Những thách thức cần vượt qua để thực hiện cuộc cách mạng chuyển đổi xanh

Những thách thức cần vượt qua để thực hiện cuộc cách mạng chuyển đổi xanh
11 giờ trướcBài gốc
Chuyển đổi xanh đang là xu hướng toàn cầu.
Thách thức tài chính và hạ tầng
Một trong những rào cản lớn nhất đối với quá trình chuyển đổi xanh tại Hà Nội là chi phí đầu tư cao. Việc xây dựng hạ tầng giao thông xanh, phát triển công viên, nâng cấp công nghệ sản xuất hay cải tạo hệ thống xử lý rác thải đều cần nguồn vốn lớn, trong khi ngân sách TP có hạn.
Nhiều chuyên gia cho rằng, chi phí ban đầu là một rào cản lớn đối với công cuộc chuyển đổi xanh tại Hà Nội nói riêng hay Việt Nam nói chung. Nhưng nếu nhìn vào lợi ích dài hạn về sức khỏe cộng đồng và kinh tế, thì đây là một đầu tư đáng giá.
Giải pháp ngắn hạn là tìm kiếm các nguồn tài trợ quốc tế, khuyến khích đầu tư tư nhân qua các chính sách ưu đãi thuế. Về dài hạn, phát hành trái phiếu xanh, tạo ra các quỹ đầu tư môi trường, và hợp tác quốc tế có thể giúp giảm bớt gánh nặng tài chính.
Cùng với bài toán tài chính, TP Hà Nội cũng đang phải "gồng mình" chống chịu với áp lực từ một hệ thống hạ tầng đô thị có phần lỗi thời và quá tải. Đường sá thường xuyên ùn tắc, hệ thống thoát nước quá tải, dễ gây ngập úng khi mưa lớn, và hệ thống xử lý rác thải chưa đáp ứng đủ nhu cầu...
Thực tế, mật độ dân số cao, cùng với sự gia tăng chóng mặt của các phương tiện giao thông cá nhân, đã biến Hà Nội thành "điểm nóng" về ô nhiễm không khí trong những năm gần đây. Theo thống kê mới nhất, TP hiện có khoảng hơn 7,8 triệu phương tiện, trong đó xe máy chiếm tới hơn 90%.
Khói bụi từ hàng triệu chiếc xe máy, ô tô chen chúc trên đường mỗi ngày không chỉ gây hại cho sức khỏe người dân mà còn làm giảm chất lượng cuộc sống và ảnh hưởng đến hình ảnh của Thủ đô. Mặc dù Hà Nội đã có kế hoạch mở rộng hệ thống phương tiện công cộng và thí điểm xe đạp công cộng, nhưng tình trạng ùn tắc và ô nhiễm vẫn chưa được cải thiện đáng kể.
Một trong những đột phá về hạ tầng giao thông công cộng của TP trong những năm gần đây chính là sự xuất hiện của tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông; tuyến Nhổn - Ga Hà Nội, đoạn Nhổn - Cầu Giấy. Tuy nhiên, nếu chỉ dựa vào mỗi đường sắt đô thị chắc chắn là chưa đủ.
Số liệu thống kê cho thấy, trong tổng số 2.034 xe buýt đang hoạt động tại Hà Nội, chỉ có 277 xe sử dụng năng lượng sạch (139 xe buýt CNG và 138 xe buýt điện), chiếm tỷ lệ 13,6% . Chính phủ đang có kế hoạch thay thế 1.757 xe buýt chạy bằng nhiên liệu diesel còn lại với tốc độ khoảng 8% mỗi năm từ năm 2025 đến năm 2035.
Dù vậy, các chuyên gia cho rằng, Hà Nội vẫn sẽ cần thêm nhiều tuyến xe buýt điện với tần suất hoạt động cao, phủ khắp các khu vực trong TP mới giải quyết triệt để được bài toán về hạ tầng giao thông cũng như môi trường của Thủ đô.
Xe điện hiện nay đang được coi là phương tiện giao thông xanh của tương lai, nhưng việc phát triển hạ tầng cho xe điện tại Hà Nội vẫn còn nhiều hạn chế. Số lượng trạm sạc xe điện công cộng còn ít, phân bố chưa hợp lý, gây khó khăn cho người dân khi sử dụng xe điện.
Cuộc cách mạng mang tên chuyển đổi xanh đang được TP triển khai quyết liệt và đúng hướng.
Bài toán về nhận thức và phát triển không gian xanh
Những năm gần đây, tốc độ đô thị hóa nhanh chóng đã khiến diện tích không gian xanh tại Hà Nội dần thu hẹp. Các khu vực cây xanh công cộng, mặt nước và đất nông nghiệp dần bị thay thế bởi nhà ở, khu thương mại, công trình hạ tầng. Trong khi đó, việc mở rộng diện tích cây xanh và công viên đô thị lại gặp khó khăn do quỹ đất hạn chế và quá trình giải phóng mặt bằng phức tạp.
Theo PGS.TS Nguyễn Thế Chinh - nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược chính sách Tài nguyên và Môi trường, việc phát triển không gian xanh không chỉ là trồng thêm cây mà còn cần quy hoạch hợp lý để các khu vực này thực sự phát huy vai trò điều hòa không khí, giảm nhiệt đô thị và tạo không gian sinh hoạt công cộng.
“Hà Nội cần có chính sách bảo vệ nghiêm ngặt các vùng cây xanh hiện hữu, đồng thời tận dụng tối đa các không gian trống trong đô thị để phát triển cây xanh theo chiều dọc, trên mái nhà và các tuyến phố” – PGS.TS Nguyễn Thế Chinh cho hay.
Ngoài ra, mô hình nông nghiệp đô thị đang được xem là một giải pháp khả thi nhằm giữ gìn không gian xanh mà vẫn đảm bảo giá trị kinh tế. Tuy nhiên, phần lớn các hộ dân vẫn sản xuất theo phương thức truyền thống, thiếu sự hỗ trợ về công nghệ và đầu ra sản phẩm, khiến nhiều khu đất nông nghiệp có nguy cơ bị chuyển đổi mục đích sử dụng.
Chuyển đổi xanh được nói rất nhiều trong thời gian qua như một “chiếc đũa thần” để giải quyết bài toán giao thông và môi trường của Hà Nội nói riêng và cả nước nói chung. Các chuyên gia nhấn mạnh rằng, nhận thức của người dân và doanh nghiệp đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy chuyển đổi xanh.
Trong đó, thói quen sử dụng tài nguyên chưa bền vững là một thách thức lớn. Nhiều người dân chưa có thói quen phân loại rác, tiết kiệm năng lượng, sử dụng sản phẩm thân thiện môi trường. "Tôi thấy việc phân loại rác khá phức tạp, lại mất thời gian" - chị Nguyễn Thị Châu, một người dân quận Đống Đa, chia sẻ.
Để giải quyết vấn đề này, Hà Nội cần đẩy mạnh hơn nữa công tác truyền thông, giáo dục, nâng cao nhận thức cho người dân về tầm quan trọng của việc bảo vệ môi trường. Các chương trình truyền thông cần được thiết kế gần gũi, dễ hiểu, và dễ thực hiện, hướng tới từng đối tượng cụ thể, từ học sinh, sinh viên, đến người lao động, cán bộ, công chức.
Bên cạnh đó, cần có các biện pháp khuyến khích, khen thưởng những cá nhân, tổ chức có đóng góp tích cực cho công tác bảo vệ môi trường, đồng thời xử lý nghiêm các hành vi vi phạm. Trên hết, TP cần có một chiến lược tổng thể và dài hạn cho chuyển đổi xanh.
Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP Hà Nội lần thứ XVII ngày 13/10/2020 đã nêu rõ tầm nhìn đến năm 2030, Hà Nội sẽ trở thành Thủ đô xanh, thông minh, hiện đại. Theo nghị quyết, Hà Nội đặt mục tiêu phát triển giao thông xanh, mở rộng không gian xanh, đảm bảo các dự án xây dựng tuân thủ các tiêu chuẩn tiết kiệm năng lượng, giảm khí thải nhà kính.
Nguyễn Quý
Nguồn KTĐT : https://kinhtedothi.vn/nhung-thach-thuc-can-vuot-qua-de-thuc-hien-cuoc-cach-mang-chuyen-doi-xanh.html