NHỮNG NGƯỜI SỐNG TRONG LÒNG ĐỊCH Ở ĐỒNG XOÀI NĂM XƯA
(Báo Bình Phước, 18-12-1999)
Phạm Nguyễn (thực hiện)
Đồng chí Tư Thuần hiện là Phó công an huyện Đồng Phú nói với chúng tôi: Hồi những năm 1970, vùng Đồng Xoài, Thuận Lợi này tụi tôi nhờ “mấy ổng”, nhờ có “mấy ổng” mà mình cũng đỡ thiệt hại nhiều lắm. Theo lời kể của anh Tư, thì vùng Đồng Xoài này trước cách mạng có khá nhiều điệp viên của ta và anh cũng kể về họ về một thời khói lửa, về kỷ niệm của những người mặc áo quân đội ngụy, giữ chức vụ cao trong quân đội ngụy nhưng lại bí mật hoạt động cho cách mạng.
Theo anh Tư, “đại úy Hội” lúc đó là tiểu đoàn trưởng tiểu đoàn ngụy đóng tại chi khu Đôn Luân đã hoạt động cho ta vào những năm 1970. Hàng hóa của quân ngụy chuyển đi bao giờ đại úy Hội thường sắp xếp để chuyển một phần cho cách mạng. Sau đó, vào năm 1974 bị lộ rồi bị an ninh ngụy bắt. Hiện ông Hội vẫn còn sống và đang ở Biên Hòa. Anh Tư chép miệng tiếc rẻ “giá như anh Hội không bị lộ thì năm 1975, mình chiếm Đồng Xoài khỏe re”.
Một người nữa tại Đồng Xoài là đại úy Sáu Mẫn - đại úy biệt kích đại đội 81 ngụy. Anh Sáu Mẫn liên lạc cung cấp tin tức cho cách mạng thông qua bà Hai Cần là mẹ của đại úy Hội. Sau này, anh Sáu Mẫn đạp mìn và hy sinh. Riêng anh Hai Nhọn nay còn sống tại Đồng Tâm (Đồng Phú) thì anh Tư vẫn thường ghé thăm. Ta móc nối được với Hai Nhọn từ những năm 1971 tại Phước Long qua ông Cả Kiêng là đảng viên thời kháng Pháp. Ông cả Kiêng là ba của anh Hai Nhọn. Theo anh Tư Thuần, lúc mới hoạt động cho đội vũ trang vùng Thuận Lợi, anh Hai Nhọn chỉ là trung đội trưởng biệt kích.
Ông Hai Nhọn hôm nay
Chúng tôi đến nhà ông Hai Nhọn vào một buổi sáng tháng 9, căn nhà của ông thật tuyệt vời, được xây dựng trên một cái hồ cá rất rộng (40m x 70m). Ông Hai Nhọn sinh năm 1935 là dân công tra đến Bình Phước làm phu cao su. Tuy đã 64 tuổi nhưng trông ông rất rắn rỏi, mái tóc bạc trắng gần hết, nước da nắng gió, khỏe mạnh của người làm ruộng. Ông Hai Nhọn chỉ tay xuống đàn cá đang bu lại ăn cám do ông rải xuống nói: Giờ thì tui khỏe re, làm ruộng, nuôi cá, bạn bè đến chơi. Nhậu lai rai.
Ông có vẻ không mặn mà lắm với việc kể lại thành tích của mình: Thôi! Tui chỉ là nông dân, thời đi lính ngụy cũng là vì bắt buộc, rồi lợi dụng vị trí trong lòng nó để hoạt động cho cách mạng. Ông già tui là đảng viên thời kháng Pháp mà. Theo ông Hai Nhọn, từ năm 1965 ông đã hoạt động với ông Hai Quốc tại địa bàn xã 2 (nay là xã Đồng Tâm). Đã hoạt động tại Thuận Lợi từ năm 1960 và dẫn du kích vào đồn giặc lấy được 1 máy điện thoại, 4 súng trường US17 và một súng Tômxông, rải truyền đơn 3 lần tại làng 3 Thuận Lợi. Năm 1962, ông Hai Nhọn phải tham gia dân vệ và tiếp tục hoạt động vẽ bản đồ, báo cáo các cuộc hành quân của ngụy cho cách mạng. Năm 1963, ông dẫn bộ đội vào đánh cầu 11. Năm sau đó thì địch rút về Đôn Luân (Đồng Xoài). Năm 1965, địch nghi ngờ nên ông xin lên Phước Long đăng lính biệt kích, sau đó bị địch chuyển về Đồng Xoài.
Theo ông, ông đã góp phần tích cực cho chiến thắng “Đồng Xoài rực lửa chiến công” năm 1965. Cụ thể là ông đã vẽ bản đồ chi khu Đôn Luân (Đồng Xoài) và trại Chín Nghĩa (trại riêng của biệt kích ngụy, nay là vị trí trụ sở Công an huyện Đồng Phú để đưa cho ông Hai Sinh - là người từ R xuống). Ông Hai Nhọn có vẻ buồn khi kể: Hồi còn ở Phước Long và sau này khi xuống đến Đồng Xoài, mỗi lần chuyển tin ra căn cứ là mỗi lần suy nghĩ nát óc. Khi thì nhờ ông Cả Kiêng (là cha ruột) chuyển ra, khi thì tìm cách chuyển cho cơ sở mật. Giữ mãi cho đến năm 1973, an ninh ngụy có biểu hiện nghi ngờ thì ông thoát nhanh ra rừng. Như vậy là ông có ít nhất 5 năm làm công tác điệp báo mà như một ai đó đã nói: Một điệp báo viên đôi lúc có giá trị bằng cả sư đoàn!
Vì sao ông Hai Nhọn vẫn không được công nhận là người có công với cách mạng
Khi gặp ông vào tháng 9-1999, ông Hai Nhọn cho biết vẫn chưa được công nhận là người có công với cách mạng, dĩ nhiên ông vẫn chưa được hưởng chế độ gì. Trước đây, ông có làm đơn nhờ xác nhận nhưng sau đó tìm ông Hai Quốc (người đã cộng tác với ông một thời gian) mấy lần không có nhà. Tự ái, chán nên ông không làm nữa. Trong báo cáo tổng kết công tác binh vận thời chống Mỹ (1954-1975) ngày 5-7-1996 của Huyện ủy Đồng Phú, chúng tôi thấy trong danh sách có 25 đồng chí có công tiêu biểu trong công tác binh vận, có tên ông Hai Nhọn vị trí thứ 7 (ông Hai Thu đứng đầu…).
Trao đổi với ông Tư Thuần, ông nói: Xét công lao thì ông Hai Nhọn xứng đáng được hưởng chế độ người có công với cách mạng. Vấn đề là có công thế nào, mức độ hưởng ra sao là do các ngành chức năng xem xét. Ông Tư Thuần còn nhớ: Có một lần địch tại Đồng Xoài đi càn vùng Tân Phước, Hai Nhọn báo cáo cho Cả Kiêng để báo cho ta nhưng Cả Kiêng báo không kịp. Vụ đó ta bị thiệt hại 5 đồng chí tại Cầu Rạt (Tân Phước - Đồng Phú) do bị đánh úp bất ngờ. Thiết nghĩ việc ông Hai Nhọn có xứng đáng được công nhận có công với cách mạng hay không cần sớm được xem xét giải quyết. Đây là trách nhiệm thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc ta.