển (SN 1949, trú tại phường Trung Đô, TP Vinh, Nghệ An) vẫn bền bỉ trên hành trình tìm kiếm đồng đội. Với người cựu chiến binh này, đó không chỉ là một nghĩa cử cao đẹp, mà còn là lời hứa thầm lặng, một “món nợ ân tình” chưa trả với những người cùng ông vào sinh, ra tử nơi chiến trường.
Mùa Xuân năm 1967, chàng trai trẻ Nguyễn Tất Triển lên đường nhập ngũ, biên chế vào Trung đoàn 1 - Sư đoàn 324, một đơn vị chủ lực chiến đấu trên mặt trận Bình Trị Thiên và nước bạn Lào. Trong bom đạn ác liệt, người chiến sĩ ấy thể hiện khí phách gan dạ, dũng cảm, lập nhiều chiến công.
Hòa bình lập lại, trở về với đời thường, cựu chiến binh Nguyễn Tất Triển vẫn nhiệt tình tham gia công tác xã hội, từ cán bộ khối phố, Hội Cựu chiến binh đến Bí thư Đảng ủy phường Trung Đô.
Thế nhưng, sâu thẳm trong trái tim người lính già, hình ảnh những đồng đội hiên ngang ngã xuống vẫn luôn là nỗi day dứt khôn nguôi. Những đêm trằn trọc, giấc ngủ chập chờn, câu hỏi “Anh nằm nơi đâu? Có lạnh lẽo không?” cứ vang vọng trong tâm trí, trở thành một nỗi ám ảnh, thôi thúc ông mãnh liệt.
“Chính nỗi day dứt ấy đã thôi thúc tôi tìm về chiến trường xưa, đến từng nghĩa trang hỏi thăm, lục tìm từng thông tin dù là nhỏ nhất với hy vọng tìm thấy nơi an nghỉ của đồng đội”, ông Triển xúc động chia sẻ.
Theo ông Triển, thông tin về phần mộ liệt sĩ ở các nghĩa trang trên khắp cả nước hầu hết được đưa lên mạng Internet, giúp thân nhân gặp thuận lợi hơn nhiều trong việc tìm kiếm. Tuy nhiên, bố mẹ hay vợ của liệt sĩ đều đã già, có những người ở nơi thôn cùng xóm vắng sẽ ít có điều kiện tiếp cận và tra cứu.
Dám nghĩ dám làm, ông Triển tích cóp từng đồng trợ cấp thương binh, tiền lương hưu ít ỏi để đến những chiến trường xưa như: Dốc Chè, Dốc Mây, Cao điểm 935, Động Tranh, Đường 72… và khắp các nghĩa trang ở tỉnh Quảng Trị và Huế.
Tại mỗi nghĩa trang, ông Triển cẩn thận xin danh sách liệt sĩ, sơ đồ phần mộ, ghi chép tỉ mỉ thông tin. Về nhà, ông phân loại danh sách theo quê quán (huyện, xã), đơn vị, ngày hy sinh và số mộ chí.
Điều đáng trân trọng, dù tuổi cao, nhưng ông Triển vẫn không ngừng học hỏi, thành thạo kỹ năng soạn thảo văn bản trên máy vi tính để sắp xếp danh sách một cách khoa học, dễ tra cứu.
Hành trình tìm kiếm không phải lúc nào cũng thuận buồm xuôi gió. Ông Triển kể có những chuyến đi vào rừng sâu, phải ăn ngủ cùng các đội kiểm lâm, vượt qua những con đèo dốc, lội suối hiểm trở. Gần 10 năm qua, người cựu binh nặng tình nghĩa ấy thực hiện vô số chuyến đi, thống kê và phân loại được thông tin của gần 1.700 phần mộ liệt sĩ.
“Trên chiến trường, có khi đang ngồi ăn hay trên đường hành quân, đột nhiên người cạnh bên trúng mảnh đạn rồi hy sinh. Được trở về cùng gia đình, tôi có cảm giác như đồng đội ngã xuống để dành phần sống cho mình”, ông Triển bùi ngùi.
Hành động cao đẹp của cựu chiến binh Nguyễn Tất Triển không chỉ giúp thân nhân các liệt sĩ vơi bớt nỗi đau, tìm được nơi an nghỉ cho người thân, mà còn lan tỏa một thông điệp sâu sắc về tình đồng đội thiêng liêng, về đạo lý “uống nước nhớ nguồn” của dân tộc.
Phòng làm việc của ông Lê Mạnh Hải trưng bày hàng trăm hiện vật, kỷ vật chiến trường. Ảnh: Phạm Tâm
Tự tay xây bia tưởng niệm đồng đội
Chiến trường xưa giờ đây khoác lên mình màu xanh của sự sống, nhưng trong ký ức của cựu chiến binh Lê Mạnh Hải (SN 1951, trú tại phường Lê Lợi, TP Vinh) nơi ấy vẫn còn in đậm dấu tích của những trận đánh ác liệt, nơi đồng đội của ông phải nằm lại với đất mẹ.
Năm 1971, theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, chàng thanh niên Lê Mạnh Hải hăng hái tòng quân và được biên chế vào Sư đoàn 320 - một trong những sư đoàn chủ lực của Quân đội Nhân dân Việt Nam.
Từ năm 1971 - 1979, ông Hải chiến đấu ở nhiều mặt trận, chiến dịch như: Xuân hè 1972 ở Kon Tum; chiến dịch Tây Nguyên giải phóng Buôn Ma Thuột; chiến dịch Hồ Chí Minh và làm nhiệm vụ quốc tế tại Campuchia…
Sau khi phục viên, năm 1998, ông Lê Mạnh Hải về quê và thành lập công ty riêng, tạo việc làm cho nhiều con em, thân nhân các cựu chiến binh cùng ông một thời vào sinh ra tử.
Đi qua sinh tử chiến tranh, có cuộc sống vinh quang ở thời bình, nhưng những ký ức về đồng đội vẫn luôn là niềm đau đáu trong tâm tưởng của người cựu binh già. Năm 1996, ông Hải và đồng đội thành lập Ban liên lạc truyền thống Đại đoàn Đồng Bằng, Sư đoàn 320 tại Nghệ An - Hà Tĩnh.
“Chiến tranh kết thúc gần nửa thế kỷ, nhưng các anh em cựu chiến binh Sư đoàn 320 vẫn luôn đau đáu nhớ về đồng đội ngã xuống. Sau khi họp bàn, chúng tôi thống nhất quay lại chiến trường xưa, xây dựng nhà bia để tưởng nhớ, tri ân những đồng đội ngã xuống”, ông Hải nói.
Cuối tháng 12/2017, ông Lê Mạnh Hải cùng 27 cựu chiến binh 2 tỉnh Nghệ An - Hà Tĩnh vào chiến trường xưa, trực tiếp xây dựng nhà bia Di tích lịch sử, tưởng niệm Chư Bồ - Đức Cơ (huyện Đức Cơ, Gia Lai).
Mặc dù thời điểm bắt đầu xây dựng, sức khỏe của ông Hải không tốt, cùng với đó là thời tiết khắc nghiệt, địa hình hiểm trở đã bào mòn người cựu chiến binh già. Thậm chí, có thời điểm bác sĩ khuyên ông nên vào viện điều trị. Thế nhưng, gác lại tất cả, ông Hải giấu bệnh với cả gia đình, quyết tâm ở lại cùng đồng đội hoàn thành tâm nguyện.
Đường lên đỉnh núi cheo leo, ngoài phương tiện vận tải vật liệu bằng ô tô, có nhiều phần việc khác như chặt cây, lát đường cho xe khỏi trượt, gùi cát, dựng lán trại... đều do các cựu chiến binh đảm nhiệm.
Đầu năm 2018, Nhà bia Chư Bồ - Đức Cơ hoàn thành. Về sau, ông Hải cùng Ban liên lạc tiếp tục xây dựng 2 nhà bia ở điểm cao 1015 và 1049 (huyện Sa Thầy, Kon Tum); Nhà bia Đồng Dù - Củ Chi (huyện Củ Chi, TPHCM).
Từng viên gạch, từng giọt mồ hôi thấm đẫm tình đồng đội, sự biết ơn sâu sắc. Ông Hải cho rằng, nhà bia tưởng niệm không chỉ là nơi để tưởng nhớ, mà còn là một chứng tích lịch sử, nhắc nhở thế hệ sau về những hy sinh cao cả, về tình người ấm áp giữa bom đạn khốc liệt.
Những cựu chiến binh tham gia thi công nhà bia ở điểm cao 1015, tỉnh Kon Tum. Ảnh: NVCC
Đội quy tập khâm liệm cho các liệt sĩ trước khi đưa về nước.
Ông Nguyễn Tất Triển đến khắp các nghĩa trang ở Quảng Trị và Huế tìm đồng đội. Ảnh: Huy Kiệm - NVCC
Sang đất bạn Lào tìm hài cốt liệt sĩ
Được thành lập năm 1984, đến nay, Đội Quy tập hài cốt liệt sĩ thuộc Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Nghệ An tìm kiếm, cất bốc hơn 12.700 bộ hài cốt liệt sĩ là quân tình nguyện, chuyên gia Việt Nam hy sinh trên đất bạn Lào.
Mỗi năm, có 60 cán bộ, chiến sĩ của đội sang Lào để làm nhiệm vụ ở 3 tỉnh Xiêng Khoảng, Xay Sổm Bun và Viêng Chăn. Tháng 10 đến tháng 6 năm sau là mùa khô ở Lào. Đây là khoảng thời gian khắc nghiệt, nắng như đổ lửa, gió phơn rát mặt, nhưng thuận lợi cho công tác quy tập hài cốt.
Hành trang của các cán bộ, chiến sĩ là nhu yếu phẩm, cùng cuốc, xẻng, bao đựng hài cốt và nghĩa tình với những đồng đội thế hệ trước, nghĩa vụ với những người ngã xuống vì độc lập, tự do của dân tộc.
Trung tá Ngô Huy Kiệm, cán bộ Đội Quy tập hài cốt liệt sĩ cho biết, phần lớn hài cốt liệt sĩ nằm ở những vùng đồi núi hiểm trở, đi lại khó khăn, nên lực lượng tìm kiếm chủ yếu đi bộ. Các cán bộ, chiến sĩ trong đội quá quen với việc ăn cơm nắm, ngủ chập chờn giữa chốn rừng thiêng nước độc.
Giữa đại ngàn hoang vắng, khi đêm xuống, những người lính quy tập tìm đến những khe suối nhỏ để dựng tạm lán trại. Bên bếp lửa bập bùng, các cán bộ chiến sĩ nhường nhau từng bữa cơm đạm bạc. Đôi khi chỉ là nắm cơm khô với chút cá suối, vài cọng măng rừng hái vội.
Theo Trung tá Kiệm, việc tìm kiếm hài cốt ngày càng khó khăn do các nhân chứng sống đã già, không còn minh mẫn, địa hình cũng có nhiều thay đổi do tác động của thời tiết, con người.
Ngoài nhiệm vụ quy tập hài cốt liệt sĩ, các cán bộ, chiến sĩ của đơn vị còn phải bám bản làng, thực hiện tốt “4 cùng” (cùng ăn, cùng ở, cùng làm, cùng nói tiếng Lào) để hòa nhập với người dân địa phương.
Có nhiều năm gắn bó với công việc quy tập hài cốt liệt sĩ, Thiếu tá Ngô Văn Hậu không thể quên lần khai quật ngôi mộ tập thể cuối năm 2022. Anh Hậu kể, tháng 11/2022, từ thông tin do người dân cung cấp, anh cùng các đồng đội tìm đến hang đá nằm sâu trong một khu rừng ở bản Nậm Xiểng, tỉnh Xiêng Khoảng để xác minh.
“Cửa hang bị lượng đất đá rất lớn vùi lấp nhưng bên trong hang vẫn còn một số đồ dùng sinh hoạt nên chúng tôi nghi ngờ đây từng là nơi các bác trú ẩn lúc chiến đấu rồi bị ném bom vùi lấp”, Thiếu tá Hậu kể.
Dù được tăng cường thêm lực lượng nhưng phải mất hơn nửa tháng trời, đội quy tập mới dọn được những khối đá khổng lồ ở cửa hang. Khi đào sâu xuống khoảng 3m, đội lần lượt tìm thấy 27 hài cốt liệt sĩ cùng nhiều súng, đạn ở cửa hang. Nhiều hài cốt không còn nguyên vẹn do trúng bom.
Trong suốt nhiều tháng ròng rã, những người lính lặng lẽ gạt từng lớp đất đá, cẩn trọng móc ra từng mẩu xương, dùng cồn nhẹ nhàng rửa sạch, tỉ mỉ đo đạc, ghi chép từng di vật với mong muốn trả lại sự nguyên vẹn nhất cho các anh.
“Tiếc rằng, chúng tôi không tìm thấy bất kỳ di vật nào có thể giúp xác định danh tính các liệt sĩ”, anh Hậu ngậm ngùi chia sẻ, nỗi day dứt vẫn còn vẹn nguyên trong ánh mắt.
Hành trình tìm kiếm và quy tập hài cốt liệt sĩ vẫn tiếp tục, như một dòng chảy không ngừng của nghĩa tình dân tộc. Những người lính thầm lặng ấy vẫn ngày đêm vượt rừng, băng suối, mang theo tâm niệm đưa hài cốt các anh hùng trở về với vòng tay đất mẹ.
Đến cuối tháng 3, mùa khô 2024 - 2025, Đội Quy tập hài cốt liệt sĩ Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Nghệ An tìm kiếm và quy tập được 58 hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hy sinh trên đất bạn Lào.
Phạm Tâm
Nguồn GD&TĐ : https://giaoducthoidai.vn/nhung-nguoi-linh-cu-ho-nang-tinh-dong-doi-post728629.html