Nợ có khả năng mất vốn tăng đột biến, VietCredit (TIN) tiếp tục thua lỗ do dự phòng

Nợ có khả năng mất vốn tăng đột biến, VietCredit (TIN) tiếp tục thua lỗ do dự phòng
3 giờ trướcBài gốc
Tiếp tục thua lỗ
Công Ty Tài chính Cổ phần Tín Việt (VietCredit – mã ck: TIN) vừa công bố báo cáo tài chính quý 3/2024 với thu nhập lãi thuần giảm 34% so với cùng kỳ, chỉ còn gần 180 tỷ đồng. Các nguồn thu từ hoạt động dịch vụ (lỗ 2 tỷ đồng), hoạt động kinh doanh ngoại hối (lỗ 17 triệu đồng), mua bán chứng khoán đầu tư (lỗ 20 tỷ đồng) đều lỗ. Chỉ duy nhất lãi từ hoạt động khác tăng mạnh lên 84 tỷ đồng, gấp gần 5 lần cùng kỳ, nhờ tăng thu từ hoạt động bán nợ (163 tỷ đồng).
Công ty cho biết dư nợ tín dụng tiếp tục giảm do một loạt yếu tố tác động khác nhau, như sức hấp thụ vốn của nền kinh tế đang khó khăn, nhiều khách hàng vay chưa đáp ứng đủ điều kiện, đầu tư sản xuất kinh doanh, tiêu dùng giảm, dẫn tới cầu tín dụng của người dân giảm tương ứng. Thêm vào đó, mặt bằng lãi suất cho vay tiếp tục điều chỉnh giảm cũng như các khoản phí với mục tiêu kích cầu tiêu dùng và hỗ trợ khách hàng trong giai đoạn phục hồi kinh tế.
Trong kỳ, chi phí hoạt động của VietCredit đã giảm 31% còn 100 tỷ đồng. Kết quả, lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh của công ty tài chính này đạt 141 tỷ đồng, giảm 2% so với cùng kỳ. Trong khi đó, VietCredit trích gần 178 tỷ đồng để dự phòng rủi ro tín dụng. Điều này khiến công ty lỗ trước thuế gần 37 tỷ đồng.
Lũy kế 9 tháng đầu năm, VietCredit lỗ trước thuế gần 222 tỷ đồng. Con số này khiến công ty ngày càng xa mục tiêu lợi nhuận trước thuế 51 tỷ đồng đề ra cho cả năm 2024. Nếu tình hình kinh doanh không được cải thiện, rất khó để công ty tài chính này có thể hoàn thành kế hoạch đề ra. Năm 2023 trước đó, VietCredit đã không hoàn thành kế hoạch đề ra khi chỉ thực hiện được khoảng 1/4 chỉ tiêu lợi nhuận cả năm.
Nợ có khả năng mất vốn tăng đột biến
VietCredit tiền thân là Công ty Tài chính Cổ phần Xi măng (CFC) thành lập ngày 29/5/2008 với vốn điều lệ ban đầu là 300 tỷ đồng. Ba cổ đông sáng lập của công ty là Tổng Công ty Xi măng Việt Nam (Vicem) nắm 40%, Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) sở hữu 11% và Tổng Công ty Thép Việt Nam (VNSteel) giữ 10,5% vốn điều lệ.
Năm 2010, công ty tăng vốn gấp đôi lên 604 tỷ đồng, với sự xuất hiện của một cổ đông lớn tư nhân là CTCP Vận tải và Thương mại Quốc tế (ITC) nắm 16,86% vốn. Đến năm 2014, nhóm Bản Việt bắt đầu xuất hiện tại CFC, khi Ngân hàng TMCP Bản Việt (VietCapital Bank) trở thành cổ đông lớn, nắm giữ 10,99% cổ phần.
Năm 2015, VNSteel và ITC thoái hết vốn, CFC có thêm một cổ đông lớn, nắm giữ 4,96% là CTCP Quản lý Quỹ đầu tư Chứng khoán Bản Việt (VCAM). Sau đó, các cổ đông lớn còn lại cũng lần lượt thoái vốn. Đến năm 2018, công ty chỉ còn ghi nhận Vicem là cổ đông lớn duy nhất với tỷ lệ tròn 15%, và duy trì cho đến nay.
Tháng 5/2018, công ty chính thức tham gia vào thị trường tài chính tiêu dùng. Đến ngày 18/6/2018, NHNN đã cấp đổi giấy phép thành lập và hoạt động cho Công ty tài chính cổ phần Xi Măng. Theo đó, công ty đổi tên thành Công ty Tài chính Cổ phần Tín Việt (VietCredit), đồng thời tăng vốn điều lệ lên gần 688 tỷ đồng.
Đến cuối quý 3/2024, tổng tài sản của VietCredit ở mức gần 4.500 tỷ đồng, giảm 34% so với đầu năm. Cho vay khách hàng giảm mạnh 36% còn 2.937 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu cũng giảm từ mức 18,47% đầu năm xuống còn 13,69%. Tuy nhiên, nợ có khả năng mất vốn lại tăng đột biến 142% lên hơn 105 tỷ đồng. Tiền gửi khách hàng giảm nhẹ 1%, còn 469 tỷ đồng. Tiền gửi và vay TCTD khác giảm mạnh 60% còn 1.020 tỷ đồng.
Quỳnh Chi
Nguồn Doanh nhân & Pháp luật : https://doanhnhan.vn/no-co-kha-nang-mat-von-tang-dot-bien-vietcredit-tin-tiep-tuc-thua-lo-do-du-phong-78573.html