Từ đầu năm đến nay, tỉnh Ninh Bình đã chấp thuận chủ trương đầu tư và tiến hành xúc tiến thủ tục chuẩn bị khởi công cũng như đẩy mạnh tiến độ thi công một số dự án hạ tầng giao thông kết nối trong khu vực nhằm tạo nền tảng thu hút đầu tư phát huy các thế mạnh các khu, cụm công nghiệp của tỉnh như: dự án xây dựng tuyến đường kết nối liên vùng giữa nam đồng bằng sông Hồng với vùng núi Tây Bắc và duyên hải Bắc Trung Bộ; dự án mở rộng cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình; dự án mở rộng cao tốc Bắc - Nam phía Đông đoạn Cao Bồ - Mai Sơn; dự án Đầu tư xây dựng tuyến đường bộ cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng; dự án xây dựng tuyến đường trục cảnh quan kết nối hai thành phố Nam Định - Hoa Lư.
Lễ khởi công dự án cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng đoạn qua tỉnh Nam Định, Thái Bình theo hình thức đối tác công tư (PPP)
Cụ thể, Dự án xây dựng tuyến đường kết nối liên vùng giữa nam đồng bằng sông Hồng với vùng núi Tây Bắc và duyên hải Bắc Trung Bộ có tổng mức đầu tư gần 7.000 tỷ đồng, dùng vốn ngân sách, dự kiến hoàn thành vào năm 2028. Tuyến đường có điểm đầu giao với tuyến đường bộ ven biển tại xã Cồn Thoi, huyện Kim Sơn và điểm cuối tại nút giao Đồng Giao, thành phố Tam Điệp. Toàn tuyến được chia làm hai đoạn. Đoạn đường thông thường dài hơn 26 km sẽ có bề rộng 37 m với 4 làn xe cơ giới và hai làn xe hỗn hợp, dải đất dự trữ ở giữa rộng 15 m. Đoạn qua khu dân cư hiện hữu và phần còn lại có nền đường rộng 60 - 70 m, quy mô 4 - 8 làn xe cơ giới, hai làn hỗn hợp, dải đất ở giữa rộng 15 m và đường gom hai bên.
Sau khi hoàn thiện, dự án sẽ kết nối với đường Đông Tây (giai đoạn 2), đường cao tốc Bắc Nam, quốc lộ 1... giúp vùng duyên hải nam đồng bằng sông Hồng giao thương thuận tiện với các tỉnh Tây Bắc và khu vực duyên hải Bắc Trung Bộ. Dự án cũng được kỳ vọng mở rộng không gian, tạo dư địa và động lực mạnh mẽ thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội địa phương.
Dự án cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình giai đoạn 1 do VEC làm chủ đầu tư xây dựng với quy mô 4 làn xe, 2 làn dừng khẩn cấp, được đưa vào khai thác từ năm 2012. Hiện lưu lượng trên tuyến đoạn qua Hà Nam đạt hơn 60.000 xe mỗi ngày đêm, thường ùn tắc vào những ngày cuối tuần, ngày lễ. Với quy mô hiện tại, cao tốc không đảm bảo nhu cầu lưu thông của phương tiện trong tương lai. Trong bối cảnh đó, VEC đề xuất mở rộng thêm hai làn xe trên nền đường và công trình cầu, cống đã có. Trong tổng kinh phí dự kiến, vốn ngân sách 840 tỷ đồng, vốn doanh nghiệp huy động 1.270 tỷ. Dự án dự kiến khởi công quý I/2026, thực hiện đến năm 2028.
Tuyến cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình
Việc mở rộng cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình còn giúp đồng bộ với các đoạn tuyến cao tốc Bắc Nam liền kề như Pháp Vân - Cầu Giẽ đang khai thác 6 làn xe và đoạn Cao Bồ - Mai Sơn đang mở rộng lên 6 làn xe hoàn chỉnh.
Dự án mở rộng cao tốc Bắc - Nam phía Đông đoạn Cao Bồ - Mai Sơn có tổng chiều dài là 15,2 km, điểm đầu nối tiếp với đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình tại xã Hồng Quang, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định; điểm cuối nối tiếp với đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông đoạn Mai Sơn - Quốc lộ 45 tại xã Khánh Thượng, huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình; quy mô theo quy hoạch đường cao tốc 6 làn xe hoàn chỉnh.
Theo báo cáo của Sở Xây dựng tỉnh Ninh Bình, Dự án mở rộng cao tốc Bắc - Nam phía Đông đoạn Cao Bồ - Mai Sơn là một trong 5 dự án được Thủ tướng Chính phủ giao bổ sung kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn vốn ngân sách Trung ương giai đoạn 2021-2025, được Bộ Xây dựng phê duyệt chủ trương đầu tư và phê duyệt dự án, giao Sở Xây dựng Ninh Bình làm chủ đầu tư.
Dự án Đầu tư xây dựng tuyến đường bộ cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng, đoạn qua tỉnh Ninh Bình có điểm đầu tại nút Mai Sơn giao với đường cao tốc Bắc - Nam thuộc xã Khánh Thượng, huyện Yên Mô; điểm cuối tại đầu cầu vượt sông Đáy thuộc xã Khánh Cường, huyện Yên Khánh; tổng chiều dài 25,3 km; thiết kế theo tiêu chuẩn đường cao tốc loại A, tốc độ thiết kế 120 km/h, với 4 nút giao liên thông, 12 cầu vượt và 19 hầm chui dân sinh, cùng hệ thống đường gom, công trình thoát nước, trạm dừng nghỉ, đảm bảo đồng bộ, hiện đại và an toàn; tổng mức đầu tư 6.865 tỷ đồng từ ngân sách Trung ương và ngân sách tỉnh; thời gian hoàn thành trong năm 2026 với thời gian thi công là 20 tháng.
Đây là dự án có ý nghĩa quan trọng, tạo động lực mới cho phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Ninh Bình và các tỉnh Đồng bằng sông Hồng. Dự án sau khi hoàn thành sẽ kết hợp với trục đường Bái Đính - Kim Sơn ven sông Đáy hình thành một hành lang kinh tế Đông - Tây phía Bắc của tỉnh Ninh Bình theo Quy hoạch tỉnh Ninh Bình thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Nhằm thúc đẩy liên kết giữa tỉnh Nam Định và Ninh Bình, ngày 28/4/2025, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nam Định Trần Anh Dũng đã ký Công văn số 126-CV/ĐU của Đảng ủy UBND tỉnh Nam Định trình Thường trực Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy chủ trương đầu tư dự án xây dựng tuyến đường trục cảnh quan kết nối hai thành phố Nam Định - Hoa Lư (dự án nhóm A).
Dự án có tổng chiều dài khoảng 43,8km, đi qua địa bàn hai tỉnh Nam Định và Ninh Bình, gồm tuyến chính và các tuyến kết nối. Tuyến chính dài khoảng 20,7km, từ đường Vành đai 2 thành phố Nam Định đến đường Đinh Tiên Hoàng (thành phố Hoa Lư), được thiết kế theo tiêu chuẩn đường cấp I đồng bằng, vận tốc 120 km/h. Mặt cắt ngang tuyến chính khoảng 130,5 m với 6 làn xe cao tốc và 8 làn đường bên, giải phóng mặt bằng rộng khoảng 200 m. Các tuyến kết nối tổng chiều dài khoảng 23,1 km, gồm mở rộng 18km đường Vành đai 2 thành phố Nam Định và xây mới khoảng 5,1 km đường nhánh. Các đoạn này được thiết kế theo tiêu chuẩn đường đô thị 8 làn xe, mặt cắt ngang 71 m, vỉa hè hai bên rộng 10m, giải phóng mặt bằng 100 m.
Đây là công trình hạ tầng chiến lược, có ý nghĩa lớn trong kết nối liên vùng, tạo trục phát triển động lực, mở rộng không gian đô thị và thúc đẩy liên kết du lịch - kinh tế giữa tỉnh Nam Định và tỉnh Ninh Bình.
Các dự án nêu trên được kỳ vọng sẽ góp phần kiến tạo những không gian phát triển mới, tạo nền tảng để thu hút đầu tư vào các khu, cụm công nghiệp, thúc đẩy tăng trưởng và phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương. Qua đó thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư trong nước và quốc tế, tạo nền tảng vững chắc để phát huy thế mạnh và tạo động lực mới cho thu hút đầu tư, phát triển kinh tế chung của tỉnh, cùng đất nước tiến vào kỷ nguyên vươn mình phát triển mạnh mẽ.
Sáng ngày 12/5/2025, tại tỉnh Thái Bình, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã dự lễ khởi công dự án cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng đoạn qua tỉnh Nam Định, Thái Bình theo hình thức đối tác công tư (PPP). Phát biểu tại lễ khởi công, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá dự án cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng đoạn qua tỉnh Nam Định, Thái Bình là dự án quan trọng.
Thủ tướng xác định để tháo gỡ nút thắt về giao thông kết nối cần phải có tuyến đường cao tốc kết nối giữa 4 tỉnh, thành Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình, kết nối với cửa khẩu, sân bay, cảng biển, kết nối với 3 cực tăng trưởng phía Bắc là Hà Nội - Quảng Ninh - Hải Phòng và kết nối quốc tế, từ đó tạo đột phá phát triển cho các địa phương.
Thủ tướng nhấn mạnh, việc triển khai dự án cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng sẽ góp phần thực hiện đường lối, chính sách của Đảng về phát triển kết cấu hạ tầng là một trong 3 đột phá chiến lược; tạo động lực thúc đẩy liên kết vùng, liên kết tỉnh, tạo động lực, mở ra không gian phát triển mới cho tỉnh, cho vùng Duyên hải Bắc Bộ; phát triển của các khu công nghiệp, thu hút đầu tư; khai thác hiệu quả quỹ đất; thúc đẩy giao lưu, giảm thời gian đi lại, chi phí logistics; thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế từ nông nghiệp sang công nghiệp - dịch vụ; bảo đảm an ninh quốc phòng; góp phần thực hiện thành công mô hình hợp tác công tư về đầu tư phát triển hạ tầng; góp phần tri ân với những người đã cống hiến, hy sinh vì sự nghiệp chung và nâng cao đời sống của nhân dân, thay đổi bộ mặt của các tỉnh, thành phố và cả nước.
Văn Thắng