Những nước đầu tiên tuyên bố đáp trả chính sách thuế của ông Trump

Những nước đầu tiên tuyên bố đáp trả chính sách thuế của ông Trump
20 giờ trướcBài gốc
Tổng thống Mỹ Donald Trump đưa ra những bình luận về thuế quan tại Vườn Hồng, Nhà Trắng ngày 2/4. Ảnh: Reuters.
Tổng thống Mỹ Donald Trump vừa công bố chính sách thuế quan mới vào chiều ngày 2/4 (giờ địa phương), với mức thuế 10% áp dụng cho toàn bộ hàng hóa nhập khẩu và mức cao hơn dành cho các đối tác thương mại lớn.
Quyết định này không chỉ làm dấy lên phản ứng gay gắt từ nhiều quốc gia mà còn đẩy thế giới đứng trước nguy cơ chiến tranh thương mại toàn diện, đe dọa sự ổn định kinh tế toàn cầu.
Cụ thể, ông Trump tuyên bố mức thuế cơ bản 10% sẽ áp dụng cho các nước như Anh, Brazil và Singapore. Các quốc gia khác, bao gồm Liên minh châu Âu (EU), Malaysia, Nhật Bản, Hàn Quốc và Ấn Độ, phải đối mặt với mức thuế 20-26%.
Trung Quốc bị áp mức thuế 34%. Đáng chú ý, khi cộng dồn với các đợt thuế trước, hàng hóa Trung Quốc vào Mỹ có thể chịu tổng mức thuế lên tới 54%.
Mexico và Canada tạm thời được miễn thuế đối ứng nếu tuân thủ các điều kiện trong hiệp định thương mại tự do, nhưng mức thuế 25% với ôtô nhập khẩu từ hai nước này vẫn được giữ nguyên.
Phản ứng quyết liệt
Phản ứng trước lệnh thuế mới từ Mỹ, Bộ Thương mại Trung Quốc kêu gọi Mỹ “ngay lập tức” hủy bỏ chính sách thuế quan và giải quyết bất đồng thông qua “đối thoại công bằng”, theo Reuters.
Bắc Kinh cũng cảnh báo sẽ triển khai “các biện pháp đáp trả cần thiết” để bảo vệ lợi ích quốc gia. Các chuyên gia dự đoán Trung Quốc có thể áp thuế trả đũa lên hàng hóa Mỹ như đậu nành, máy bay hoặc thậm chí hạn chế xuất khẩu đất hiếm - nguyên liệu quan trọng cho công nghệ cao.
Tại Bắc Mỹ, Thủ tướng Canada Mark Carney tỏ ra cứng rắn khi cam kết bảo vệ người lao động và nền kinh tế trước các mức thuế của Mỹ, bao gồm thuế áp lên thép, nhôm và fentanyl.
“Chúng tôi sẽ chống lại bằng các biện pháp đối phó mạnh mẽ”, ông tuyên bố.
Trước đó, Canada từng áp thuế trả đũa khi ông Trump công bố mức thuế 25% với hàng hóa nước này.
Thủ tướng Canada Mark Carney cho biết nước này sẽ đáp trả mạnh mẽ các biện pháp thuế quan mới từ Mỹ. Ảnh: Reuters.
Chính phủ Brazil tuyên bố đang đánh giá mọi biện pháp, bao gồm cả việc khiếu nại lên Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), để đối phó với mức thuế 10%.
Quốc hội nước này đã thông qua dự luật thiết lập khung pháp lý cho các biện pháp trả đũa, chỉ chờ Tổng thống Luiz Inacio Lula da Silva phê chuẩn. Brazil lập luận rằng Mỹ đang hưởng thặng dư thương mại đáng kể với họ, và chính sách thuế của ông Trump “không phản ánh thực tế quan hệ song phương”.
Dù sẵn sàng đối đầu, Brazil vẫn để ngỏ khả năng đối thoại để tránh leo thang căng thẳng.
Tại châu Âu, mức thuế 20-26% áp lên EU đã làm dấy lên làn sóng phản đối, AP cho biết. Thủ tướng Italy Giorgia Meloni gọi đây là “quyết định sai lầm”, cảnh báo một cuộc chiến thương mại có thể làm suy yếu phương Tây và tạo lợi thế cho các đối thủ như Trung Quốc.
“Chúng tôi sẽ làm mọi cách để đạt thỏa thuận với Mỹ”, bà nói, đồng thời kêu gọi các nước EU phối hợp hành động.
Trước đó, EU đã áp thuế lên 28 tỷ USD hàng hóa Mỹ, bao gồm rượu bourbon, khiến ông Trump đe dọa đáp trả bằng mức thuế 200% với rượu châu Âu – động thái có thể đẩy căng thẳng lên đỉnh điểm.
Tỏ ra thận trọng
Thủ tướng Australia Anthony Albanese cũng gọi quyết định của Mỹ là “hoàn toàn vô lý” và “thiếu logic”. Ông chỉ ra rằng Mỹ đang xuất siêu sang Australia với tỷ lệ 2:1, và nếu áp dụng nguyên tắc “có đi có lại” như ông Trump tuyên bố, mức thuế đúng ra phải là 0% thay vì 10%.
“Đây không phải hành động của một người bạn”, ông Albanese nói, nhấn mạnh hiệp định tự do thương mại giữa hai nước đang bị đe dọa.
Dù chỉ trích mạnh mẽ, Australia tuyên bố sẽ không vội vàng trả đũa mà tìm cách đàm phán để giảm thiểu thiệt hại.
Thủ tướng Australia Anthony Albanese phát biểu về quyết định áp thuế của Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 3/4. Ảnh: Reuters.
Ngược lại, Tổng thống Mexico Claudia Sheinbaum chọn cách tiếp cận thận trọng. “Chúng tôi sẽ chờ xem tác động thực tế trước khi hành động. Không phải cứ bị áp thuế là đáp trả ngay”, bà phát biểu trong cuộc họp báo.
Khác với Italy, Anh - dù chịu mức thuế 10%, vẫn giữ thái độ ôn hòa. Bộ trưởng Kinh doanh Jonathan Reynolds khẳng định Mỹ là “đồng minh thân cận nhất” và hy vọng đàm phán để giảm thiểu tác động. Tuy nhiên, ông nhấn mạnh “mọi lựa chọn đều được xem xét” để bảo vệ lợi ích quốc gia.
Tại châu Á, Hàn Quốc nhanh chóng hành động để giảm thiểu thiệt hại từ mức thuế 25%, đặc biệt trong ngành ôtô - lĩnh vực xuất khẩu chủ lực sang Mỹ. Quyền Tổng thống Han Duck-soo ra lệnh hỗ trợ khẩn cấp cho doanh nghiệp và yêu cầu đàm phán tích cực với Washington, Reuters cho biết.
“Khi chiến tranh thương mại đã thành hiện thực, chúng ta phải huy động mọi nguồn lực để vượt qua”, Bộ Công nghiệp Hàn Quốc nhấn mạnh.
Trong khi đó, Bộ trưởng Thương mại Nhật Bản Yoji Muto gọi quyết định của Mỹ là “cực kỳ đáng tiếc” và đang cân nhắc mọi phương án đáp trả.
“Chúng tôi sẽ hành động thận trọng nhưng táo bạo”, ông nói, sau khi nỗ lực vận động miễn thuế trong cuộc họp với Bộ trưởng Thương mại Mỹ Howard Lutnick không thành.
Trước đó, trong bài phát biểu của mình, ông Trump đã chỉ đích danh các đồng minh an ninh châu Á của Washington là Hàn Quốc và Nhật Bản, cáo buộc họ là một trong những nước vi phạm tồi tệ nhất vì thực hiện các hoạt động thương mại không công bằng đối với Mỹ.
Phương Linh
Nguồn Znews : https://znews.vn/nhung-nuoc-dau-tien-tuyen-bo-dap-tra-chinh-sach-thue-cua-ong-trump-post1542906.html