Những tuyến đường huyết mạch khơi thông 'thủ phủ công nghiệp' tại TP.HCM

Những tuyến đường huyết mạch khơi thông 'thủ phủ công nghiệp' tại TP.HCM
9 giờ trướcBài gốc
Vừa qua, ba tuyến đường huyết mạch ĐT743, ĐT746 và ĐT747B (thuộc Bình Dương cũ) hoàn thành việc nâng cấp, mở rộng và đưa vào sử dụng. Với tổng chiều dài 47km, tổng mức đầu tư khoảng 2.400 tỷ đồng, ba tuyến đường huyết mạch này không đơn thuần là những lối đi, mà còn là minh chứng cho tầm nhìn chiến lược về phát triển hạ tầng, đặc biệt trong bối cảnh Bình Dương sáp nhập TP.HCM để hình thành một siêu đô thị hàng đầu khu vực và cả nước.
Nằm giữa hàng nghìn nhà máy lớn nhỏ, ĐT746 giữ vai trò là trục kết nối quan trọng giữa các địa phương phía Bắc của Bình Dương cũ như Tân Uyên, Bắc Tân Uyên, Phú Giáo và Bàu Bàng. Tuyến đường dài 15km có thiết kế rộng 38m với 6 làn xe, tốc độ cho phép 80km/h (ngoài đô thị) và 50 - 60km/h (trong đô thị). Bên cạnh đó, dải phân cách giữa, dải an toàn và lề đường lát gạch vỉa hè cho đoạn qua đô thị, đoạn ngoài đô thị đắp kết cấu sỏi đỏ dày 25cm.
Cuối tháng 6/2025, ĐT746 được đưa vào sử dụng. Tuyến đường khang trang, rộng rãi này giúp phương tiện rút ngắn thời gian đi lại, vận chuyển hàng hóa về các đầu mối giao thông quan trọng, đồng thời kết nối thuận lợi với đường Tạo lực Bắc Tân Uyên - Phú Giáo – Bàu Bàng và Vành đai 4 TP.HCM.
Tương tự, tuyến ĐT747B dài gần 20km, kéo dài từ khu công nghiệp Nam Tân Uyên đến nút giao Miếu Ông Cù, nối liền ĐT743 cũng vừa được nâng cấp, mở rộng. Với 6 làn xe, ĐT747B uốn lượn như dải lụa trên những con dốc theo địa hình đẹp mắt. Đây cũng là trục dọc xuyên suốt khu vực tập trung nhiều khu công nghiệp lớn như VSIP I, Nam Tân Uyên, Sóng Thần.. giúp giải phóng năng lực lưu thông vốn bị “đóng băng” nhiều năm do hạ tầng quá tải.
Anh Nguyễn Văn Tiến, một tài xế xe container thường xuyên vận chuyển hàng hóa từ các khu công nghiệp về cảng TP.HCM chia sẻ: "Thật sự rất vui vì tháng ngày ám ảnh với kẹt xe đã qua. Có những hôm kẹt xe trên ĐT747B đến mức tôi chỉ muốn bỏ xe đi bộ. Hàng hóa không kịp giao phải bù giờ, bù tiền lại tốn thời gian, sức lực. Giờ khác rồi, đường rộng thênh thang, đi qua các khu công nghiệp lớn mà vẫn rất thoáng".
Đặc biệt, nối liền ĐT747B là ĐT743 huyết mạch. Dài khoảng 12km từ ngã tư Miếu Ông Cù đến nút giao Sóng Thần, tuyến đường này đóng vai trò rất quan trọng trong việc kết nối các khu công nghiệp lớn, thúc đẩy giao thương giữa TP.HCM với những tỉnh lân cận. Việc được nâng cấp mở rộng lên 6 - 8 làn xe, thậm chí có đoạn 10 làn xe giúp ĐT743 thực sự "khơi thông" nút thắt giao thông cho khu vực.
Khu vực ngã sáu An Phú, điểm giao giữa ĐT743 với Tân Vạn - Mỹ Phước và đường 22/12, Trần Quang Diệu. Nơi đây từng là điểm đen ùn tắc, tai nạn giao thông khi có đến hai giao lộ nằm sát nhau với hàng nghìn phương tiện qua lại mỗi ngày, trong khi lại là nút thắt cổ chai. Hiện tại, đoạn ĐT743 qua nút giao này được mở rộng lên 10 làn xe, các lối rẽ rộng rãi vừa giúp giải tỏa áp lực giao thông vừa hạn chế xung đột, va chạm.
Việc hoàn thiện ba tuyến đường huyết mạch không chỉ giải quyết bài toán giao thông cục bộ của Bình Dương cũ, mà còn là mảnh ghép chiến lược, bổ sung vào bức tranh hạ tầng tổng thể của TP.HCM sau sáp nhập. Khi Bình Dương trở thành một phần của TP.HCM, mạng lưới giao thông đồng bộ, hiện đại này sẽ biến khu vực thành một trung tâm logistics, sản xuất và công nghiệp hàng đầu, kết nối liền mạch với các cảng biển quốc tế và sân bay.
Việc lưu thông thuận tiện, nhanh chóng sẽ giúp giảm chi phí vận tải cho doanh nghiệp, tăng cường năng lực cạnh tranh của hàng hóa và thu hút những làn sóng đầu tư mới, đặc biệt là các dự án công nghệ cao và logistics. Điều này sẽ góp phần đáng kể vào sự tăng trưởng kinh tế, tạo thêm nhiều việc làm, nâng cao chất lượng cuộc sống cho cư dân của "siêu đô thị" TP.HCM.
Video: Các tuyến đường huyết mạch khơi thông hàng hóa tại "thủ phủ công nghiệp" siêu đô thị TP.HCM.
Mỹ Quỳnh
Nguồn Xây Dựng : https://baoxaydung.vn/nhung-tuyen-duong-huyet-mach-khoi-thong-thu-phu-cong-nghiep-tai-tphcm-192250708171809235.htm