Thủ tướng Friedrich Merz đã cam kết đầu tư "mọi thứ cần thiết" cho quốc phòng và muốn phát triển quân đội Đức trở thành lực lượng "mạnh nhất châu Âu" vào năm 2031. Chính phủ Đức mới đây cũng thông báo mục tiêu dài hạn chi 5% GDP/năm cho quốc phòng. Năm ngoái, chi tiêu quốc phòng của Đức chiếm 2,1% GDP.
Theo DW, kế hoạch trên được đưa ra trong bối cảnh quân đội Đức hiện đang có những nhu cầu cấp bách nhất.
Thủ tướng Đức Friedrich Merz bên trong buồng lái một máy bay tiêm kích Eurofighter Typhoon của quân đội nước này. Ảnh: Getty Images
Đầu tiên là về cơ sở vật chất. Quân đội Đức hiện có khoảng 1.500 doanh trại trên cả nước. Tuy nhiên, theo một báo cáo thường niên vào năm 2024 của Quốc hội Đức, nhiều trong số này ở trong "tình trạng thảm hại". Ví dụ như tại doanh trại Südpfalz ở thành phố Germersheim, bang Rheinland-Pfalz, khu vực sinh hoạt của binh lính thì ẩm mốc, tường bị bong tróc khắp nơi. Ước tính cần khoảng 67 tỷ euro (tương đương 72 tỷ USD) để sửa chữa, cải tạo tất cả doanh trại của quân đội Đức trên toàn quốc.
Thứ hai là về nhân lực. Tình trạng thiếu hụt nhân lực là một trong những mối lo ngại lớn nhất của quân đội Đức. Quân đội Đức hiện có khoảng 182.000 binh lính trong khi mục tiêu đề ra của Bộ Quốc phòng là tăng lên ít nhất 203.000 binh lính vào năm 2031. Theo AFP, kể từ khi Chiến tranh lạnh kết thúc, Đức đã giảm đáng kể quy mô quân đội, từ quân số khoảng 500.000 người vào năm 1990 xuống như hiện nay. Việc tái áp dụng nghĩa vụ quân sự bắt buộc-vốn đã bị đình chỉ từ năm 2011-cũng đang được thảo luận. Tuy nhiên, điều này sẽ kéo theo chi phí lớn vì quân đội Đức hiện không có đủ cơ sở vật chất để tiếp nhận và huấn luyện các binh lính nghĩa vụ.
Trực thăng chiến đấu Eurocopter Tiger của quân đội Đức tham gia cuộc tập trận Grand Quadriga 2024 tại Litva, tháng 5-2024. Ảnh: chinadailyhk.com
Thứ ba là hệ thống vũ khí. Một số vũ khí, khí tài của quân đội Đức hiện đã lỗi thời. Kể từ sau Chiến tranh lạnh, chỉ những hệ thống thực sự thiết yếu mới được mua sắm, còn lại phần lớn "được sửa chữa tạm thời cho đến khi hết phụ tùng thay thế". Tình hình có phần được cải thiện kể từ khi quỹ đặc biệt 100 tỷ euro nằm ngoài ngân sách quốc gia được thành lập vào năm 2022 để mua sắm trang thiết bị cho quân đội Đức. Mặc dù quỹ này hiện đang được sử dụng để khắc phục những thiếu hụt nghiêm trọng nhất, song quân đội Đức vẫn "còn lâu mới được trang bị đầy đủ". Đức đã đặt nhiều đơn hàng mua sắm quốc phòng, từ máy bay tiêm kích F-35, máy bay tuần tra trên biển P8 Poseidon, xe tăng chiến đấu chủ lực Leopard 2A8 cho đến các hệ thống phòng thủ tên lửa Patriot, IRIS-T cùng các tàu hộ vệ, tàu ngầm... Một số đơn hàng đã bắt đầu được bàn giao nhưng phải mất nhiều năm nữa thì các đơn hàng mới được hoàn tất.
Thứ tư là các máy bay chiến đấu không người lái. Công nghệ máy bay không người lái hiện đang phát triển nhanh chóng trong khi Đức chưa có các hướng dẫn và quy định rõ ràng về việc sử dụng máy bay chiến đấu không người lái. Vì vậy, quá trình lập kế hoạch và mua sắm thường mất nhiều năm, khiến quân đội Đức thiếu hụt máy bay chiến đấu không người lái. Ngoài ra, quân đội Đức cũng thiếu hụt các hệ thống phòng thủ hiệu quả trước các cuộc tấn công bằng máy bay chiến đấu không người lái. "Việc các máy bay do thám không người lái được phát hiện hoạt động bên trên một số căn cứ của quân đội Đức thời gian qua khiến vấn đề này trở nên đặc biệt cấp bách", DW nhấn mạnh.
Thứ năm là kho đạn dự trữ. Kho đạn dự trữ của quân đội Đức hiện tương đối khiêm tốn. Sau khi Chiến tranh lạnh kết thúc, kho đạn dự trữ của Đức đã bị cắt giảm và năng lực sản xuất cũng bị thu hẹp. Không chỉ vậy, trong mấy năm trở lại đây, Đức đã chuyển giao một phần lớn trong kho đạn dự trữ của mình cho Ukraine. Tuy ngành công nghiệp quốc phòng Đức đang nỗ lực nhưng việc tăng cường năng lực sản xuất nói chung "không thể thực hiện trong một sớm một chiều".
Thứ sáu là chuyển đổi số. Quân đội Đức được đánh giá là đang tụt hậu về chuyển đổi số trong bối cảnh "các cuộc tấn công hỗn hợp là một thực tế hằng ngày". Vì vậy, trong số hàng tỷ euro được đầu tư bổ sung cho quốc phòng, một phần sẽ phải được dành cho chuyển đổi số, trong đó có các ứng dụng trí tuệ nhân tạo, các trung tâm dữ liệu mới, thông tin liên lạc vệ tinh an toàn.
HOÀNG VŨ