Lớp bồi dưỡng học sinh giỏi môn Văn lớp 7 tại Trường THCS Đồng Giao (thành phố Tam Điệp).
Nhiều điểm mới về dạy thêm, học thêm
Ngày 30/12/2024, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) ban hành Thông tư số 29/2024/TTBGDĐT quy định về dạy thêm, học thêm (Thông tư số 29). Trong Thông tư quy định một số điểm mới đáng chú ý như: Giáo viên đang dạy học tại các nhà trường không được dạy thêm ngoài nhà trường có thu tiền đối với học sinh mà giáo viên đó đang được nhà trường phân công dạy học theo kế hoạch giáo dục của nhà trường; việc dạy thêm, học thêm trong nhà trường không được thu tiền của học sinh và chỉ dành cho các đối tượng học sinh đăng kí học thêm theo từng môn học như: học sinh có kết quả học tập môn học cuối học kì liền kề ở mức chưa đạt; học sinh được nhà trường lựa chọn để bồi dưỡng học sinh giỏi; học sinh lớp cuối cấp tự nguyện đăng kí ôn thi tuyển sinh, ôn thi tốt nghiệp theo kế hoạch giáo dục của nhà trường. Không tổ chức dạy thêm đối với học sinh tiểu học, trừ trường hợp học bồi dưỡng về nghệ thuật, thể dục, thể thao và rèn luyện kĩ năng sống…
Thông tư cũng quy định cụ thể việc không được xếp thời khóa biểu xen kẽ chính khóa và dạy thêm; các tổ chức, cá nhân dạy thêm phải đăng ký kinh doanh để chịu sự quản lý theo quy định của Luật Doanh nghiệp, việc dạy thêm có thu tiền phải đóng thuế; tăng trách nhiệm quản lý của hiệu trưởng đối với giáo viên thuộc sự quản lý của mình khi tham gia dạy thêm ngoài nhà trường…
Với nhiều quy định mới về dạy thêm, học thêm, ngay từ khi ban hành, Thông tư số 29 đã thu hút sự quan tâm của giáo viên, học sinh, phụ huynh, nhất là việc dạy thêm, học thêm đối với học sinh cuối cấp là lớp 9 và lớp 12.
Quan tâm đến các quy định mới tại Thông tư vì có con đang học năm cuối cấp THCS, chuẩn bị cho kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT, chị Nguyễn Thị Hường, phường Vân Giang (thành phố Hoa Lư) chia sẻ: Cũng như nhiều gia đình có con học cuối cấp như gia đình tôi rất lo lắng và băn khoăn khi Thông tư 29 có hiệu lực. Hoạt động học thêm tại trường hiện đang dừng trong khi học sinh lớp 9 bắt đầu bước vào giai đoạn tập trung cao điểm cho việc ôn tập, chuẩn bị cho kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT. Năm 2025 là năm đầu tiên học sinh lớp 9 thi tuyển sinh lớp 10 theo Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018. Hiện nay các cháu không học thêm vào buổi chiều ở trường mà phải học thêm ở trung tâm với mức học phí cao hơn gây khó khăn cho các gia đình.
Nâng cao chất lượng dạy học chính khóa, chú trọng năng lực tự học của học sinh
Năm học 2024-2025, Trường THCS Đồng Giao (thành phố Tam Điệp) có 1.317 học sinh với 30 lớp. Những năm qua, Trường THCS Đồng Giao luôn giữ vị trí tốp đầu về số lượng học sinh đoạt giải tại các kỳ thi học sinh giỏi các cấp.
Cô giáo Lê Thị Thanh Hương, Hiệu trưởng Trường THCS Đồng Giao cho biết: Thực hiện Thông tư 29, nhà trường đã quán triệt, phổ biến tới cán bộ, giáo viên, xác định rõ trách nhiệm của cán bộ quản lý và mỗi giáo viên trong việc nâng cao chất lượng giáo dục. Nhà trường đã thông báo về việc dừng dạy thêm, học thêm buổi chiều, đề nghị phụ huynh có sự quản lý, giám sát, tạo điều kiện cho con em tự học tại nhà một cách tốt nhất.
Đồng thời tăng cường công tác quản lý và tiếp tục nâng cao chất lượng giờ dạy chính khóa, hỗ trợ học sinh tự học bằng những hình thức phù hợp và tăng cường các hoạt động văn hóa, văn nghệ, TDTT, kỹ năng sống tại trường.
Đối với các đối tượng được quy định tại Thông tư gồm học sinh giỏi, học sinh có học lực yếu, nhà trường luôn chú trọng, quan tâm công tác bồi dưỡng học sinh giỏi, phụ đạo học sinh yếu. Khi Thông tư 29 có hiệu lực, nhà trường chỉ điều chỉnh kế hoạch giáo dục cho phù hợp với quy định của Thông tư và tiếp tục tổ chức dạy học cho đối tượng học sinh này.
Đối với học sinh cuối cấp, trên cơ sở nguyện vọng của học sinh và được sự đồng ý của phụ huynh, nhà trường đã xây dựng kế hoạch tổ chức ôn tập bổ trợ kiến thức cho các em theo quy định.
Tại Trường THPT chuyên Lương Văn Tụy, các buổi ôn tập kiến thức cho học sinh lớp 12 được nhà trường triển khai thực hiện theo đúng quy định của Thông tư 29 trên cơ sở nguyện vọng của học sinh và không tổ chức thu kinh phí, đảm bảo cho việc ôn tập, bổ sung kiến thức của học sinh cuối cấp không bị gián đoạn.
Thầy giáo Hoàng Hải Nam, Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Lương Văn Tụy cho biết: Ngay sau khi Bộ GD&ĐT ban hành Thông tư 29 cũng như thực hiện các văn bản chỉ đạo của UBND tỉnh và Sở GD&ĐT, Nhà trường đã tập trung tuyên truyền, quán triệt các quy định của Thông tư đến đội ngũ cán bộ, giáo viên và phụ huynh học sinh để triển khai thực hiện đúng quy định.
Đồng thời, tăng cường sự giám sát của phụ huynh học sinh đối với việc thực hiện các quy định mới. Nhà trường đã chỉ đạo các tổ, nhóm chuyên môn tăng cường hiệu quả các giờ dạy học chính khóa, giao bài tập và hướng dẫn học sinh ôn tập, tự học, theo dõi tình hình học tập, sự tiến bộ của học sinh để nắm bắt, có sự hỗ trợ, hướng dẫn nhằm giúp học sinh lĩnh hội kiến thức chuẩn bị tốt nhất cho các kỳ thi sắp tới.
Riêng đối với học sinh khối 12, nhà trường đã tổ chức cho học sinh đăng ký các môn thi tốt nghiệp, tổ chức ôn tập các môn theo đăng ký và không thu tiền của học sinh. Đối với thầy, cô giáo của trường tham gia dạy thêm ngoài nhà trường đều có báo cáo với Hiệu trường và đảm bảo các điều kiện đúng theo quy định của Thông tư 29.
Giờ học chính khóa của học sinh Trường THPT Chuyên Lương Văn Tụy.
Cô giáo Điền Thị Thu Hương, Tổ trưởng Tổ Hóa, Trường THPT Chuyên Lương Văn Tụy chia sẻ: Thông tư 29 được ban hành là một quy định đúng và trúng, phù hợp với nguyện vọng của đa số giáo viên, phụ huynh, học sinh. Giáo viên chúng tôi cũng nghiên cứu kỹ các quy định để thực hiện tốt. Đối với cá nhân tôi, thực hiện Thông tư không có gì khó khăn bởi từ trước đến nay tôi không dạy thêm đối với học sinh của mình ngoài nhà trường. Bên cạnh đó, học sinh của tôi cũng có năng lực tự học rất tốt nên khi được phân tích, các em hiểu và cùng trao đổi, thảo luận với cô giáo để có cách tự học đạt hiệu quả hơn…
Sẽ ban hành Quy định về quản lý hoạt động dạy thêm, học thêm trên địa bàn tỉnh
Theo đồng chí Đinh Văn Khâm, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT, Sở đã có văn bản yêu cầu các đơn vị trong toàn ngành đẩy mạnh công tác tuyên truyền sâu rộng nội dung Thông tư số 29 đến cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên, học sinh và cha mẹ học sinh; thực hiện nghiêm túc các quy định về dạy thêm, học thêm tại Thông tư.
Bên cạnh đó, Sở Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo các nhà trường xây dựng kế hoạch giáo dục bảo đảm khoa học, phù hợp với tình hình mới, sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực, cơ sở vật chất và kinh phí của nhà trường, trong đó đặc biệt quan tâm đến đối tượng học sinh lớp cuối cấp.
Tăng cường quản lý chuyên môn, nâng cao chất lượng giờ học chính khóa; phát động cán bộ quản lý, giáo viên và nhân viên trên tinh thần tất cả vì học sinh thân yêu; tăng thời lượng dạy học ngoài giờ chính khóa (không thu tiền) để bổ trợ kiến thức, ôn tập cho các đối tượng học sinh được quy định tại khoản 1 Điều 5 Thông tư số 29.
Đối với hoạt động dạy thêm ngoài nhà trường, Sở chỉ đạo các nhà trường thực hiện quản lý việc dạy thêm ngoài nhà trường của giáo viên đúng quy định, đồng thời yêu cầu giáo viên dành thời gian cho công tác tự học, tự bồi dưỡng, tham gia tổ chức các hoạt động ngoại khóa cho học sinh, phấn đấu hoàn thành tốt hơn nhiệm vụ được giao.
Đối với các nhà trường có giáo viên tham gia dạy thêm sẽ lập danh sách giáo viên tham gia dạy thêm ngoài nhà trường, báo cáo cơ quan quản lý giáo dục cấp trên, đợt 1 trước ngày 25/2/2025, đợt 2 trước ngày 31/5/2025.
Hiện nay, theo chỉ đạo của UBND tỉnh, Sở GD&ĐT đang chủ trì, tích cực phối hợp các sở, ngành liên quan tham mưu ban hành Quy định về quản lý hoạt động dạy thêm, học thêm trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, Sở cũng chỉ đạo, rà soát, tổng hợp nhu cầu nguồn kinh phí để tham mưu UBND tỉnh xem xét cấp bổ sung cho các cơ sở giáo dục nhằm đáp ứng tốt công tác ôn thi tốt nghiệp THPT và thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT đảm bảo chất lượng, hiệu quả, đúng với tinh thần Thông tư 29 (với mỗi môn không quá 2 tiết/tuần).
Tại các địa phương trong tỉnh, theo ghi nhận từ ngày 14/2, các trường Tiểu học, THCS, Trường liên cấp Tiểu học-THCS… đã dừng việc tổ chức dạy thêm, dạy học tăng cường các môn học trong Chương trình giáo dục phổ thông có thu tiền. Phòng Giáo dục và Đào tạo các huyện, thành phố đã tổ chức hội nghị quán triệt Thông tư 29, Công văn của Sở GD&ĐT tới toàn thể cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên, học sinh, tuyên truyền tới cha mẹ học sinh và người dân để cùng thực hiện.
Thầy giáo Đinh Quang Năm, Phó Trưởng phòng GD&ĐT thành phố Tam Điệp cho biết: Phòng đã chỉ đạo các nhà trường tăng cường công tác quản lý, nâng cao chất lượng các giờ học chính khóa, chỉ đạo giáo viên hướng dẫn học sinh tự học bằng các hình thức phù hợp; khuyến khích, tạo điều kiện để giáo viên, học sinh sử dụng các phần mềm, nền tảng trực tuyến trong dạy học, ôn luyện; phối hợp với phụ huynh tạo điều kiện trang bị các thiết bị phù hợp, giúp học sinh tự học và giám sát việc học sinh tự học.
Đồng thời, yêu cầu các nhà trường rà soát báo cáo với Phòng GD&ĐT thành phố đề xuất UBND thành phố hỗ trợ kinh phí để các trường tổ chức dạy bồi dưỡng, tăng cường kiến thức cho 3 đối tượng gồm: Học sinh được nhà trường lựa chọn bồi dưỡng học sinh giỏi, học sinh có kết quả học tập môn học cuối học kỳ liền kề ở mức chưa đạt và học sinh cuối cấp.
Chỉ đạo các trường bố trí thời khóa biểu và triển khai dạy thêm không thu tiền đối với học sinh thuộc đối tượng lớp cuối cấp thi tuyển sinh vào lớp 10 (nếu học sinh tự nguyện đăng kí ôn thi).
Đối với hoạt động dạy thêm ngoài nhà trường, Phòng chỉ đạo các trường phối hợp với chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng nhằm quản lý chặt chẽ giáo viên dạy thêm tại các trung tâm bên ngoài nhà trường đảm bảo đúng quy định.
Bài, ảnh: Bùi Diệu