Hoạt động tri ân ý nghĩa
Công tác tìm kiếm HCLS đến nay đạt hiệu quả là nhờ việc xác định, đính chính thông tin trên bia mộ liệt sĩ ngày càng có kinh nghiệm. Nhiều gia đình có nguyện vọng di chuyển HCLS về quê hương.
Tuy nhiên quá trình thực hiện có một số gia đình gặp khó khăn, nhất là các gia đình ở nông thôn, vùng núi, vùng sâu, vùng xa. Bố mẹ liệt sĩ có trợ cấp thì già yếu, nhiều liệt sĩ không có vợ con...
Trung tướng Hoàng Khánh Hưng, Chủ tịch Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ Việt Nam cho biết: “Nắm bắt một số trường hợp khó khăn trong việc di chuyển HCLS, Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ Việt Nam đã đề xuất với Tổng công ty Đường sắt Việt Nam hỗ trợ miễn phí tàu cho thân thân liệt sĩ di chuyển hài cốt về quê hương bằng phương tiện tàu hỏa từ phía Nam ra phía Bắc, nhằm góp phần giảm bớt khó khăn và động viên thân nhân liệt sĩ”.
Là hoạt động nghĩa tình nên chủ trương của Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ Việt Nam được Tổng công ty Đường sắt Việt Nam ủng hộ và triển khai thực hiện miễn cước vận chuyển HCLS trên toa xe hành lý các đoàn tàu khách chạy tuyến đường sắt Thống Nhất đi từ các ga phía Nam ra các ga khu vực miền Trung, miền Bắc. Vé cũng được miễn cho thân nhân của liệt sĩ đi cùng chuyến tàu.
Ngay sau khi có chủ trương trên, Văn phòng Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ phía Nam đã thành lập Đội vận chuyển HCLS, hỗ trợ thân nhân liệt sĩ làm thủ tục mua vé tàu, tham gia cất bốc, hỗ trợ xăng xe vận chuyển và di chuyển hài cốt từ các nghĩa trang liệt sĩ ra ga Sài Gòn.
Cùng với đó, Văn phòng đại diện phía Nam và các nhà hảo tâm còn hỗ trợ nơi ăn nghỉ, trợ cấp thêm cho thân nhân có hoàn cảnh khó khăn trong những ngày đi cất bốc HCLS.
Cán bộ, nhân viên ngành đường sắt phối hợp với các lực lượng tiến hành nghi thức vận chuyển hài cốt liệt sĩ lên tàu. Ảnh: TRƯỜNG THỌ
Trường hợp đầu tiên được gia đình di chuyển bằng tàu hỏa theo chương trình hỗ trợ là liệt sĩ Nguyễn Văn Sửu, quê quán huyện Thường Tín (TP Hà Nội).
Hành trình di chuyển từ ga Sài Gòn về ga Hà Nội rạng sáng ngày 25-3-2024. Anh Nguyễn Trường Thọ, Trưởng tàu khách SE6, Đoàn tiếp viên đường sắt Hà Nội (Công ty cổ phần Vận tải đường sắt, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam) chia sẻ: “Công tác trong ngành mấy chục năm nhưng đây là lần đầu tôi thực hiện nhiệm vụ đặc biệt này. Khi nhận nhiệm vụ có chút bỡ ngỡ nhưng với tấm lòng tri ân và tinh thần trách nhiệm, tôi cùng tổ tàu tổ chức đưa HCLS vào vị trí trang trọng. Trong suốt hành trình, chúng tôi quan tâm chăm lo chu đáo cho thân nhân liệt sĩ. Được thực hiện nhiệm vụ ý nghĩa này, tôi coi đó là điều may mắn để tri ân liệt sĩ có công với đất nước”.
Trong suốt hành trình, cán bộ, nhân viên ngành đường sắt đã niềm nở đón tiếp và bố trí chu đáo để HCLS và thân nhân liệt sĩ trên khoang tàu bảo đảm an toàn. Hình ảnh đồng chí trưởng tàu và nhân viên trên đoàn tàu khách SE6 tận tụy, trách nhiệm đã để lại tình cảm, ấn tượng sâu sắc đối với thân nhân liệt sĩ.
Thực hiện chủ trương, chương trình phối hợp, từ tháng 3 đến tháng 12-2024, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đã hỗ trợ vận chuyển 29 HCLS từ các nghĩa trang phía Nam về các tỉnh, thành phố: Hà Nội, Yên Bái, Bắc Giang, Hải Dương, Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định, Hà Nam, Thanh Hóa, Nghệ An... Cùng với đó, gần 60 thân nhân liệt sĩ tham gia di chuyển hài cốt được miễn phí vé tàu.
Vượt khó, hỗ trợ hiệu quả
Mặc dù đạt được những kết quả nhất định trong công tác triển khai thực hiện nhưng thực tế việc hỗ trợ miễn phí di chuyển HCLS bằng phương tiện tàu hỏa là việc làm mới.
Do đó khi thực hiện có thủ tục tiến hành còn bỡ ngỡ, lúng túng. Có chi hội không nắm vững thủ tục, quy trình nên giải quyết cho thân nhân gia đình liệt sĩ chưa kịp thời. Nhiều địa phương chưa có chi hội nên việc hướng dẫn giúp đỡ thân nhân còn gặp khó khăn. Việc hỗ trợ mới chỉ được một chiều khi di chuyển HCLS từ miền Nam ra miền Bắc.
Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ Việt Nam trao bằng khen cho cán bộ, nhân viên ngành đường sắt và các lực lượng tham gia hỗ trợ vận chuyển hài cốt liệt sĩ. Ảnh: ĐỨC NAM
Theo Trung tướng Trần Tấn Hùng, Phó chủ tịch Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ Việt Nam, từ năm 2025, số lượng di chuyển HCLS bằng tàu hỏa sẽ tăng lên (khoảng 70-100 trường hợp) do HCLS trong các nghĩa trang được xác định danh tính bằng phương pháp thực chứng nhiều hơn. Thông tin về việc hỗ trợ miễn phí tàu hỏa được tuyên truyền rộng nên nhiều thân nhân liệt sĩ ở các địa phương biết và có nhu cầu đề nghị hỗ trợ.
Từ thực tế đó, Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ Việt Nam tiếp tục đề nghị Tổng công ty Đường sắt Việt Nam quan tâm triển khai thực hiện việc hỗ trợ di chuyển HCLS bằng phương tiện tàu hỏa, nghiên cứu các chính sách hỗ trợ thiết thực để nhiều thân nhân được tham gia hành trình di chuyển HCLS về quê hương.
Công tác phối hợp, hiệp đồng từ khâu cấp vé đến đón tiếp thân nhân liệt sĩ và sắp xếp chỗ nghỉ trên tàu cho thân nhân, HCLS bảo đảm chu đáo, chặt chẽ, vệ sinh và an toàn. Các chi hội hỗ trợ gia đình liệt sĩ cần hoạt động tích cực hơn, góp phần giúp đỡ hiệu quả thân nhân liệt sĩ trong quá trình cất bốc, di dời, vận chuyển HCLS.
Ông Phạm Tiến Hưng, Phó trưởng phòng kinh doanh, Công ty Cổ phần Vận tải đường sắt cho biết: “Khi chứng kiến những giọt nước mắt hạnh phúc của thân nhân liệt sĩ đón nhận hài cốt người thân, chúng tôi mới hiểu hết ý nghĩa to lớn của công việc mình đang làm. Đó không chỉ là trách nhiệm mà còn là lời hứa tri ân đối với các liệt sĩ.
Bước sang năm 2025, Công ty tiếp tục phối hợp, đồng hành với Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ Việt Nam để thực hiện nhiệm vụ thiêng liêng này. Công ty cam kết sẽ nỗ lực hơn nữa, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc về thủ tục, tăng cường sự hỗ trợ để mỗi chuyến tàu đều an toàn, trang nghiêm và trọn vẹn”.
VŨ DUY