Khu vực phát hiện bờ đất nghi là tường thành Cố đô Hoa Lư khi hộ ông Nguyễn Tử Quý đào móng làm nhà.
Ngày 31/12/2024, Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Ninh Bình có Tờ trình cố 198/TTr–SVHTT, về việc xin chủ trương phối hợp với các cơ quan chuyên môn, đơn vị nghiên cứu ở Trung ương triển khai nhiệm vụ “Nghiên cứu, khai quật khảo cổ tường thành Dền (Cố đô Hoa Lư) năm 2025”. Thời gian thực hiện trong năm 2025, tổng diện tích khai quật dự kiến 300m2, kinh phí từ nguồn ngân sách Nhà nước cấp cho sự nghiệp văn hóa.
Sau khi xem xét, UBND tỉnh Ninh Bình, đồng ý chủ trương triển khai nhiệm vụ “Nghiên cứu, khai quật khảo cổ tường thành Dền (Cố đô Hoa Lư) năm 2025” theo đề nghị của Sở Văn hóa và Thể thao. Đồng thời, giao Sở Văn hóa và Thể thao chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Tài chính, UBND thành phố Hoa Lư và các cơ quan, đơn vị liên quan tiến hành các thủ tục để khai quật di tích khảo cổ đảm bảo đúng quy định; báo cáo kết quả thực hiện về UBND tỉnh và Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch theo quy định.
Trước đó, vào trung tuần tháng 12/2024, hộ gia đình ông Nguyễn Tử Quý thôn Tân Hoa, xã Trường Yên, thành phố Hoa Lư có đào móng nhà để mở rộng xây một gian nhà mới cho các con vì nhà cũ chật chội. Tuy nhiên, trong lúc đào móng để tiến hành xây dựng thì ông phát hiện 1 bờ đất có nhiều lớp được xếp chồng lên nhau, nghi là của tường thành Hoa Lư nên gia đình đã báo cáo chính quyền địa phương và cơ quan chức năng.
Đại diện lãnh đạo Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Ninh Bình cho biết: Ngay sau khi nhận được thông tin các bên liên quan đã thống nhất thực hiện công tác nghiên cứu khảo cổ khẩn cấp, nhằm tìm hiểu hình thái di tích ở khu vực này, thu thập tư liệu làm căn cứ đề xuất phương án bảo tồn và nghiên cứu di tích ở giai đoạn tiếp theo.
Công tác khai quật được thực hiện từ ngày 22/12 đến ngày 30/12/2024 do phòng Quản lý Di sản văn hóa, Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Ninh Bình phối hợp với các chuyên gia thuộc Viện khảo cổ học tiến hành.
Đợt khai quật khảo cổ này diễn ra bị động, có tính chất khẩn cấp nhưng cơ bản đã tuân thủ đầy đủ các bước quy trình khai quật nghiên cứu khảo cổ. Các tư liệu thu được đã được lưu giữ qua các bản ảnh, bản vẽ, mô tả khảo cổ. Hố khảo cổ đã được số hóa qua công tác Scan 3D để có thể tái dựng nghiên cứu ở các giai đoạn tiếp theo. Kết quả khai quật đã cung cấp thêm những tư liệu mới góp phần nghiên cứu làm rõ về tường thành và quá trình xây dựng tường thành Hoa Lư, đồng thời cũng đưa đến những nhận thức đầy đủ hơn về kinh đô Hoa Lư dưới triều Đinh – Tiền Lê ở thế kỷ X.
Anh Tú