Triển khai quy định về dạy - học thêm: Ôn tập cho trò từ sớm, từ xa

Triển khai quy định về dạy - học thêm: Ôn tập cho trò từ sớm, từ xa
một ngày trướcBài gốc
Học sinh lớp 12 năm nay sẽ tham dự Kỳ thi tốt nghiệp THPT thực hiện theo Chương trình GDPT 2018. Ảnh minh họa: INT
Bên cạnh những điều chỉnh kịp thời về công tác ôn tập với quy định mới về dạy thêm, học thêm, kỳ thi vào lớp 10, thi tốt nghiệp THPT, thi cuối kỳ cũng được các nhà trường, địa phương chuẩn bị từ sớm, từ xa, chất lượng không chỉ phụ thuộc vào thời gian ngắn ôn tập.
Bắt nhịp quy định mới
Là học sinh lớp 12A10, Trường THPT Trần Đại Nghĩa (Cần Thơ), Huỳnh Nguyễn Thùy Dương bắt đầu ôn tập từ khá sớm, tập trung vào nắm vững kiến thức trong sách giáo khoa, tài liệu tham khảo. Em cũng thường xuyên làm bài tập, đề thi thử để quen với dạng đề và rèn luyện kỹ năng làm bài.
Chia sẻ triển khai quy định mới về dạy - học thêm có dẫn tới một số xáo trộn trong kế hoạch ôn tập, nhưng Thùy Dương cho rằng, điều quan trọng là bản thân phải chủ động thích ứng với thay đổi này. Hãy tập trung vào việc tự học và tìm kiếm nguồn tài liệu ôn tập chất lượng.
Bên cạnh đó, em bày tỏ hy vọng đề thi học kỳ và tốt nghiệp THPT năm nay sẽ có những thay đổi phù hợp, như: Bám sát chương trình học; giảm bớt câu hỏi mang tính đánh đố; tăng cường câu hỏi vận dụng để có sự phân hóa nhằm đánh giá đúng năng lực và giúp học sinh phát huy được khả năng sáng tạo, tư duy.
Nhận định quy định mới về dạy thêm, học thêm khá rõ ràng, cụ thể, thầy Nguyễn Văn Hùng - Hiệu trưởng Trường THPT Minh Đài (Phú Thọ) cho biết, nhà trường đã rà soát kế hoạch ôn tập, tổ chức cho học sinh đăng ký, thực hiện dạy ôn từ 15/2 theo đúng quy định với thời lượng 2 tiết/môn/tuần. Trường sẽ cân đối nguồn kinh phí để bồi dưỡng giáo viên tham gia dạy ôn tập.
Hiện, giáo viên, học sinh thực hiện ôn thi khá tốt, chuyên cần, tích cực. Bên cạnh đó, nhà trường đã họp, thống nhất cao việc dạy học, ôn tập bám sát cách hỏi, dạng hỏi của đề tham khảo thi tốt nghiệp THPT; phát huy hiệu quả tối đa 45 phút học chính khóa, chú trọng hướng dẫn, giao bài cho học sinh tự học tại nhà.
Về kiểm tra định kỳ, nhà trường định hướng giáo viên ra đề kiểm tra giữa kỳ, cuối kỳ II bám sát cấu trúc, dạng hỏi của đề thi tham khảo, tỷ lệ câu hỏi phân hóa mức độ cao giảm còn không quá 20% (trước đó tỷ lệ này là 30%).
Tại Trường THPT Phú Bài (TP Huế), đề kiểm tra học kỳ II sắp tới không thay đổi về độ khó. Lý giải của thầy Hiệu trưởng Hoàng Minh, Chương trình GDPT 2018 quy định rõ các yêu cầu, mục tiêu cần đạt, nên trong quá trình dạy học và kiểm tra đánh giá phải thực hiện đầy đủ, đảm bảo nội dung chương trình học chứ không thể điều chỉnh về độ khó của đề kiểm tra.
Quy định mới về dạy - học thêm nhằm mục đích nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo, kết quả là thực lực của học sinh; qua đó phát huy khả năng tự học, giúp các em đạt được nội dung kiến thức đó, chứ không phải ra đề dễ hơn để các em đạt kết quả cao.
Giờ học tại Trường THPT Trần Đại Nghĩa (Cần Thơ) sáng 20/2. Ảnh: NTCC
Học tốt theo chương trình
Thông tin từ TS Nguyễn Viết Huy - Phó Trưởng phòng Giáo dục Trung học, Sở GD&ĐT Thái Bình, sở đã chỉ đạo các cơ sở giáo dục điều chỉnh kế hoạch giáo dục, chú ý đặc biệt hỗ trợ cho học sinh cuối cấp chuẩn bị thi vào lớp 10, thi tốt nghiệp THPT.
Các nhà trường bố trí giáo viên hướng dẫn ôn tập cuối khóa trên cơ sở đăng ký của học sinh lớp 9, lớp 12 sao cho phù hợp; yêu cầu giáo viên tận dụng tối đa thời gian dạy học trên lớp chính khóa, tăng cường giao bài tập về nhà cho học sinh và kiểm tra kết quả thực hiện ở nhà vào buổi học hôm sau.
Sở GD&ĐT cũng chỉ đạo từ sớm việc xây dựng đề thi tuyển sinh vào lớp 10. Theo đó, đề thi phải được xây dựng trên cơ sở yêu cầu cần đạt về phẩm chất và năng lực, học sinh chỉ cần học tốt trong nhà trường đã có thể đáp ứng được. Cố gắng tổ chức kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 theo hướng thiết thực, hiệu quả, giảm áp lực cho phụ huynh, học sinh, nhà trường.
TS Nguyễn Viết Huy đánh giá, thay đổi giai đoạn này đối với học sinh chỉ là điều chỉnh thói quen học tập và các em sẽ sớm thích nghi với điều kiện hiện nay. Sẽ tốt hơn khi các em phải tự lập, tự chủ, tự học và biết lo lắng cho tương lai của mình nhiều hơn, cùng với sự đồng hành của cơ quan quản lý giáo dục, thầy cô, phụ huynh.
Với học sinh cuối cấp cần tập trung chú ý nghe giảng trên lớp; có kế hoạch quản lý, phân chia, sử dụng thời gian khoa học và hợp lý; không tham gia học thêm ngoài nhà trường tràn lan theo trào lưu, thiếu hiệu quả, gây tốn kém cho gia đình, ảnh hưởng đến sức khỏe lâu dài. Các em hãy yên tâm, cố gắng hết sức vì sở GD&ĐT, phòng GD&ĐT, các nhà trường, thầy, cô giáo, phụ huynh luôn đồng hành trong thời gian tới.
Với Kỳ thi tốt nghiệp THPT đầu tiên theo Chương trình GDPT 2018, GS.TS Huỳnh Văn Chương - Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD&ĐT) thông tin, Bộ GD&ĐT đã có các bước chuẩn bị từ sớm, từ xa, tích cực và kỹ lưỡng, đặc biệt là công tác ra đề thi, hướng tới thuận lợi nhất cho thí sinh.
Cuối năm 2023, Bộ GD&ĐT công bố cấu trúc định dạng đề thi và đề minh họa cấu trúc định dạng đề thi của Kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 để các nhà trường, giáo viên, học sinh có sự chuẩn bị tốt nhất, chủ động trong quá trình dạy học, ôn tập. Tháng 10/2024, đề tham khảo Kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 được Bộ công bố, sớm hơn gần 5 tháng so với những năm trước đó.
Đề thi năm 2025 phân bố tỷ lệ câu hỏi các cấp độ tư duy biết, hiểu, vận dụng là 4:3:3. Như vậy, với tỷ lệ biết và hiểu khoảng 70% sẽ nghiêng về mục đích tốt nghiệp; tỷ lệ vận dụng khoảng 30% sẽ có tác dụng phân hóa tốt phục vụ mục đích tuyển sinh. Với sự chuẩn bị từ sớm, không chỉ một thời gian ngắn ôn tập, GS.TS Huỳnh Văn Chương tin tưởng học sinh sẽ bước vào kỳ thi với tâm thế tốt nhất.
“Ba điều thí sinh cần lưu tâm là hiểu rõ mục tiêu Chương trình GDPT 2018; luyện tập với đề tham khảo; quan tâm đến sức khỏe tinh thần, thể chất. Chương trình GDPT 2018 không chỉ trang bị kiến thức, mà còn phát triển năng lực, phẩm chất. Vì vậy, các em cần chú trọng hiểu bản chất vấn đề, vận dụng kiến thức vào thực tiễn thay vì học thuộc lòng máy móc.
Bộ GD&ĐT đã công bố các đề tham khảo, giúp học sinh làm quen với cấu trúc định dạng đề thi mới. Việc luyện tập thường xuyên sẽ giúp các em nhận diện được điểm mạnh, yếu và cải thiện hiệu quả. Thời điểm này là giai đoạn quan trọng, nhưng dễ gây căng thẳng, các em cần sắp xếp thời gian học tập, nghỉ ngơi hợp lý, tránh áp lực quá mức để có tâm lý thoải mái khi bước vào kỳ thi”. - GS.TS Huỳnh Văn Chương
Hiếu Nguyễn
Nguồn GD&TĐ : https://giaoducthoidai.vn/trien-khai-quy-dinh-ve-day-hoc-them-on-tap-cho-tro-tu-som-tu-xa-post720323.html