Nỗ lực kiểm soát các cuộc khủng hoảng nạn đói đang lan rộng ở các nước đang phát triển vốn đã gặp khó khăn từ trước khi Tổng thống Mỹ Donald Trump trở lại Nhà Trắng, giờ hệ thống giám sát và cứu trợ nạn đói quốc tế lại hứng chịu nhiều đòn giáng từ việc Mỹ đột ngột ngừng viện trợ nước ngoài.
Việc đóng băng chi tiêu mà ông Trump ra lệnh khi nhậm chức vào ngày 20/1, dự kiến sẽ kéo dài 90 ngày trong khi chính quyền của ông xem xét tất cả các chương trình viện trợ nước ngoài. Ngoại trưởng Marco Rubio cho biết lệnh này đã bao gồm một ngoại lệ cho phép tiếp tục hỗ trợ lương thực khẩn cấp.
Nhưng phần lớn hoạt động viện trợ khẩn cấp đó đã tạm thời ngừng lại khi các tổ chức nhân đạo tìm hiểu rõ hơn về những chương trình cứu trợ nào được phép tiếp tục. Vấn đề trở nên phức tạp hơn trong tuần này khi ông Trump muốn đóng cửa cơ quan cung cấp cứu trợ hàng đầu của chính phủ Mỹ, Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ (USAID).
Marcia Wong, cựu quan chức cấp cao của USAID, người đã được thông báo về tình hình, cho biết khoảng 500.000 tấn thực phẩm trị giá 340 triệu USD đang trong tình trạng lấp lửng, quá cảnh hoặc lưu trữ trong khi các tổ chức nhân đạo chờ Bộ Ngoại giao Mỹ phê duyệt để phân phối.
Các nhân viên cứu trợ nói với Reuters rằng khoản hỗ trợ tiền mặt do Mỹ cung cấp nhằm giúp người dân mua thực phẩm và các nhu yếu phẩm khác ở Sudan và Gaza cũng đã bị tạm dừng. Nguồn tài trợ cho các bếp ăn cộng đồng do tình nguyện viên điều hành, được Mỹ hỗ trợ ở Sudan nhằm giúp nuôi sống người dân ở những khu vực mà viện trợ truyền thống không thể tiếp cận được, cũng bị dừng.
Các tổ chức nhân đạo cũng gặp trở ngại trong việc nhận tiền trả cho các hoạt động cung cấp lương thực khẩn cấp. Câu hỏi về những chương trình nào được phép tiếp tục vẫn chưa được trả lời rõ ràng, do bên đứng ra trả lời những câu hỏi này – các quan chức của USAID – đã bị cho nghỉ việc.
Mạng lưới hệ thống cảnh báo sớm nạn đói (FEWS NET), cơ quan của Mỹ chuyên đưa ra các cảnh báo an ninh lương thực nhằm ngăn chặn nạn đói, cũng đã ngừng hoạt động. Khoảng trống mà nó để lại khiến các tổ chức viện trợ không có nguồn hướng dẫn chính về địa điểm và cách thức triển khai cứu trợ nhân đạo.
Thêm nữa, chính phủ Mỹ đã ban hành lệnh ngừng hoạt động đối với hai nhà sản xuất thực phẩm bổ sung dinh dưỡng lớn, làm giảm nguồn cung cấp thực phẩm cứu sống cho trẻ em suy dinh dưỡng nghiêm trọng trên toàn thế giới.
Mark Moore, Giám đốc điều hành của Mana Nutrition of Georgia, một trong hai nhà cung cấp bị áp lệnh ngừng sản xuất thực phẩm bổ sung, cho biết: “Chúng tôi đưa ra điều mà hầu hết mọi người đều đồng ý – rằng những đứa trẻ đang chết đói và cần viện trợ khẩn cấp. Sẽ không cường điệu khi nói rằng hàng trăm nghìn trẻ em suy dinh dưỡng có thể chết nếu không có USAID”.
Trẻ em Palestine mang nồi khi xếp hàng nhận thức ăn do một bếp từ thiện nấu ở Rafah, phía nam Dải Gaza, ngày 14/12/2023. Ảnh: Reuters.
Hàng viện trợ bị “đóng băng”
Xung đột đang đẩy một lượng lớn người dân trên thế giới vào tình trạng đói khát tuyệt vọng và Mỹ là nước viện trợ lớn nhất. Nước này đã cung cấp 64,6 tỷ USD viện trợ nhân đạo trong 5 năm qua. Con số này chiếm ít nhất 38% tổng số tiền đóng góp được Liên hợp quốc ghi nhận.
Theo Báo cáo Toàn cầu về Khủng hoảng Lương thực năm 2024, vào năm 2023, gần 282 triệu người ở 59 quốc gia và vùng lãnh thổ đã phải đối mặt với tình trạng thiếu lương thực trầm trọng đe dọa tính mạng hoặc sinh kế của họ.
Ngay cả trước khi Mỹ tạm dừng viện trợ, hệ thống chống nạn đói của thế giới đã phải chịu áp lực rất lớn, do xung đột và bất ổn chính trị. Việc ngừng viện trợ tạo ra một cuộc khủng hoảng hai hướng đối với các tổ chức nhân đạo đang hoạt động nhằm giảm bớt nạn đói trầm trọng. Nó làm suy yếu các chương trình ngăn chặn nạn đói hàng loạt, đồng thời cản trở các chương trình nhằm ứng phó với khủng hoảng.
Hai nhân viên cứu trợ ở Sudan cho biết, trong số hàng viện trợ lương thực đang trong tình trạng “đóng băng” trên khắp thế giới có gần 30.000 tấn nhằm nuôi sống trẻ em và người lớn bị suy dinh dưỡng trầm trọng ở Sudan. Họ cho biết một số lượng lớn hàng lương thực đang nằm trong kho, có nguy cơ bị hư hỏng.
Một công nhân cho biết số thực phẩm viện trợ trên bao gồm đậu lăng, gạo và lúa mì – đủ để nuôi ít nhất 2 triệu người trong một tháng. Người này cho biết một số mặt hàng có thời hạn sử dụng ngắn và sẽ không thể ăn được sau 90 ngày tạm dừng của ông Trump.
Các nhóm viện trợ đang bối rối về việc chương trình cứu trợ nào đủ điều kiện được miễn trừ khỏi việc đóng băng chi tiêu của Mỹ và liệu họ có thể nhận được chúng hay không - bởi vì hầu hết nhân viên của USAID đã được cho nghỉ phép.
Một tình nguyện viên đang đảo thức ăn để phân phát cho người dân ở Omdurman, Sudan, ngày 3/9/2023. Ảnh: Reuters.
Lỗ hổng đối với các hoạt động nhân đạo toàn cầu
Về lâu dài, việc đóng cửa FEWS NET sẽ làm tê liệt khả năng dự đoán, ngăn chặn và ứng phó với các cuộc khủng hoảng an ninh lương thực của thế giới.
Được chính phủ Mỹ thành lập vào năm 1985 sau nạn đói tàn khốc ở Đông và Tây Phi, FEWS NET được USAID tài trợ và được quản lý bởi Chemonics International có trụ sở tại Washington. FEWS NET chịu trách nhiệm cung cấp cảnh báo sớm cho các nhà hoạch định chính sách Mỹ về những nạn đói có thể cần đến phản ứng nhân đạo. Nó sử dụng dữ liệu từ các cơ quan liên bang, các nhà khoa học và các tổ chức nhân đạo khác để tạo ra một loạt báo cáo về an ninh lương thực. USAID và các tổ chức nhân đạo đã sử dụng báo cáo của FEWS NET để quyết định nơi gửi viện trợ lương thực.
Các nhà nghiên cứu thu thập và phân tích dữ liệu về tình trạng mất an ninh lương thực và nạn đói cho biết FEWS NET rất cần thiết cho nỗ lực chống nạn đói của thế giới. Họ nói rằng hệ thống này nhanh và hiệu quả hơn so với Hệ thống phân loại giai đoạn an ninh lương thực tích hợp (IPC) của Liên hợp quốc, một hệ thống tương tự chuyên báo cáo về tình trạng mất an ninh lương thực.
Vào năm 2024, FEWS NET đã đưa ra hơn 1.000 báo cáo về mất an ninh lương thực tại hơn 34 quốc gia. IPC cũng công bố 71 báo cáo ở 33 quốc gia.
Vào ngày 27/1, Chemonics, công ty quản lý FEWS NET, đã nhận được lệnh ngừng hoạt động từ USAID. Hai ngày sau, trang web của FEWS NET ngừng hoạt động, khiến công chúng không thể truy cập vào hàng nghìn báo cáo do người nộp thuế ở Mỹ tài trợ.
Andrew Natsios, giáo sư tại Đại học Texas A&M, người đứng đầu USAID từ năm 2001 đến năm 2006, cho biết: “Việc chấm dứt FEWS NET giống như việc tháo vô lăng khỏi ô tô. Ngay cả khi ô tô hoạt động tốt, nếu không có vô lăng, bạn cũng không biết ô tô sẽ đi đâu”.
Một phụ nữ Sudan từ bếp ăn cộng đồng do tình nguyện viên địa phương điều hành, chuẩn bị bữa ăn cho những người bị ảnh hưởng bởi xung đột và nạn đói ở Omdurman, Sudan, ngày 19/9/2024.
FEWS NET đóng vai trò quan trọng trong việc đánh giá tình trạng mất an ninh lương thực trong hầu hết các cuộc khủng hoảng nạn đói tồi tệ nhất trên thế giới. Là nguồn cung cấp dữ liệu quan trọng cho IPC và hệ thống nhân đạo toàn cầu, các báo cáo của tổ chức này đưa ra phân tích chiến lược về mức độ xung đột và các vấn đề khác ảnh hưởng đến tình trạng mất an ninh lương thực ở những nơi cụ thể.
Với việc giải thể nhà tài trợ chính là USAID, nhân viên của FEWS NET cho biết họ không lạc quan về việc tổ chức này sẽ tiếp tục hoạt động.
Chris Newton, nhà phân tích chuyên về cảnh báo sớm và an ninh lương thực tại International Crisis Group, cho biết cái chết của nó để lại “một lỗ hổng” trong việc đưa tin về các cuộc khủng hoảng nhân đạo. Ông nói, sự kết thúc của FEWS NET sẽ ảnh hưởng đến nỗ lực chấm dứt nạn đói ở Sudan và ngăn chặn nạn đói ở các điểm nóng khác, đồng thời có thể dẫn đến sự sụp đổ của một mạng lưới rộng lớn các nhà cung cấp dữ liệu.
“Nạn đói đã biến mất khỏi thế giới vào những năm 2000 và giờ đây, sự trỗi dậy của nó có thể sẽ tăng tốc trong khi chúng ta ngày càng thiếu thông tin về nó”, ông nói.
Huyền Chi