Những sản phẩm vùng cao được ưa chuộng trong dịp Tết

Những sản phẩm vùng cao được ưa chuộng trong dịp Tết
4 giờ trướcBài gốc
Gạo séng cù, nếp nương, lứt đỏ đã trở thành sản phẩm tiêu biểu của tỉnh Điện Biên để hướng tới sản phẩm gạo đạt tiêu chuẩn chất lượng cao. Ảnh: Ái Vân
Trong những năm gần đây, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên đã đẩy mạnh chương trình "Mỗi xã một sản phẩm" (OCOP). Với việc nâng cấp các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ cũng như các tuyến đường kết nối các với các huyện, xã tới trung tâm thành phố và các tỉnh, đã góp phần giảm thiểu chi phí vận chuyển và thời gian giao hàng, giúp các sản phẩm nông sản đặc trưng của Điện Biên có thể tiếp cận với thị trường ngoài tỉnh và các thành phố lớn trong cả nước.
Những sản phẩm OCOP được tiêu thụ mạnh trong dịp Tết không chỉ mang lại thu nhập cao cho người dân, mà còn là cơ hội để các nông sản đặc trưng được giới thiệu đến đông đảo người tiêu dùng, nâng cao giá trị thương hiệu. Trong những năm gần đây, bà con dân tộc thiểu số trên khắp cả nước đã và đang nỗ lực không ngừng phát triển thương hiệu cho các sản phẩm nông sản đặc trưng của địa phương. Gạo Điện Biên từ lâu trở thành đặc sản nổi tiếng của vùng Tây Bắc, gắn liền với hình ảnh của cánh đồng Mường Thanh rộng lớn, thế nhưng, lợi dụng sự nổi tiếng của loại gạo này, rất nhiều cửa hàng chuyên sỉ và lẻ gạo đã mượn thương hiệu gạo tám Điện Biên đánh tráo bằng các loại gạo khác, do đó để xây dựng lại niềm tin với người tiêu dùng, tỉnh Điện Biên đã có hướng đi riêng đối với gạo Điện Biên.
Điển hình như Hợp tác xã (HTX) Tâm Thiện, xã Noong Hẹt. Nếu như trước đây, làm ăn nhỏ lẻ không đem lại hiệu quả kinh tế cao, cũng không tạo công ăn việc làm cho người lao động thì giờ đây, Hợp tác xã (HTX) Tâm Thiện, xã Noong Hẹt với 3 dòng sản phẩm chính là gạo séng cù, nếp nương, lứt đỏ đã trở thành một trong những HTX tiêu biểu lớn nhất nhì huyện Điện Biên. Hướng tới xây dựng thương hiệu gạo riêng, đáp ứng các tiêu chuẩn chất lượng cao. HTX đã không ngừng đầu tư máy móc hiện đại, ứng dụng các quy trình chế biến tiên tiến nhằm giữ nguyên giá trị dinh dưỡng của gạo và đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Bước đi này đã giúp sản phẩm gạo Điện Biên ngày càng được người tin dùng tin tưởng, đánh giá cao.
Bà Trần Thị Hương Quế, Giám đốc HTX Tâm Thiện tâm sự: "Gạo Thiện Tâm là bao nhiêu tâm huyết của tôi đặt hết vào chất lượng sản phẩm, góp phần tiêu thụ nông sản cho bà con. Cũng mong trong dịp Tết Nguyên đán này, đặc sản của Điện Biên là nếp nương và gạo séng cù không những là quà biếu, mà còn là đặc sản được khách hàng trên cả nước đón nhận".
Theo ông Ngô Xuân Chính, Phó Chủ tịch UBND huyện Điện Biên, theo truyền thống của người Việt Nam, mỗi dịp Tết đến, Xuân về, các gia đình đều chuẩn bị một vài các món ăn mang tính truyền thống của địa phương cho ngày Tết. Năm nay, huyện chuẩn bị khoảng 25.000 tấn gạo các loại, đảm bảo đủ cho nhu cầu thị trường trên địa bàn huyện, của tỉnh cũng như xuất bán đi các tỉnh bạn. Sản lượng tăng lên nhưng yêu cầu về chất lượng gạo, mẫu mã bao bì cũng ngày được hoàn thiện. Sản phẩm gạo Điện Biên thơm ngon đã tạo được chỗ đứng nhất định trên thị trường nông sản miền Bắc, tạo ra một chuỗi giá trị nông sản bền vững giúp bà con, cải thiện thu nhập và giảm bớt khó khăn trong cuộc sống. Tập trung vào chất lượng sản phẩm nông sản là một hướng đi đúng đắn và cần thiết đối với bà con đồng bào dân tộc thiểu số để xây dựng thương hiệu, tăng cường khả năng cạnh tranh trên thị trường với rất nhiều mẫu mã, sản phẩm trong những ngày giáp Tết.
Miến dong Bình Liêu đã có mặt tại nhiều cửa hàng nông sản sạch, trung tâm thương mại lớn ở Quảng Ninh và các địa phương lân cận. Ảnh: Ái Vân
HTX phát triển Đình Trung, xã Húc Động, huyện Bình Liêu, tỉnh Quảng Ninh là một trong những cơ sở sản xuất miến dong dẫn đầu sản lượng của địa phương. Các cơ sở sản xuất miến trên địa bàn xã chịu thiệt hại nặng nề về sản lượng dong riềng cũng như máy móc thiết bị trong cơn bão số 3 vừa qua. Song với tinh thần quyết tâm khắc phục mọi khó khăn, các xưởng nhanh chóng bắt tay vào khôi phục sản xuất, tăng cường nhân lực lao động. Húc Động giờ đây không còn là những ngôi làng của người Sán Chỉ hẻo lánh nữa, mà ở thời điểm này, không khí nhộn nhịp, tưng bừng, ai cũng hối hả không ngơi tay để làm ra những gói miến dong ngon nhất phục vụ khách hàng trong dịp Tết Nguyên đán "Miến dong Bình Liêu đã có mặt tại nhiều cửa hàng nông sản sạch, trung tâm thương mại lớn với giá dao động từ 90.000 đến 120.000/kg và là một trong những sản phẩm OCOP chủ lực của tỉnh Quảng Ninh.
Cây dong riềng là cây trồng chủ lực trên địa bàn xã Húc Động. Sản lượng hiện nay trên địa bàn đã chế biến 70%, còn lại 30% sẽ tiếp tục chế biến, sản xuất vào dịp Tết này" - ông Nình Văn Hoàng, Phó Chủ tịch UBND xã Húc Động cho biết. Công nghệ hiện đại và quy trình chế biến, cùng với tâm huyết của người dân đã giữ vững được một thương hiệu miến dong thủ công lâu đời của bàn con đồng bào Sán Chỉ ở Bình Liêu.
Nhờ thế mạnh vốn có, tỉnh Sơn La được mệnh danh là vựa hoa quả miền Bắc. Với tiềm năng là mận Mộc Châu, xoài Yên Châu, hồng giòn Mộc Châu và nhiều loại hoa quả khác, đây chính là động lực thúc đẩy để nhiều HTX nghiên cứu, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, tạo ra các loại hoa quả sấy dẻo như mận, hồng, dâu tây sấy dẻo, giảm sức ép về sản lượng tăng quá cao trong mùa thu hoạch. Vì khi đến vụ thu hoạch, giá mận chỉ có 1.000 đồng/kg cũng không có người mua, nên các HTX ở địa phương đã đầu tư máy móc công nghệ vào sấy hoa quả, máy sấy bơm nhiệt, rồi máy sấy Hàn Quốc để khi sấy các sản phẩm sẽ giữ nguyên được hương vị, màu sắc.
Ngoài những mặt hàng bánh mứt, kẹo truyền thống, dòng hoa quả sấy thương hiệu Sơn La đã trở thành món quà Tết được nhiều người tiêu dùng lựa chọn. Với nhiều sản phẩm đã được công nhận đạt tiêu chuẩn OCOP 4 sao, 3 sao như mận sấy gừng, mận sấy mật ong, mận sấy thảo mộc, hồng giòn sấy dẻo phục vụ nhu cầu người dân trong dịp Tết, nhiều đơn vị đã cho ra mắt những bộ sản phẩm hoa quả sấy đa dạng, đẹp về hình thức và chất lượng. Hàng năm, Sơn La chuẩn bị khoảng 20 đến 30 tấn hoa quả khô sấy, năm nay, tỉnh đã chuẩn bị 40 đến 50 tấn.
Bà Nguyễn Thị Hoa, Phó Chủ tịch UBND huyện Mộc Châu cho biết: "Mộc Châu xác định, trên cơ sở lợi thế của mình về thổ nhưỡng, đất đai, chất lượng nông sản của Mộc Châu đã đạt chất lượng rất cao, quanh năm, các mặt hàng tiêu thụ sản phẩm khá ổn định. Tuy nhiên, trong dịp Tết Nguyên đán thì lượng hàng tăng lên khoảng 15 đến 20%. Đây cũng là cơ hội tốt để đẩy mạnh hơn nữa quảng bá sản phẩm nông nghiệp của địa phương".
Khi đã biết tận dụng những lợi thế vốn có của địa phương để phát triển nguồn nông sản đặc trưng thì mạng xã hội đã trở thành kênh quảng bá, bán hàng chính. Công nghệ đã giúp kết nối những mối bán hàng từ Bắc vào Nam, nông dân lo sản xuất còn Tiktok, livestream quảng bá và bán hàng nông sản. Cú "bắt tay" này giúp nông sản sản phẩm OCOP đắt như tôm tươi tại chợ online có doanh thu lớn thứ 2 ở Việt Nam.
Một mùa Xuân mới lại đến trên khắp cả nước nói chung và đồng bào vùng dân tộc thiểu số nói riêng. Với sắc hồng của hoa đào, sắc trắng tinh khôi của hoa mận, hoa mơ, sắc xanh của áo chàm..., Tết là thời điểm giao thời giữa năm cũ và năm mới, những sản phẩm nông sản đặc trưng của mỗi địa phương như món quà quý đến với mọi nhà, điểm tô thêm cho năm mới thêm xuân sắc.
Ái Vân
Nguồn Biên Phòng : https://bienphong.com.vn/nhung-san-pham-vung-cao-duoc-ua-chuong-trong-dip-tet-post486235.html