Nhiệm kỳ thứ hai của Tổng thống Mỹ Donald Trump được đánh dấu bằng hàng loạt sắc lệnh nhằm định hình lại cơ bản chính phủ, vị thế của nước Mỹ trên trường toàn cầu và cuộc sống thường ngày của người dân nước này, theo hãng tin NBC News.
Tính đến ngày 7-2, ông Trump đã ký hơn 50 sắc lệnh, nhiều nhất trong 100 ngày đầu tiên của một tổng thống trong hơn 40 năm qua.
Tổng thống Mỹ Donald Trump tại Phòng Bầu dục. Ảnh: GETTY IMAGES
Nhiều sắc lệnh bị những người chỉ trích ông Trump cho rằng vượt quá thẩm quyền theo hiến pháp. Các sắc lệnh trải dài từ thuế quan đối với Mexico, Trung Quốc và Canada, đến việc tạm dừng viện trợ nước ngoài và trấn áp nhập cư bất hợp pháp, cho đến lệnh cấm người chuyển giới phục vụ trong quân đội.
Dưới đây là các sắc lệnh đáng chú ý mà Tổng thống Trump đã đặt bút ký trong tuần vừa qua:
Ngày 7-2: Sắc lệnh có tên “Xử lý các hành động nghiêm trọng của Cộng hòa Nam Phi”
Sắc lệnh cắt viện trợ tài chính của Mỹ cho Nam Phi liên quan đạo luật cải cách ruộng đất của Nam Phi và vụ Nam Phi kiện Israel ra Tòa Công lý Quốc tế (ICJ) với cáo buộc diệt chủng ở Dải Gaza.
Ngày 6-2: Sắc lệnh Áp dụng lệnh trừng phạt đối với Tòa Hình sự Quốc tế (ICC)
Sắc lệnh trừng phạt các nhân viên ICC với cáo buộc rằng ICC “đã tham gia vào các hành động phi pháp và vô căn cứ nhằm vào nước Mỹ và đồng minh thân cận của chúng tôi là Israel.
Trụ sở Tòa Hình sự Quốc tế (ICC) tại The Hague (Hà Lan). Ảnh: GETTY IMAGES
Theo đó, sắc lệnh ban hành các lệnh trừng phạt tài chính và hạn chế thị thực đối với những cá nhân và gia đình ủng hộ các cuộc điều tra của ICC đối với công dân Mỹ hoặc các quốc gia đồng minh.
Ngày 6-2: Sắc lệnh xóa bỏ định kiến đối với Cơ đốc giáo
Sắc lệnh này yêu cầu thành lập “Đơn vị chuyên trách xóa bỏ định kiến chống Cơ đốc giáo” với sự tham gia của các bộ trưởng với thời gian hoạt động 2 năm. Sắc lệnh chỉ thị đơn vị này “xác định bất kỳ chính sách, hoạt động hoặc hành vi chống Cơ đốc giáo bất hợp pháp nào của một cơ quan” trong chính quyền người tiền nhiệm Joe Biden và đề xuất các bước để “hủy bỏ hoặc chấm dứt” bất kỳ chính sách hoặc hoạt động nào.
Ngày 5-2: Sắc lệnh có tên “Không có đàn ông trong thể thao dành cho phụ nữ”
Sắc lệnh này sẽ giới hạn quyền tham gia của vận động viên chuyển giới nữ trong các giải đấu thể thao nữ do các tổ chức giáo dục tổ chức. Sắc lệnh cũng yêu cầu các trường học, hiệp hội thể thao và tổ chức giáo dục nhận tài trợ liên bang chỉ cho phép những vận động viên có giới tính sinh học là nữ tham gia thi đấu trong các hạng mục thể thao dành cho nữ.
Ngoài ra, sắc lệnh rút Mỹ khỏi các chương trình thể thao quốc tế cho phép vận động viên chuyển giới nữ tham gia và chỉ thị cho các bộ trưởng ngoại giao và an ninh nội địa làm việc để cấm các vận động viên nữ chuyển giới nhập cảnh vào nước này.
Ngày 4-2: Sắc lệnh Rút Mỹ khỏi và chấm dứt tài trợ cho một số tổ chức của Liên Hợp Quốc và xem xét lại sự hỗ trợ của Mỹ cho tất cả các tổ chức quốc tế
Sắc lệnh này tuyên bố rằng Mỹ sẽ không tham gia Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc (UNHRC) và chỉ thị cho Ngoại trưởng Mỹ chấm dứt chức vụ đại diện của Mỹ tại UNHRC và các vị trí liên quan khác. Sắc lệnh cấm các cơ quan sử dụng bất kỳ khoản tiền nào để đóng góp, tài trợ hoặc thanh toán khác cho Cơ quan Liên Hợp Quốc hỗ trợ người tị nạn Palestine (UNRWA) ở Cận Đông.
Sắc lệnh cũng chỉ thị cho Ngoại trưởng Mỹ xem xét sự tham gia của Mỹ vào các tổ chức, công ước hoặc hiệp ước liên chính phủ khác và xác định các cải cách tiềm năng.
Ngày 3-2: Sắc lệnh có tên Kế hoạch thành lập Quỹ đầu tư quốc gia Mỹ
Sắc lệnh này kêu gọi một kế hoạch thành lập "quỹ đầu tư quốc gia" của Mỹ nhằm mục đích "thúc đẩy tính bền vững về tài chính, giảm gánh nặng thuế cho các gia đình và doanh nghiệp nhỏ của Mỹ thiết lập an ninh kinh tế cho các thế hệ tương lai và thúc đẩy vai trò lãnh đạo kinh tế và chiến lược của Mỹ trên trường quốc tế".
VĨNH KHANG