Công trình của niềm tin
Mùa xuân mới đang về, ông Lê Quang Châu (thôn Mỹ Lâm, xã Cẩm Mỹ, Cẩm Xuyên) càng vui mừng hơn khi mình đã đóng góp một phần nhỏ vào dự án đường dây 500 kV mạch 3 đoạn Quảng Trạch (Quảng Bình) - Phố Nối (Hưng Yên) trọn vẹn sứ mệnh truyền dòng điện từ miền Nam ra miền Bắc.
Dự án đường dây 500kV mạch 3 đoạn Quảng Trạch - Phố Nối hoàn thành sau 6 tháng thi công.
Khi biết ngôi nhà và toàn bộ diện tích đất của nhà mình nằm trong phạm vi ảnh hưởng của dự án, phải di dời tới nơi ở mới, gia đình ông Lê Quang Châu là một trong những hộ tiên phong nhường đất cho chủ đầu tư, nhà thầu đưa máy móc vào thi công.
Với việc người dân đồng thuận, sớm nhường đất, dự án đường dây 500kV mạch qua Hà Tĩnh về đích đúng tiến độ.
“Đường dây 500 kV mạch 3 là dự án trọng điểm quốc gia, có ý nghĩa quan trọng với sự phát triển của đất nước nên dù phải rời xa mảnh đất “chôn rau cắt rốn” nhưng gia đình tôi đồng thuận, nhận tiền bồi thường để dự án được triển khai thuận lợi nhất. Nhìn dự án đã hoàn thành, kéo điện ra miền Bắc, góp phần chung vào sự ổn định điện năng, tạo đà phát triển cho đất nước, lòng tôi tràn đầy niềm xúc động” - ông Lê Quang Châu chia sẻ.
Dự án đường dây 500 kV mạch 3 đoạn Quảng Trạch - Phố Nối hoàn thành trong 6 tháng, góp phần giảm tải và tránh quá tải cho các đường dây 500 kV hiện hữu là 1 kỳ tích của ngành điện trong năm 2024. Dự án có quy mô đầu tư lớn với 4 dự án thành phần, tổng chiều dài 519 km, tổng vốn hơn 22.300 tỷ đồng. Trong dự án trọng điểm này, đoạn qua Hà Tĩnh có quy mô lớn nhất, dài 141,52 km với 285 vị trí cột và 284 khoảng cột/113 khoảng néo đi qua 9 huyện, thị xã.
Các nhà thầu nỗ lực thi công cao tốc Bắc - Nam qua Hà Tĩnh.
Cùng với dự án đường điện 500 kV mạch 3, trên địa bàn Hà Tĩnh triển khai dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông có tổng chiều dài 107,32 km với 4 dự án thành phần được thực hiện qua 2 giai đoạn, gồm Diễn Châu - Bãi Vọt thuộc giai đoạn 2017-2020 và Bãi Vọt - Hàm Nghi, Hàm Nghi - Vũng Áng, Vũng Áng - Bùng thuộc giai đoạn 2021-2025.
Trong niềm háo hức đón xuân, trên đại công trường cao tốc Bắc - Nam qua địa bàn Hà Tĩnh, không khí lao động rất sôi nổi, nhộn nhịp. Hàng nghìn cán bộ, kỹ sư, công nhân bám công trường khẩn trương đẩy nhanh tiến độ.
“Ai cũng nôn nao niềm vui đón xuân mới cùng với gia đình, tuy nhiên, vì tiến độ của tuyến cao tốc huyết mạch, chúng tôi sẵn sàng ăn Tết trên công trường”, anh Nguyễn Tiến Vĩnh (SN 1985, quê Nghệ An) - công nhân Tổng Công ty 319, Bộ Quốc phòng - nhà thầu thi công cao tốc Bãi Vọt - Hàm Nghi chia sẻ.
Những ngọn đồi lớn được “cắt gọt” hạ độ cao cho tới các cây cầu xuyên thung lũng, vượt sông, vượt rừng hay hầm đường bộ xuyên núi tạo nên khung cảnh kỳ vỹ của tuyến giao thông trọng điểm ở Hà Tĩnh.
Tuyến cao tốc qua Hà Tĩnh hình thành rõ nét sau 2 năm thi công.
Sau gần 2 năm nỗ lực thi công, tới thời điểm này, tuyến cao tốc Bắc - Nam qua Hà Tĩnh đã thành hình. Cao tốc Diễn Châu - Bãi Vọt đã đưa vào khai thác toàn tuyến từ 30/6/2024, còn 3 dự án thành phần của giai đoạn 2021-2025 là Bãi Vọt - Hàm Nghi, Hàm Nghi - Vũng Áng và Vũng Áng - Bùng đang gấp rút thi công.
“Tuyến cao tốc qua Hà Tĩnh dự kiến hoàn thành cuối năm 2025, tuy nhiên, Chính phủ, Thủ tướng và Bộ GTVT yêu cầu chủ đầu tư đốc thúc nhà thầu đẩy nhanh thi công, đưa dự án vào khai thác dịp 30/4/2025. Để dự án về đích trước kế hoạch, các nhà thầu đã huy động nhân lực, máy móc, thiết bị chia làm hàng trăm mũi thi công “3 ca, 4 kíp” xuyên ngày đêm, ông Hồ Ngọc Loan - Phó Trưởng ban Quản lý Dự án Thăng Long - chủ đầu tư đoạn cao tốc Bãi Vọt - Hàm Nghi và Hàm Nghi - Vũng Áng thông tin.
Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà cùng lãnh đạo tỉnh, nhà đầu tư và các đại biểu thực hiện nghi thức ấn nút chính thức khởi công dự án của VSIP.
2024 cũng là năm mang theo nhiều niềm vui cùng sự kỳ vọng của hệ thống chính trị và người dân Hà Tĩnh khi các dự án tạo động lực thúc đẩy phát triển KT-XH được triển khai.
Dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng Khu công nghiệp (KCN) Bắc Thạch Hà của Công ty CP Phát triển đô thị và KCN Việt Nam - Singapore (VSIP) khởi công vào tháng 6 hay Dự án Nhà máy Sản xuất ô tô điện VinFast tại KKT Vũng Áng của Công ty CP Đầu tư KCN Vinhomes Hà Tĩnh (Tập đoàn Vingroup) được khởi động vào tháng 12 đã đánh dấu bước đột phá trong thu hút đầu tư, phát triển công nghiệp theo chiều sâu gắn với mục tiêu tăng trưởng xanh và phát triển bền vững, góp phần tăng thu ngân sách, tăng cường nội lực cho đầu tư phát triển, tạo việc làm và đảm bảo an sinh xã hội cho Hà Tĩnh.
Dự án của VSIP có tổng mức đầu tư hơn 1.555 tỷ đồng, quy mô sử dụng đất là 190,41 ha tại Thạch Hà với kỳ vọng sẽ thu hút các nhà đầu tư trong các lĩnh vực điện và điện tử, bán dẫn, cơ khí chính xác, may mặc, giày da, năng lượng, pin xe điện, kim loại, phụ tùng ô tô, chế biến thực phẩm, nhà xưởng cho thuê và nhiều lĩnh vực khác.
Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà, lãnh đạo tỉnh và nhà đầu tư thực hiện nghi thức bấm nút khởi động dự án Nhà máy Sản xuất ô tô điện VinFast tại KKT Vũng Áng.
Dự án Nhà máy Sản xuất ô tô điện VinFast Hà Tĩnh có tổng vốn đầu tư 7.300 tỷ đồng, được xây dựng trên diện tích hơn 36 ha tại KKT Vũng Áng sẽ tập trung sản xuất 2 dòng xe VF3 và VF5, với các cấu phần chính như khung xe, động cơ, các linh kiện điện tử... Sản phẩm từ Nhà máy ô tô điện VinFast Hà Tĩnh sẽ cung cấp cho thị trường trong nước và xuất khẩu tới các thị trường quốc tế…
Tổng lực vì mục tiêu chung
Xác định tầm quan trọng của các dự án trọng điểm, Hà Tĩnh đã quyết liệt thực hiện các nhiệm vụ, phần việc thuộc thẩm quyền, nhất là công tác GPMB với mục tiêu sớm bàn giao 100% mặt bằng sạch cho chủ đầu tư và chủ động phối hợp tháo gỡ các vướng mắc phát sinh nhằm đảm bảo tiến độ cấp bách của dự án.
Bí thư Tỉnh ủy Hoàng Trung Dũng cùng đoàn công tác kiểm tra công tác bồi thường, GPMB và tiến độ thực hiện dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam, dự án đường dây 500kV mạch 3 qua địa bàn tỉnh vào tháng 7/2024.
Tuy vậy, với khối lượng lớn, nhất là áp lực về tiến độ nên việc hoàn thành các phần việc đòi hỏi phải có sự tập trung cao trong lãnh đạo, chỉ đạo và thực hiện của cả hệ thống chính trị và Nhân dân.
Chủ tịch UBND tỉnh Võ Trọng Hải, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Báu Hà và đoàn công tác tặng quà, chúc Tết các đơn vị thi công cao tốc Bắc – Nam qua Hà Tĩnh vào chiều 18/1/2025.
Quá trình triển khai công tác GPMB các dự án, Hà Tĩnh đã huy động cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc thực hiện việc tuyên truyền, vận động, nắm bắt tư tưởng, tâm lý và tăng cường đối thoại với người dân nằm trong phạm vi ảnh hưởng. Nhờ sự sâu sát của cấp ủy, chính quyền từ tỉnh tới cơ sở, các vướng mắc về tư tưởng, chính sách bồi thường GPMB của người dân dần được tháo gỡ.
Đến nay, công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, GPMB đạt kết quả tích cực, luôn nhận được sự đánh giá cao của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương. Trong đó, dự án đường điện 500 kV mạch 3 và dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng KCN Bắc Thạch Hà đã hoàn thành công tác GPMB; dự án cao tốc Bắc - Nam đã hoàn thành công tác kiểm đếm, phê duyệt phương án bồi thường, bàn giao mặt bằng đạt 99,99%.
Tuyến cao tốc Bắc - Nam qua huyện Cẩm Xuyên thi công thuận lợi khi người dân đồng thuận bàn giao mặt bằng.
Ông Nguyễn Văn Thành - Bí thư Huyện ủy Cẩm Xuyên cho hay: Dự án đường điện 500 kV mạch 3 và cao tốc Bắc - Nam đều đi qua địa bàn huyện với khối lượng đền bù, GPMB, hỗ trợ tái định cư lớn. Xác định tầm quan trọng của các công trình trọng điểm nên công tác GPMB được chính quyền địa phương triển khai đầy đủ, bài bản, đúng quy trình, quy định của pháp luật, nhất là việc tuyên truyền, vận động, giải thích cho người dân hiểu, đồng thuận nhường đất triển khai dự án. Nhờ vậy, huyện đã hoàn thành bàn giao mặt bằng dự án đường điện 500 kV và dự án cao tốc Bắc - Nam cho chủ đầu tư thực hiện công trình.
Quỳnh Chi