Ngày 17-5, UBND tỉnh Ninh Thuận phối hợp Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) tổ chức hội nghị kết nối nhà đầu tư và triển khai tín dụng đầu tư của nhà nước tại tỉnh này.
Hơn 35.000 tỉ đồng đầu tư vào các dự án trọng điểm
Giới thiệu chính sách tín dụng tại hội nghị, ông Đào Quang Trường, Tổng giám đốc Ngân hàng phát triển Việt Nam, cho biết chính sách tín dụng đầu tư của nhà nước hiện nay được quy định với mục tiêu tập trung cho vay vào các dự án đầu tư quy mô lớn.
Như các dự án thuộc các lĩnh vực kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội; công nghiệp, nông nghiệp, địa bàn kinh tế khó khăn, đặc biệt khó khăn có tác động lớn đến nền kinh tế.
Lãnh đạo Tập đoàn BIM ký kết ghi nhớ cấp vốn tín dụng với Ngân hàng Phát triển Việt Nam. Ảnh: T.T
Trong đó, đặc biệt đã bổ sung các dự án kết cấu hạ tầng giao thông có nhu cầu vốn lớn vào danh mục đối tượng vay vốn để phù hợp với các chủ trương, định hướng của Đảng và nhà nước; các chính sách ưu tiên phát triển đối với một số ngành, lĩnh vực trọng điểm và chiến lược phát triển kinh tế xã hội của đất nước giai đoạn từ nay đến năm 2030.
Đối với nhóm lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp đã bổ sung thêm dự án đầu tư khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; bổ sung thêm dự án khí tự nhiên hóa lỏng (LNG).
Theo ông Trường, đối tượng vay vốn là các doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp công lập tự chủ về tài chính và tổ chức kinh tế khác có dự án thuộc các lĩnh vực như kết cấu hạ kinh tế - xã hội; nông thôn, nông nghiệp; công nghiệp.
Doanh nghiệp sẽ được cho vay tín dụng đầu tư của nhà nước tối đa đối với mỗi dự án bằng 70% tổng mức vốn đầu tư dự án.
Tại hội nghị, Ngân hàng Phát triển Việt Nam đã ký ghi nhớ hợp tác với năm doanh nghiệp về cấp vốn tín dụng đầu tư với tổng vốn cam kết cung cấp tín dụng trên 35.500 tỉ đồng để đầu tư vào các dự án trọng điểm trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận.
Thúc đẩy mạnh mẽ phát triển kinh tế tư nhân
Phát biểu tại hội nghị, ông Trịnh Minh Hoàng, Phó chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận, cho biết tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân của tỉnh giai đoạn 2021-2024 đạt 8,8%/năm, GRDP bình quân đầu người năm 2024 đạt 98,2 triệu đồng/người.
Ông Trịnh Minh Hoàng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận, phát biểu tại hội nghị. Ảnh: T.T
Công tác thu hút đầu tư của tỉnh đạt được những kết quả tích cực, tổng số dự án đến nay trên địa bàn tỉnh là 488 dự án với tổng mức đầu tư 247.300 tỉ đồng. Trong đó, có 44 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài với tổng vốn đầu tư 40.292 tỉ đồng, tương đương trên 1,2 tỉ USD.
Môi trường đầu tư kinh doanh được cải thiện, chỉ số PCI năm 2024 của tỉnh, xếp thứ 13/63 tỉnh, thành phố. Đây là năm thứ ba liên tiếp Ninh Thuận nằm trong nhóm 30 tỉnh, thành phố có chất lượng điều hành tốt nhất trong PCI.
Theo ông Trịnh Minh Hoàng, nhiều dự án trọng điểm quy mô lớn về hạ tầng giao thông, năng lượng tái tạo, du lịch, công nghiệp, cảng biển được đầu tư, hoàn thành và đi vào hoạt động, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Ninh Thuận.
Theo ông Hoàng, quy hoạch tỉnh Ninh Thuận thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã xác định năm cụm ngành quan trọng, gồm năng lượng, năng lượng tái tạo; du lịch chất lượng cao; công nghiệp chế biến, chế tạo; nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; xây dựng và thị trường bất động sản.
Trên cơ sở định hướng đó, tỉnh Ninh Thuận đang quyết liệt triển khai các chủ trương lớn về cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động, sức cạnh tranh của nền kinh tế.
Đồng thời, thực hiện có hiệu quả các giải pháp cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp, thúc đẩy mạnh mẽ phát triển kinh tế tư nhân, thực sự trở thành động lực quan trọng của nền kinh tế quốc dân, theo tinh thần Nghị quyết số 68 của Bộ Chính trị.
Theo ông Hoàng, hội nghị này là cơ sở để các doanh nghiệp, nhà đầu tư mạnh dạn triển khai các dự án trọng điểm quy mô lớn, có tính động lực, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Ninh Thuận.
Việc sử dụng hiệu quả nguồn vốn tín dụng đầu tư sẽ hỗ trợ tỉnh hiện thực hóa mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2025 đạt mức 13- 14%, tiến tới hoàn thành các chỉ tiêu quan trọng trong cả nhiệm kỳ.
Kêu gọi đầu tư vào các dự án năng lượng tái tạo
Với nhu cầu tổng vốn đầu tư toàn xã hội tại địa phương năm 2025 khoảng 22.500 tỉ đồng, tỉnh Ninh Thuận đang kêu gọi đầu tư vào các dự án trọng điểm về năng lượng, năng lượng tái tạo theo quy hoạch điện VIII điều chỉnh đến năm 2030.
Ninh Thuận đang kêu gọi đầu tư vào các dự án trọng điểm năng lượng, năng lượng tái tạo. Ảnh: H.H
Trong đó điện mặt trời 1.974 MW, điện gió 1.039 MW; LNG Cà Ná 1.500 MW; hydrogen; dự án khu công nghiệp Cà Ná (giai đoạn 1, quy mô 378 ha); chín cụm công nghiệp mới với tổng diện tích trên 412 ha; dự án cảng biển tổng hợp Cà Ná giai đoạn 2 (quy mô 300.000 DWT) gắn với cảng cạn, trung tâm logistics Cà Ná 120 ha theo hướng đồng bộ, chuyên nghiệp, hiện đại với năng lực thông qua 150.000 – 200.000 TEU/năm…
HUỲNH HẢI