Tập trung về Hà Nội từ ngày 6-6, Khối Nữ chiến sĩ biệt động gồm gần 200 thành viên nhanh chóng bước vào huấn luyện. Dù phần lớn đã tham gia luyện tập diễu binh, diễu hành trong Lễ kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (nhiệm vụ A50) nhưng khác biệt về khí hậu, thời tiết giữa miền Nam và miền Bắc vẫn là thử thách không nhỏ đối với mỗi thành viên. Trời ít gió, nắng nóng gay gắt, nền nhiệt cao cùng những cơn mưa bất chợt ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của các nữ quân nhân trong quá trình huấn luyện.
Tuy gặp không ít khó khăn, nhưng các nữ quân nhân đều thể hiện rõ tinh thần trách nhiệm, luyện tập nghiêm túc, bền bỉ. Trung úy QNCN Nguyễn Thị Cẩm Hoa (Quân khu 9) chia sẻ: “Những ngày đầu chưa quen với cường độ tập luyện và thời tiết nên nhiều đồng chí bị đau đầu, mỏi cơ, ngón chân phồng rộp. Nhưng ai cũng cố gắng khắc phục, bởi nghỉ tập một buổi là ảnh hưởng tới cả đội hình, không theo kịp các thành viên khác”.
Được biết, phương pháp luyện tập của Khối Nữ chiến sĩ biệt động tương tự đợt luyện tập diễu binh, diễu hành phục vụ nhiệm vụ A50, đó là đeo tạ chì (mỗi chân 0,5kg, sau nâng lên 1kg) để tập ke chân, động tác bồng súng, động tác mặt, mỗi lần khoảng 30-40 giây. Khi bước vào luyện tập có mang mặc trang bị (mũ chiến đấu nặng 2,6kg, súng STV-215 nặng 3,5kg, giáp bảo hộ cùng bao tay, bao chân nặng hơn 1kg) thì thời gian nâng lên từ 1 phút cho đến 2-3 phút. Còn khi vào tập trên đường hành tiến, yêu cầu về động tác và sức bền sẽ cao hơn nữa.
Các quân nhân Khối Nữ chiến sĩ biệt động đeo tạ chì luyện tập động tác ke chân.
Quá trình huấn luyện đòi hỏi sự đồng đều, chính xác đến từng centimet nên các bài tập kéo dài hàng giờ đồng hồ trong nắng nóng khiến không ít người mệt mỏi. Hạ sĩ Nguyễn Thị Thu Thủy (Quân khu 7) cho hay: “Bài tập đeo khối chì ke chân giúp chúng tôi nâng cao khả năng giữ thăng bằng, sức bền cơ bắp và giữ cữ chân, nhưng khi tập rất dễ bị căng cơ, chuột rút, trời nắng nóng, mồ hôi chảy nhiều khiến cơ thể mất nước. Rút kinh nghiệm từ đợt huấn luyện nhiệm vụ A50, chúng tôi khắc phục bằng cách ngâm nước đá xoa bóp cho nhau, đồng thời bổ sung nước, vitamin và ăn nhiều trái cây”.
Thiếu tá Vũ Công Trung, cán bộ Trường Quân sự Quân khu 7, phụ trách huấn luyện Khối Nữ chiến sĩ biệt động, cho biết: “Chúng tôi triển khai kế hoạch tập luyện theo tiến độ tăng dần; điều chỉnh thời gian tập luyện buổi sáng từ 6 giờ 30 phút đến khoảng 10 giờ, buổi chiều từ 15 giờ đến 17 giờ 30 phút để tránh các khung giờ nắng gắt; đồng thời tăng cường dinh dưỡng, bổ sung nước điện giải cho bộ đội. Bên cạnh đó, sinh hoạt văn nghệ, giải trí được tổ chức trong giờ nghỉ để nâng cao tinh thần cho chị em, góp phần duy trì nhịp độ luyện tập đều đặn”.
Ngoài khắc phục những khó khăn trong quá trình huấn luyện, các nữ quân nhân còn phải vượt qua thử thách xa gia đình trong thời gian dài. Đây là trở ngại không nhỏ, nhưng tất cả đều xác định rõ tư tưởng, quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ. Là một trong những quân nhân trẻ nhất của Khối Nữ chiến sĩ biệt động, Hạ sĩ Nguyễn Thị Thu Thủy tâm sự: “Khối có nhiều đồng chí đã lập gia đình, có con nhỏ. Dù gặp khó khăn nhưng chị em thường xuyên chia sẻ, động viên lẫn nhau, luôn giúp đỡ nhau mỗi khi cần”.
Thiếu tá QNCN Trương Thị Yến Ngọc (Bộ CHQS tỉnh Tiền Giang) là minh chứng điển hình cho tinh thần vượt khó. Là mẹ của hai con nhỏ, chị đã khắc phục mọi trở ngại để hoàn thành tốt nhiệm vụ. Thượng tá Trịnh Văn Khuê, Phó chủ nhiệm Chính trị Trường Quân sự Quân khu 7, Chính trị viên Khối Nữ chiến sĩ biệt động, thông tin: “Chồng đồng chí Ngọc cũng là quân nhân, công tác tại Trung đoàn 924 (Bộ CHQS tỉnh Tiền Giang) cách nhà 60km. Khi đồng chí Ngọc ra Bắc làm nhiệm vụ, hai con nhỏ phải gửi hàng xóm đưa đón đi học. Đơn vị đã chủ động đề nghị tăng cường chồng đồng chí Ngọc về đơn vị gần nhà để vợ yên tâm công tác”.
Những buổi tối sau giờ sinh hoạt chung, Thiếu tá QNCN Trương Thị Yến Ngọc lại tranh thủ gọi điện về động viên các con. “Tuy chỉ vài phút ngắn ngủi nhưng nghe tiếng con hỏi thăm hôm nay mẹ ăn gì, mẹ có mệt không, tôi thực sự ấm lòng”, chị Ngọc bộc bạch.
Nhiều đồng chí trong khối cũng có hoàn cảnh đặc biệt. Thiếu úy QNCN Võ Thị Tường Vi (Bộ Tham mưu Quân khu 5) là mẹ của 3 con nhỏ nhưng vẫn tình nguyện tham gia diễu binh, diễu hành. Có lúc nhớ con đến rơi nước mắt, nhưng được thủ trưởng động viên và đồng đội sẻ chia, chị Vi đã vượt qua, bền bỉ theo sát đội hình, hoàn thành tốt các nội dung huấn luyện.
Những lúc nghỉ giải lao và sau buổi luyện tập, chúng tôi thấy các nữ quân nhân vừa giúp nhau nắn bóp chân, ngâm chân, băng vết phồng rộp... vừa trò chuyện vui vẻ. Chính những điều tưởng chừng nhỏ bé ấy lại góp phần tạo nên tinh thần đoàn kết, quyết tâm vượt qua mọi khó khăn, thử thách để hoàn thành tốt nhiệm vụ luyện tập tham gia diễu binh, diễu hành của Khối Nữ chiến sĩ biệt động.
Bài và ảnh: LÊ HIẾU