Giờ dạy thêm miễn phí cho học sinh của giáo viên Trường THCS Yên Khê, huyện Con Cuông.
Tự nguyện viết đơn dạy thêm miễn phí
Theo cô Hoàng Thị Tú Nga, giáo viên Ngữ văn Trường THCS Yên Khê (huyện Con Cuông), chương trình chính khóa ở lớp giáo viên dạy rất tận tâm nhưng thực tế vẫn có học sinh chậm hơn các bạn khác. Bên cạnh đó, nhiều học sinh muốn nâng cao kiến thức để thi vào các trường đại học mình mong muốn.
Giờ dạy thêm miễn phí cho học sinh của giáo viên Trường THCS Yên Khê, huyện Con Cuông, Ảnh: NTCC
"Năm nay tôi phụ trách môn Ngữ văn của lớp 9. Đây là năm đầu tiên thi theo Chương trình Giáo dục phổ thông mới nên đề thi tham khảo có rất nhiều điểm mới. Thực tế, học sinh ở trường chúng tôi năng lực còn nhiều hạn chế. Tranh thủ thời gian, các giáo viên ôn tập thêm cho các em", cô Nga nói.
Cũng như nhiều giáo viên khác ở trường, hơn 20 năm đứng lớp nhưng cô Nga không dạy thêm ở nhà. Việc dạy thêm ở trường cũng rất ít nên việc dừng dạy thêm theo Thông tư 29 không ảnh hưởng nhiều đến thu nhập, tâm tư tình cảm của họ. Hiện nay, ngoài tổ chức ôn tập miễn phí cho học trò, nhà trường đề nghị phụ huynh phối hợp, quan tâm quản lý, rèn luyện cho con em tự học ở nhà.
Những ngày qua, các thầy cô giáo Trường THCS Yên Khê trực tiếp đến từng bản thăm nhà học sinh. Mục đích hướng dẫn các em tự học, kiểm tra góc học tập tại nhà và trao đổi với phụ huynh để cùng phối hợp trong quản lý, giáo dục các con.
Giờ học miễn phí của cô giáo Tú Nga và các học trò. Ảnh: NTCC
Trường THCS Yên Khê nằm ở vùng thuận lợi của huyện Con Cuông, nhưng lại có khó khăn riêng trong công tác dạy học. Năm học này, trường có 11 lớp với gần 400 học sinh, phần lớn là con em đồng bào dân tộc thiểu số, trong đó có một số em thuộc tộc người Đan Lai. Tuy nhiên, trường không phải là trường dân tộc bán trú, do đó học sinh không được hưởng chính sách học 2 buổi/ngày. Do hoàn cảnh khó khăn, nhiều phụ huynh phó mặc việc học của con cho thầy cô giáo ở trường.
Trước đó, khi Thông tư 29 được ban hành, nhiều giáo viên Trường THCS Yên Khê chủ động đề nghị mượn cơ sở vật chất nhà trường để dạy phụ đạo kiến thức cho học sinh không thu tiền.
Trên cơ sở ý tưởng này của giáo viên, ban giám hiệu động viên các thầy cô giáo dạy thêm miễn phí và được sự nhất trí 100%. Theo đó, các giáo viên viết đơn tình nguyện dạy thêm không thu tiền, sắp xếp bố trí dạy kèm học sinh lớp mà mình được phân công từ 1-2 buổi/tuần.
Ông Nguyễn Văn Hào, Hiệu trưởng Trường THCS Yên Khê đến thăm nhà học sinh. Ảnh; NVCC
Ông Nguyễn Văn Hào, Hiệu trưởng Trường THCS Yên Khê cho biết, trước đây ngoài dạy học chính khóa vào buổi sáng, nhà trường tổ chức dạy thêm, học thêm cho học sinh các môn văn hóa vào buổi chiều. Trong đó, đối với khối 6, 7, 8, thời lượng 2 buổi/tuần, riêng khối 9 sẽ tăng cường thêm một số buổi các môn Toán, Ngữ văn, Tiếng Anh để ôn tập cho học sinh thi vào lớp 10. Khi Thông tư 29 có hiệu lực từ ngày 14/2, nhiều giáo viên trong trường rất trăn trở lo lắng, chủ động xin dạy thêm miễn phí cho học sinh.
Ngoài giáo viên biên chế của trường, có 2 giáo viên tăng cường môn Tiếng Anh từ trường khác đến cũng tham gia dạy thêm tình nguyện.
Tôi thực sự xúc động và cảm phục sự cống hiến của thầy cô khi có nguyện vọng được hướng dẫn, ôn tập cho học sinh của mình hoàn toàn miễn phí. Tấm lòng, trách nhiệm và tâm huyết của thầy cô, tôi tin rằng chất lượng giáo dục của trường sẽ không bị ảnh hưởng mà vẫn được phát huy tốt, giữ vững vị trí tốp đầu trong huyện.
Ông Nguyễn Văn Hào, Hiệu trưởng trường THCS Yên Khê
Bài kiểm tra không được quá tải về kiến thức
Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Nghệ An vừa có văn bản tăng cường công tác chỉ đạo dạy học đối với học sinh THCS, THPT và ôn tập cho học sinh các lớp cuối cấp.
Văn bản được đưa ra trong bối cảnh từ ngày 14/2, các trường học không tổ chức dạy thêm, học thêm và chỉ tổ chức dạy miễn phí với 3 đối tượng là: phụ đạo học sinh yếu kém, bồi dưỡng học sinh giỏi và học sinh cuối cấp.
Sở GD&ĐT yêu cầu các nhà trường cần đảm bảo chất lượng dạy học trên lớp. Quá trình dạy học cần xác định các kiến thức cốt lõi, các năng lực đặc thù của từng môn học, ưu tiên thời gian tổ chức dạy trên lớp để hình thành cho học sinh.
Những lá đơn tự nguyện dạy thêm của giáo viên Trường THCS Yên Khê.
Bên cạnh việc dạy học phát triển phẩm chất, năng lực, các trường học cần quan tâm, đẩy mạnh việc hướng dẫn học sinh tự học trên cơ sở thực hiện từng bước, có quá trình, phù hợp với năng lực, độ tuổi và đặc thù môn học. Ngoài ra, tăng cường phối hợp giáo viên với phụ huynh nắm bắt thông tin, hỗ trợ học sinh tự học.
Các câu hỏi, đề kiểm tra đánh giá định kỳ, bài thi đánh giá năng lực phải bám sát yêu cầu cần đạt của chương trình, không tạo nên sự quá tải về kiến thức, gây khó khăn cho học sinh. Câu hỏi sử dụng trong quá trình dạy học và kiểm tra, đánh giá phải bám sát các năng lực đặc thù của môn học với các cấp độ tư duy phù hợp và cần tiếp cận với các dạng thức câu hỏi đánh giá năng lực theo cấu trúc đề thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025.
Riêng đối với lớp 9 và lớp 12, phòng GD&ĐT chỉ đạo các cơ sở giáo dục THCS tổ chức cho học sinh lớp 9 đăng ký ôn tập thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT theo các môn thi đã được Sở công bố. Các trường THPT tổ chức cho học sinh lớp 12 đăng ký ôn tập theo môn thi tốt nghiệp, trên cơ sở đó sắp xếp lớp ôn tập phù hợp; quá trình thực hiện cần rà soát, đánh giá năng lực học sinh. Các tổ, nhóm chuyên môn rà soát, điều chỉnh nội dung ôn tập phù hợp với thời lượng, đối tượng và hình thức ôn tập.
Giáo viên cũng hướng dẫn học sinh xây dựng đề cương ôn tập; tham gia luyện tập thi thử miễn phí trên hệ thống thi trực tuyến của sở và trên các hệ thống luyện trực tuyến khác.
Các trường chỉ đạo giáo viên bộ môn hướng dẫn học sinh kỹ năng làm bài thi; rút kinh nghiệm sau mỗi bài thi, từ đó rà soát và bổ sung kiến thức, kỹ năng cho các em.
Chuẩn bị cho các kỳ thi, sở yêu cầu các nhà trường tích cực biên soạn câu hỏi, đề thi theo cấu trúc đề thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2025 để phục vụ ôn tập cho học sinh và kiểm tra, đánh giá.
Các tổ, nhóm chuyên môn của các trường cần xây dựng 1 đề thi (kèm đáp án)/môn thi, với phạm vi chương trình đến hết lớp 12, gửi về sở trước ngày 3/3/2025, để xây dựng ngân hàng đề thi, câu hỏi dùng chung cho các trường trung học phổ thông sử dụng trong dạy học, kiểm tra đánh giá, ôn tập và thi thử cho học sinh.
Để giáo viên có quỹ thời gian tập trung ôn tập cho học sinh, các nhà trường cần nghiên cứu rà soát, điều chỉnh phân công chuyên môn để hướng đến ưu tiên cho giáo viên dạy các lớp cuối cấp có môn thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT và thi tốt nghiệp THPT năm 2025.
Ông Nguyễn Tiến Dũng, Trưởng phòng Giáo dục trung học, Sở GD&ĐT Nghệ An cho biết, việc dừng dạy thêm, học thêm ở các nhà trường sẽ khiến các trường học gặp nhiều khó khăn trong việc thực hiện kế hoạch dạy học. Vì thế, trong thời điểm này, sở mong các giáo viên cần nêu cao trách nhiệm, nỗ lực tổ chức các buổi ôn tập miễn phí cho học sinh cuối cấp. Ngoài ra, việc kiểm tra đánh giá cần phù hợp với yêu cầu cần đạt của chương trình, không tạo áp lực cho học sinh.
Hoàng Trinh