Khu Di tích lịch sử cách mạng Yên Trường, xã Thọ Lập - nơi diễn ra hội nghị thành lập Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa. (Ảnh Tư liệu)
Chi bộ cộng sản đầu tiên của tỉnh Thanh Hóa
Làng Hàm Hạ (phường Đông Sơn) - cái tên đã ghi đậm dấu mốc lịch sử gắn với sự kiện thành lập chi bộ cộng sản đầu tiên của tỉnh Thanh Hóa.
Trong những năm 1925-1930, các cuộc khởi nghĩa và các phong trào đấu tranh của Nhân dân ta diễn ra liên tục và mạnh mẽ, như: Phong trào Cần Vương, Đông Du, Đông Kinh Nghĩa Thục... Tuy nhiên, do thiếu đường lối đúng đắn và triệt để cách mạng nên các phong trào đó đã lần lượt thất bại.
Ở Thanh Hóa lúc bấy giờ, sự ra đời và hoạt động từ rất sớm của các tổ chức tiền thân đã cổ vũ mạnh mẽ phong trào cách mạng và là bước đệm vững chắc cho việc thành lập Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa sau này. Các cơ sở của Hội Việt Nam cách mạng thanh niên, Tân Việt cách mạng Đảng đã được gây dựng khắp nơi, với hàng trăm hội viên, chủ yếu ở thị xã Thanh Hóa, Thiệu Hóa, Thọ Xuân, Đông Sơn... Bước sang năm 1929, phong trào cách mạng trong cả nước ngày càng phát triển mạnh mẽ, đòi hỏi phải có một chính đảng tiên phong đủ tầm và bản lĩnh để lãnh đạo, để hoàn thành sứ mệnh lịch sử đấu tranh giải phóng dân tộc, chấm dứt thời kỳ khủng hoảng về đường lối của cách mạng Việt Nam. Ngày 3/2/1930, dưới sự chủ trì của đồng chí Nguyễn Ái Quốc, Hội nghị đại biểu của các tổ chức cộng sản đã được tổ chức tại Hương Cảng, thống nhất thành lập một chính đảng duy nhất, lấy tên là Đảng Cộng sản Việt Nam. Sự kiện lịch sử trọng đại này đã ghi tạc mốc son chói lọi, mở ra thời kỳ mới cho cách mạng Việt Nam - thời kỳ đấu tranh giành độc lập dân tộc tiến lên chủ nghĩa xã hội.
Trong điều kiện hoạt động bí mật, dưới sự phong tỏa, kiểm soát gắt gao của kẻ thù, việc xây dựng, phát triển tổ chức cơ sở đảng tại Thanh Hóa được quan tâm, đẩy mạnh.
Tháng 4/1930, Xứ ủy Bắc kỳ đã giao nhiệm vụ cho đồng chí Lê Công Thanh, Xứ ủy viên, Bí thư Đảng bộ tỉnh Hà Nam chỉ đạo việc thành lập Đảng bộ Thanh Hóa. Đồng chí Lê Công Thanh (quê quán Thanh Hóa) đã cử đồng chí Nguyễn Doãn Chấp lúc bấy giờ đang dạy học ở Hà Nam trực tiếp về Thanh Hóa, bắt mối với các hội viên tích cực của tổ chức Hội Việt Nam cách mạng thanh niên, lần lượt thành lập các chi bộ cộng sản.
Ngày 18/6/1930, đồng chí Nguyễn Doãn Chấp đã trở về Hàm Hạ, bắt liên lạc với đồng chí Lê Bá Tùng, một hội viên của Hội Việt Nam cách mạng thanh niên tỉnh Thanh Hóa. Trong thời gian ở đây, đồng chí Nguyễn Doãn Chấp đã tích cực tuyên truyền, kết nạp được 3 nhân tố tiêu biểu, tích cực vào Đảng Cộng sản Việt Nam, đó là Lê Bá Tùng, Lê Oanh Kiều và Lê Thế Long. Ngày 25/6/1930, tại nhà đồng chí Lê Oanh Kiều, Hội nghị thành lập Chi bộ Đảng cộng sản đã được tiến hành dưới sự chủ trì của đồng chí Nguyễn Doãn Chấp. Dự hội nghị có 7 đồng chí: Lê Oanh Kiều, Lê Thế Long, Lê Bá Tùng, Phạm Văn Huống, Lê Bá Hàm (người làng Hàm Hạ), Nguyễn Xuân Nghinh (làng Triệu Tiến, xã Đông Tiến), Doãn Hữu Vịnh (làng Ngọc Lậu, xã Đông Thịnh). Các đại biểu đã quyết nghị thông qua việc thành lập Chi bộ Hàm Hạ - chi bộ Đảng đầu tiên của tỉnh Thanh Hóa, do đồng chí Lê Thế Long làm Bí thư.
Việc thành lập chi bộ Hàm Hạ đã đáp ứng phong trào cách mạng của tỉnh Thanh Hóa thời kỳ đó. Ngay sau khi được thành lập, chi bộ Hàm Hạ đã giương cao ngọn cờ cách mạng, lãnh đạo quần chúng Nhân dân quyết liệt đấu tranh vì mục tiêu chung, khát vọng chung mang tên: Độc lập dân tộc.
Yên Trường sáng bừng lửa cách mạng
Sau khi Chi bộ Hàm Hạ được thành lập, phong trào đấu tranh cách mạng của tỉnh Thanh Hóa tiếp tục có những bước tiến mạnh mẽ. Ngày 10/7/1930, tại làng Phúc Lộc, xã Thiệu Tiến (Thiệu Hóa), chi bộ đảng đầu tiên của huyện Thiệu Hóa được thành lập. Tiếp đó, ngày 22/7/1930, tại làng Yên Trường, xã Thọ Lập, chi bộ đảng đầu tiên của huyện Thọ Xuân được thành lập.
Trên cơ sở đó, ngày 29/7/1930, dưới sự chủ trì của đồng chí Nguyễn Doãn Chấp, Hội nghị đại biểu các chi bộ đã được tổ chức tại nhà đồng chí Lê Văn Sĩ, làng Yên Trường, xã Thọ Lập với sự tham gia của 11 đại biểu thuộc 3 chi bộ: Hàm Hạ, Thiệu Hóa, Thọ Xuân, quyết định thành lập Đảng bộ Thanh Hóa, cử Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh gồm 3 đồng chí: Lê Thế Long, Vương Xuân Cát, Lê Văn Sĩ. Được sự tín nhiệm, tin tưởng cao, đồng chí Lê Thế Long được cử làm Bí thư.
Nhiều nội dung quan trọng đã được thảo luận và quyết định ngay sau khi Đảng bộ tỉnh được thành lập như: Tăng cường phát triển đảng viên; xây dựng các tổ chức quần chúng (Công hội đỏ, Nông hội đỏ) nhằm thu hút đông đảo quần chúng tổ chức các phong trào đấu tranh cách mạng hòa nhịp với cao trào Xô Viết - Nghệ Tĩnh; tổ chức ấn loát truyền đơn tài liệu cách mạng phục vụ tuyên truyền, giác ngộ quần chúng và tổ chức in ấn, phát hành tờ báo “Tiến lên” - cơ quan ngôn luận của Đảng bộ tỉnh...
Sự ra đời của Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa là sự kiện có ý nghĩa hết sức quan trọng, đánh dấu bước ngoặt lớn lao, dấu son sáng ngời trên con đường đấu tranh cách mạng, xây dựng và phát triển của vùng đất “địa linh nhân kiệt”, giàu truyền thống yêu nước, anh dũng, kiên cường này. Ngay sau khi ra đời, Đảng bộ tỉnh đã nhanh chóng ổn định tổ chức, tập hợp lực lượng, tổ chức các phong trào đấu tranh chống áp bức, bóc lột..., lãnh đạo các tầng lớp Nhân dân trong tỉnh cùng cả nước làm nên cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945, lập nên nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. Trong từng giai đoạn lịch sử, Đảng bộ tỉnh đã khẳng định vai trò lãnh đạo, quyết định sự phát triển đi lên của tỉnh, đưa phong trào cách mạng của tỉnh đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác. Những thành tựu đạt được trong 95 năm qua là nền tảng, là tiền đề quý giá để đưa Thanh Hóa hôm nay tiếp tục vững bước tiến vào kỷ nguyên mới cùng dân tộc, xây dựng Thanh Hóa trở thành tỉnh giàu đẹp, văn minh, hiện đại, kiểu mẫu, xứng đáng với vị thế một cực tăng trưởng mới của Tổ quốc.
Hương Thảo
*Bài viết sử dụng tư liệu trong các cuốn sách: “Lịch sử Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa 1930-1945” (NXB Thanh Hóa, 2010); “90 năm Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa (1930-2020) – Những dấu ấn và thành tựu nổi bật” (Hội Khoa học Lịch sử Thanh Hóa, NXB Thanh Hóa, 2020).