Những thầy giáo Công an đội mũ nồi xanh tại châu Phi

Những thầy giáo Công an đội mũ nồi xanh tại châu Phi
2 giờ trướcBài gốc
Họ rời giảng đường đến với Lục địa đen để góp phần ngăn ngừa, kiềm chế các hoạt động xung đột vũ trang, bảo vệ dân thường, giữ gìn và duy trì hòa bình thế giới.
Hành trình của chiếc bút chỉ bảng laser
Trước khi lên đường thực hiện nhiệm vụ gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc (GGHB LHQ) tại Phái bộ UNMISS, Nam Sudan, Đại tá, PGS.TS Lê Quốc Huy là Phó trưởng khoa Kỹ thuật hình sự, Học viện Cảnh sát nhân dân.
Đại tá Lê Quốc Huy và chỉ huy đơn vị cảnh sát Nepal FPU1 tại phái bộ UNMISS, Nam Sudan.
22 năm công tác tại Học viện là quãng thời gian nhiều dấn ấn của anh với công tác giảng dạy và nghiên cứu khoa học. Cũng chính từ môi trường này, anh đã có điều kiện biết đến hoạt động GGHB LHQ của lực lượng cảnh sát các nước. "Năm 2007, khi đang công tác trong Học viện Cảnh sát nhân dân, tôi là một trong hai sĩ quan được Bộ Công an cử đi tham dự khóa huấn luyện cảnh sát LHQ đầu tiên tại Na Uy. Nhờ chuyến công tác mà tôi biết được rằng lực lượng cảnh sát các nước có thể đóng góp cho hoạt động GGHB và được làm trong môi trường LHQ tại các vùng từng xảy ra xung đột. Kể từ đó tôi tích cực tìm hiểu về hoạt động này. Càng tìm hiểu càng thấy ý nghĩa với người dân thế giới và đất nước mình. Ước mơ trở thành sĩ quan công an đội mũ nồi xanh nhen nhóm và lớn dần trong tôi từ ngày đó", Đại tá Lê Quốc Huy chia sẻ với chúng tôi.
Ngày 15/6/2021, Văn phòng Thường trực Bộ Công an về GGHB LHQ được thành lập, là cơ quan thường trực, đầu mối, tham mưu giúp lãnh đạo Bộ Công an trong chỉ huy, chỉ đạo điều hành lực lượng CAND tham gia lực lượng GGHB LHQ. Dấu mốc quan trọng này đã mở ra một giai đoạn mới khi lực lượng CAND Việt Nam chính thức tham gia đội quân mũ nồi xanh. Đầu năm 2022, Đại tá Huy là tổ trưởng tổ công tác tham gia khóa huấn luyện và dự thi sát hạch năng lực tham gia phái bộ tại Thổ Nhĩ Kỳ. Việc tổ công tác thi đỗ với tỉ lệ rất cao trong kì sát hạch đó cho thấy năng lực của các sĩ quan công an Việt Nam hoàn toàn đáp ứng được yêu cầu khắt khe của LHQ.
Tháng 10/2022, sau nhiều đợt tập huấn trong và ngoài nước, anh vinh dự là một trong ba sĩ quan đầu tiên đi GGHB. Trong hành trang lên đường, Đại tá Huy mang theo chiếc bút chỉ bảng laser - công cụ giảng dạy đã gắn với anh mỗi giờ lên giảng đường. Sang phái bộ UNMISS, Nam Sudan, anh trúng tuyển vị trí sĩ quan đánh giá nội bộ thuộc Sở chỉ huy Lực lượng cảnh sát phái bộ. Với công việc chính là kiểm tra, giám sát, đánh giá hoạt động của tất cả các văn phòng, bộ phận chức năng của lực lượng cảnh sát trên toàn phái bộ để báo cáo Tư lệnh cảnh sát, anh thường xuyên dùng bút chỉ bảng laser trong các buổi trình chiếu, thuyết trình. Không chỉ thế, Đại tá Huy còn phát huy được thế mạnh giảng dạy của mình khi tham gia các khóa huấn luyện đầu vào cho những sĩ quan mới. Việc giảng dạy, giao tiếp bằng tiếng Anh đã tạo cho anh tâm thế tự tin, hòa nhập để hoàn thành tốt nhiệm vụ trong môi trường quốc tế.
Tháng 4/2024, tổ công tác số 1 trong đó có Đại tá Huy đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ và trở về nước. Đầu tháng 11/2024, anh nhận quyết định điều động sang Văn phòng Thường trực Bộ Công an về GGHB LHQ. Anh được phân công giảng dạy, huấn luyện các sĩ quan cá nhân và đơn vị cảnh sát GGHB LHQ. Môi trường làm việc mới vẫn gắn với công tác giảng dạy khiến anh đỡ nhớ nghề. Đến giờ, chiếc bút chỉ bảng laser vẫn được anh sử dụng qua nhiều môi trường làm việc. Trước đây, anh nhiệt huyết trong từng bài giảng để truyền thụ kiến thức cho các thế hệ học viên. Còn giờ đây, anh say sưa với mảng kiến thức GGHB. Trong từng bài giảng, trong từng hoạt động đào tạo huấn luyện trên giảng đường hay thực địa, Đại tá Huy đều lồng ghép những giá trị cốt lõi của LHQ. Đó là tính liêm chính, chuyên nghiệp, tôn trọng sự đa dạng đã lan tỏa, thấm sâu, trở thành phẩm chất của mọi nhân viên LHQ.
Chính những kinh nghiệm trong công tác cảnh sát, trải nghiệm thực tế sinh động ở phái bộ trong những tháng ngày ở Nam Sudan đã góp phần làm cho bài giảng trong nước thêm phong phú, chân thực. Đó là những chuyến tuần tra của anh ở phái bộ UNMISS được gặp những người dân Nam Sudan nghèo khó phải sống trong sự bất ổn, hỗn loạn kéo dài, bị đẩy đuổi đi khắp nơi. Đó là những đứa trẻ gầy gò dưới nắng nóng mướt mải tìm bới quanh đống rác. Hoạt động hỗ trợ nhân đạo của LHQ mà cảnh sát Việt Nam tham gia đã trợ giúp đắc lực người dân Nam Sudan vượt qua những cơn đói trầm trọng, khi mà có đến 82% dân số của nước này sống trong nghèo đói. Không chỉ thế, sĩ quan công an mũ nồi xanh còn góp phần tập huấn, nâng cao năng lực cho lực lượng cảnh sát, quân đội của Nam Sudan.
Món quà đáng nhớ
Đã 3 tháng trôi qua kể từ khi Trung tá Trịnh Xuân Hiển lên đường thực hiện nhiệm vụ GGHB LHQ tại phái bộ UNISFA, khu vực Abyei. Đây là năm đầu tiên anh xa giảng đường, xa học viên của Khoa Nghiệp vụ điều tra hình sự, Học viện Cảnh sát nhân dân sau 17 năm gắn bó để làm nhiệm vụ quốc tế.
Trung tá Trịnh Xuân Hiển tuần tra, tiếp xúc với người dân ở làng Wayeng, khu vực Abyei.
Giờ đây, người thầy giáo đội trên đầu chiếc mũ nồi xanh đã nhập vào đội quân GGHB với nhiệm vụ tác chiến độc lập của một sĩ quan cảnh sát cộng đồng ở khu vực Marial Achak thuộc phân khu Nam của Abyei. Từ địa bàn châu Phi xa xôi, trao đổi với chúng tôi, anh chia sẻ: "Trước đó, anh em đồng nghiệp ở phái bộ đã nói với tôi rằng đó là nơi rất khó khăn. Nhưng phải đến khi đặt chân xuống địa bàn tôi mới cảm nhận được hết. Khu vực này cách trung tâm phái bộ khoảng 40km. Mùa mưa vừa hết, nhưng cả một vùng rộng lớn vẫn còn là sình lầy, ngập úng, cỏ mọc um tùm quá đầu người, đường sá hoàn toàn mất dấu. Ôtô không đi lại được, chỉ có thể di chuyển bằng trực thăng".
Địa bàn Marial Achak rất phức tạp về an ninh trật tự. Nơi đây có 7 cộng đồng dân cư, mỗi cộng đồng lập nên 1 đội tự quản. Do ở đây không có cảnh sát địa phương nên các đội tự quản có vai trò quan trọng trong việc nắm bắt vụ việc an ninh trật tự. Hàng ngày, Trung tá Hiển có nhiệm vụ tuần tra, gặp gỡ với người dân, gặp đội tự quản của từng khu vực để thu thập thông tin. Nhờ đó, anh có thể nắm bắt được dấu hiệu bạo loạn của các nhóm phiến quân để báo cáo về trụ sở, tiếp đó nhận chỉ thị từ trung tâm phái bộ. Khi có vụ việc xảy ra, cảnh sát LHQ là lực lượng đầu tiên tiếp cận để bảo vệ hiện trường, lấy lời khai, hướng dẫn đội tự quản tiến hành một số hoạt động điều tra ban đầu.
Anh kể về cuộc sống ở địa bàn: "Đã bắt đầu vào mùa khô, thời tiết càng khắc nghiệt hơn, nhiệt độ chạm ngưỡng gần 45oC. Nhiều tháng nữa sẽ không có một giọt mưa. Muỗi và côn trùng là nỗi ám ảnh với chúng tôi bởi dịch bệnh có thể bùng lên. Có rất nhiều loài côn trùng tôi chưa nhìn thấy bao giờ, cũng không biết gọi là gì, chỉ được cảnh báo là chúng rất độc. Phòng ở luôn đặt chế độ ra đóng vào mở để côn trùng không thể lọt vào. Khó nhất để vượt qua là tình trạng thiếu rau xanh kéo dài. Thực phẩm chỉ có thể mua được tại phái bộ nhưng đều là đồ đông lạnh nhập khẩu và vận chuyển bằng máy bay trực thăng".
Ba tháng ở địa bàn, Trung tá Hiển luôn bận bịu nhưng những trải nghiệm với anh vô đáng quý. Nhờ có sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của Văn phòng Thường trực Bộ Công an về GGHB LHQ, Trung tá Hiển cùng tổ công tác số 3 đang từng ngày vượt qua mọi điều kiện khắc nghiệt ở địa bàn để thực hiện tốt nhiệm vụ. Điều ý nghĩa nhất anh nhận lại là tình cảm quốc tế nồng ầm, sự tin yêu của người dân địa phương. Anh kể cho chúng tôi nghe một kỉ niệm đầy xúc động với người dân nơi đây.
Ngay khi anh sang địa bàn được 1 tháng thì một hôm có sĩ quan quân đội Ghana gõ cửa phòng và bảo: "Già làng Mawien ở làng Wayeng đến tìm anh". Trung tá Hiển mở cửa phòng, trước mắt anh là hình ảnh ông lão già nua, chân chống nạng, tập tễnh từng bước khó nhọc từ làng đến thăm anh, trên tay ông lão xách một con gà và mấy bắp ngô. Ông lão thuộc tộc người Dinka Ngok cười lớn và bảo: "Đây là gà tôi nuôi, ngô tôi trồng, tôi mang đến tặng anh".
"Tôi thực sự bất ngờ và xúc động. Họ nghèo khổ nhưng vẫn dành cho cảnh sát LHQ tình cảm chân tình, gần gũi. Ông lão là trưởng làng, cũng là thành viên của tổ tự quản. Hàng ngày đi tuần tra, duy trì trật tự ở làng tôi đều gặp gỡ, thăm hỏi, nói chuyện với họ. Bởi vậy mà ông lão rất quý mến và tin tưởng tôi. Ông bảo lần đầu tiên ông biết đến Việt Nam, gặp một người Việt Nam ở đây. Với tôi đó sẽ là món quà đáng nhớ cả cuộc đời", Trung tá Hiển chia sẻ đầy xúc động.
Huyền Châm
Nguồn ANTG : https://antgct.cand.com.vn/so-tay/nhung-thay-giao-cong-an-doi-mu-noi-xanh-tai-chau-phi-i751431/