Những người không nên ăn đu đủ
Đu đủ là loại quả phổ biến ở Việt Nam. Đu đủ thơm ngon, bổ dưỡng giá lại rẻ nên được nhiều người yêu thích. Vậy nhưng không phải ai cũng có thể ăn được loại quả này. Báo Sức khỏe & Đời sống dẫn nguồn Bold Sky chỉ ra là những người không nên ăn đu đủ như sau:
Người bị suy giáp
Cyanogenic glycoside trong đu đủ không chỉ ảnh hưởng đến nhịp tim mà còn có thể cản trở quá trình tổng hợp và chuyển hóa iốt trong cơ thể và gây ra các triệu chứng trầm trọng hơn ở những người bị suy giáp. Tuy nhiên, điều này chỉ xảy ra ở những người ăn quá nhiều đu đủ.
Những người bị dị ứng
Những người bị rối loạn hô hấp như hen suyễn, hoặc bất kỳ trường hợp dị ứng nào, hãy cẩn thận khi ăn đu đủ. Đôi khi phấn hoa có thể dính lên vỏ đu đủ nên khi gọt đu đủ cần đeo găng tay. Vứt vỏ và găng tay vào thùng rác ngay sau khi gọt xong.
Dị ứng đu đủ thường có các triệu chứng sau: sưng miệng, ngứa xung quanh mặt và cổ họng, phát ban trên lưỡi, chóng mặt, nhức đầu, đau bụng, khó thở và khó nuốt.
Những người có nhịp tim không đều
Những người có tình trạng nhịp tim không đều có thể bị trầm trọng hơn tình trạng bệnh nếu ăn đu đủ. Một nghiên cứu đã chỉ ra rằng, đu đủ chứa một lượng thấp cyanogenic glycoside, một loại axit amin có thể tạo ra hydrogen cyanide trong hệ tiêu hóa của con người. Mặc dù một lượng nhỏ hợp chất này không có khả năng gây hại cho những người mắc bệnh tim. Nhưng nếu ăn quá nhiều thì có thể gây hại.
Người bị sỏi thận
Đu đủ có rất nhiều vitamin C, trong 100g đu đủ chứa 60,9mg vitamin C. Đây là một chất chống ôxy hóa và đóng một vai trò quan trọng trong việc duy trì sự mạnh mẽ của hệ thống miễn dịch. Nhưng nếu bổ sung quá nhiều vitamin C có thể dẫn đến sự hình thành sỏi thận canxi oxalat hoặc làm trầm trọng thêm các triệu chứng ở những người đã mắc bệnh.
Những người tiêu hóa kém
Đu đủ là một chất nhuận tràng tuyệt vời và là một nguồn giàu chất xơ rất tốt cho sức khỏe đường tiêu hóa. Tuy nhiên, nếu ăn quá nhiều có thể có tác động xấu đến dạ dày. Lúc này, thay vì điều trị các vấn đề về dạ dày như táo bón và khó tiêu, nó có thể dẫn đến tiêu chảy và đầy hơi.
Người bị hạ đường huyết
Những người bị hạ đường huyết hoặc lượng đường trong máu thấp nên tránh ăn đu đủ. Bởi ăn quá nhiều có thể dẫn đến các triệu chứng như run rẩy và tim đập nhanh.
Đu đủ chín tốt cho sức khỏe nhưng không phải ai cũng ăn được
Những điều cần lưu ý khi ăn đu đủ chín
Bài viết trên website Bệnh viện Medlatec có sự tham vấn y khoa của BS. Đinh Văn Chỉnh để tránh những tác hại của đu đủ chín và yên tâm thưởng thức các món ăn bổ dưỡng từ loại quả này, bạn có thể thực hiện một số biện pháp phòng tránh như:
Kiểm soát lượng tiêu thụ
Để tránh việc tiêu thụ quá mức đu đủ chín, bạn hãy kiểm soát lượng tiêu thụ loại quả này trong chế độ ăn hàng ngày và không nên ăn quá nhiều một lần.
Chọn đu đủ chín tươi
Chọn lựa đu đủ chín tươi, vỏ căng bóng để ăn. Không nên sử dụng các sản phẩm chế biến chứa đu đủ chín có thêm đường hoặc chất bảo quản vì những yếu tố này gây ảnh hưởng không tốt cho sức khỏe.
Chú ý vấn đề vệ sinh thực phẩm
Trước khi ăn đu đủ chín luôn chú ý rửa sạch dưới vòi nước để loại bỏ bụi bẩn và hóa chất có thể bám lại trên bề mặt vỏ.
Kết hợp cùng thực phẩm khác
Nên ăn đu đủ chín như một thực phẩm tráng miệng và trước đó nên chọn ăn thực phẩm dễ tiêu hóa như rau củ, cháo,... để giảm bớt sự căng thẳng cho dạ dày.
Theo dõi phản ứng của cơ thể
Theo dõi cẩn thận các phản ứng của cơ thể sau khi ăn đu đủ chín. Nếu có bất kỳ dấu hiệu dị ứng nào như phát ban, ngứa hoặc khó thở, cần đến cơ sở y tế kiểm tra ngay.
Thanh Thanh (Tổng hợp)