Nỗ lực đưa Anh và EU xích lại gần nhau

Nỗ lực đưa Anh và EU xích lại gần nhau
7 giờ trướcBài gốc
Ảnh minh họa.
Tới đây, trả lời phỏng vấn báo giới tại Geneva (Thụy Sĩ), Bộ trưởng Thương mại Anh Douglas Alexander nhấn mạnh, cuộc trưng cầu ý dân năm 2016 về việc Anh rời EU, còn gọi là Brexit, đã khiến chính sách thương mại của Anh gián đoạn đáng kể và Chính phủ Thủ tướng Keir Starmer cần điều chỉnh triển vọng tăng trưởng thương mại của nước này. Trên thực tế, khoảng 47% hoạt động thương mại hiện nay của Anh có liên quan đến EU, cho nên việc thiết lập lại mối quan hệ thương mại Anh-EU đang được cấp bách thúc đẩy.
Ngày 12/10 vừa qua đánh dấu 100 ngày đầu tiên điều hành đất nước của Chính phủ mới tại Anh. Trong khoảng thời gian quan trọng này, Thủ tướng Anh Keir Starmer đã thể hiện rõ quyết tâm tái thiết lập mối quan hệ hữu hảo với các quốc gia EU, qua đó tìm giải pháp nới lỏng các rào cản thương mại và hạn chế do Brexit tạo ra. Tạp chí Politico nhận định, ông Keir Starmer đã tận dụng các cơ hội để đối thoại với các nhà lãnh đạo EU, trong đó đáng chú ý là có 5 lần gặp Thủ tướng Đức Olaf Scholz và 4 lần gặp Tổng thống Pháp Emmanuel Macron.
Đặc biệt, chuyến thăm trụ sở Ủy ban châu Âu (EC) của người đứng đầu Chính phủ Anh hồi đầu tháng 10/2024 được cho là mở ra chương mới trong mối quan hệ giữa hai bờ eo biển Manche. Mới đây, Chính phủ Anh cũng ghi điểm với thành tựu lớn về đối ngoại đầu tiên trong giai đoạn hậu Brexit, khi hoàn tất thỏa thuận quốc phòng mang tính bước ngoặt với Đức, thành viên có tầm ảnh hưởng lớn trong EU.
Khác với các chính phủ bảo thủ trước đây, Chính phủ do Công đảng tại Anh lãnh đạo đặt mục tiêu thay đổi cách tiếp cận trong quan hệ với EU và đã có những bước đi mạnh mẽ, thiết thực giữa lúc tình hình địa chính trị ngày càng bất ổn. Hơn 4 năm sau khi Vương quốc Anh chính thức rời "mái nhà chung EU" vào tháng 1/2020, phần lớn các chuyên gia và người dân nước Anh đều cho rằng Brexit để lại những hậu quả đáng kể cho nền kinh tế của quốc gia châu Âu này.
Ông John Springford tại Trung tâm nghiên cứu cải cách châu Âu (Anh) nhận định, tăng trưởng thương mại hàng hóa và dịch vụ bị bỏ lỡ do Brexit khiến xuất khẩu của Anh mất khoảng 23 tỷ bảng/quý, tương đương mức giảm khoảng 4%-5% GDP, so với mức nếu Anh vẫn ở trong khối.
Ngoài ra, nguồn cung lao động của Anh cũng bị thắt chặt do Brexit chấm dứt sự di chuyển tự do từ EU. Thị trưởng thủ đô Luân Đôn của Anh Michael Mainelli cho biết, có 525.000 lao động tại Luân Đôn vào năm 2016 và thành phố này đã bị mất gần 40.000 lao động sau Brexit. Bởi vậy, việc Anh nối lại quan hệ với EU là cần thiết, trong bối cảnh Công đảng cầm quyền coi tăng trưởng kinh tế là ưu tiên hàng đầu.
Về phía EU, Chủ tịch EC Ursula von der Leyen khẳng định EU muốn Anh tuân thủ đầy đủ các nghĩa vụ Brexit trước khi xem xét cải thiện các điều kiện thương mại, đồng thời kêu gọi các bên thực hiện nghiêm túc Thỏa thuận Brexit, Khuôn khổ Windsor và Thỏa thuận Thương mại và Hợp tác (TCA).
Hội nghị thượng đỉnh đầu tiên giữa EU và Anh sau Brexit sẽ được tổ chức vào đầu năm 2025. Dù đều bày tỏ thiện chí cải thiện quan hệ nhưng lãnh đạo hai bên thừa nhận rằng, vẫn còn nhiều điều phải làm để xây dựng một mối quan hệ hợp tác lâu dài, hiệu quả trong bối cảnh hậu Brexit đầy thách thức.
Ngồi "ghế nóng", Thủ tướng Anh Keir Starmer phải gánh vác nhiệm vụ phức tạp là quản lý đất nước thời hậu Brexit với hàng loạt hệ lụy từ "cuộc chia tay lịch sử" giữa Anh và EU. Cam kết không xem xét việc Anh quay lại thị trường chung EU hay khôi phục tự do đi lại giữa hai bên, Thủ tướng Anh khẳng định hướng tới mục tiêu "làm cho Brexit trở nên hiệu quả". Nỗ lực hàn gắn mối quan hệ Anh-EU cũng là một phần trong chiến lược rộng lớn của Chính phủ Thủ tướng Keir Starmer nhằm gia tăng vị thế của nước Anh trên trường quốc tế.
ĐỖ QUYÊN
Nguồn Nhân Dân : https://nhandan.vn/no-luc-dua-anh-va-eu-xich-lai-gan-nhau-post838862.html