Nỗ lực đưa 'Gạo Vĩnh Lâm' ra thị trường

Nỗ lực đưa 'Gạo Vĩnh Lâm' ra thị trường
2 ngày trướcBài gốc
Mới ra mắt nhưng sản phẩm “Gạo Vĩnh Lâm” đã được nhiều người tiêu dùng đón nhận -Ảnh: M.H
Xã Vĩnh Lâm có diện tích sản xuất lúa khá lớn ở huyện Vĩnh Linh. Thời gian gần đây nhiều giống lúa mới có phẩm cấp tốt, thích ứng với biến đổi khí hậu như: HN6, Thiên Ưu 8, Bắc Hương 9, Đài Thơm 8... đã được đưa vào canh tác đại trà. Những giống lúa này cho năng suất từ 58- 60 tạ/ha và chất lượng gạo thơm ngon.
Tuy nhiên vì đa phần sản xuất theo phương thức truyền thống nên dù năng suất, chất lượng tăng nhưng giá trị kinh tế mang lại chưa cao. Bên cạnh đó, người tiêu dùng ngày càng quan tâm nhiều hơn đến vấn đề an toàn thực phẩm, trong khi đó sản phẩm làm ra vẫn chưa thể đáp ứng đầy đủ yêu cầu này. Hạt gạo quê hương vì vậy cũng chỉ loanh quanh tiêu thụ ở chợ làng, chưa có sức hút trên thị trường.
Giám đốc HTX Đặng Xá Hoàng Quang Lâm cho hay: “Trăn trở trước thực trạng này, các thành viên HTX họp bàn, tìm phương án nâng tầm cho hạt gạo quê hương. Chúng tôi đưa ý tưởng sẽ xây dựng một thương hiệu gạo an toàn để đưa ra thị trường. Hiện thực hóa điều này, chúng tôi dành 5 ha trong tổng số 104 ha diện tích sản xuất lúa của HTX để canh tác lúa theo tiêu chuẩn VietGAP. Đồng thời tìm hiểu các quy trình về kiểm nghiệm an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc... để sản phẩm được đảm bảo các quy định”.
Bắt đầu từ vụ đông xuân 2023 - 2024, nhờ có nguồn vốn hỗ trợ theo Nghị quyết số 162 của HĐND tỉnh, trên diện tích 5 ha đã được quy hoạch, HTX đưa giống lúa HN6 vào sản xuất. Mọi công đoạn canh tác đều được thực hiện đồng bộ bằng cơ giới. Để năng suất, chất lượng lúa đạt chuẩn, HTX phối hợp với các đơn vị liên quan hướng dẫn các hộ tham gia thực hiện nghiêm ngặt các tiêu chuẩn từ khâu ghi chép nhật ký đến quy trình bón phân, chăm sóc, quản lý cỏ dại, dịch hại theo quá trình sinh trưởng của cây lúa.
Lúa sau khi thu hoạch được HTX thu mua tươi tại ruộng. Tùy theo thời điểm mà giá có sự thay đổi nhưng giá lúa VietGAP luôn được thu mua cao hơn so với lúa sản xuất truyền thống từ 1.000 - 1.500 đồng/kg. Đặc biệt, HTX thuê toàn bộ máy móc, phương tiện để thu hoạch nhằm đảm bảo chất lượng cho sản phẩm và các quy trình chế biến về sau. Điều này cũng đã đem lại nhiều lợi ích cho nông dân khi họ không phải bỏ công thu hoạch mà vẫn bán được sản phẩm với giá cao. Vụ đông xuân 2023 - 2024, HTX mua lúa tươi với giá 7.500 đồng/ kg, trong khi đó giá lúa sản xuất truyền thống chỉ ở mức 6.000 đồng/kg.
Lúa tươi thu mua về được HTX hợp đồng với Công ty Cổ phần Tổng công ty Thương mại Quảng Trị để sấy khô, xay xát và tiến hành đóng gói đưa ra thị trường. Quy trình này, lúa được sấy khô độ ẩm từ 13-13,5%, sau đó được làm sạch loại bỏ những hạt kém phẩm chất nhằm bảo đảm yêu cầu đồng đều về kích thước, khối lượng riêng, màu sắc, độ ẩm.
Chất lượng nguyên liệu được kiểm tra bằng phương pháp cảm quan và độ ẩm được kiểm soát bằng máy đo thủy phân. Nguyên liệu sau khi tiếp nhận đánh giá đạt yêu cầu được đưa vào đóng gói.
Ông Hoàng Quang Lâm chia sẻ thêm: “Để có được thương hiệu “Gạo Vĩnh Lâm”, chúng tôi phải hoàn thiện rất nhiều thủ tục, hồ sơ cũng như phải có đầy đủ các chứng nhận về an toàn vệ sinh thực phẩm, chứng nhận truy xuất nguồn gốc, mã vùng trồng, chứng nhận là sản phẩm đạt OCOP... Đến tháng 8/2024, sau khi có tất cả chứng nhận này, HTX mới tiến hành đóng gói, dán nhãn mác, ghi rõ nguồn gốc, xuất xứ và đưa sản phẩm ra thị trường”.
Sản phẩm “Gạo Vĩnh Lâm” thành phẩm được đóng gói trong bao bì bằng chất liệu nilon, PE, bì dứa dán kín với định lượng 5 kg. Trên mỗi sản phẩm xuất bán, HTX in đầy đủ tem, ngày, tháng, năm sản xuất và hạn sử dụng. Mặc dù mới đưa ra thị trường nhưng sản phẩm “Gạo Vĩnh Lâm” đã được đông đảo người tiêu dùng đón nhận.
Tính đến tháng 12/2024, HTX bán ra thị trường được gần 6 tấn gạo, với giá bán 25.000 đồng/kg. So với giá bán của loại gạo sản xuất theo phương thức truyền thống chỉ 17 ngàn đồng/kg thì gạo sản xuất theo hướng VietGAP đem lại lợi nhuận cao hơn rất nhiều, quan trọng hơn là đảm bảo cho sức khỏe của người tiêu dùng và bảo vệ môi trường.
“Như vậy mục tiêu xây dựng một thương hiệu cho gạo quê hương của các thành viên HTX đã hoàn thành và bước đầu mang về những tín hiệu vui. Song thực tế vẫn còn nhiều khó khăn trong việc đưa “Gạo Vĩnh Lâm” vươn ra xa hơn. Bởi hiện nay, khâu tìm kiếm, mở rộng thị trường tiêu thụ còn hạn chế.
Vì vậy, giải pháp trước mắt chính là các thành viên của HTX cam kết và duy trì sản xuất, canh tác lúa theo theo tiêu chuẩn VietGAP để tạo đầu vào ổn định và bảo đảm chất lượng. HTX Đặng Xá tiếp tục mạnh dạn hơn trong đầu tư liên kết để quảng bá, giới thiệu sản phẩm. Với nhu cầu mua sắm điện tử như hiện nay, việc lập trang web, facebook... quảng bá cho gạo Vĩnh Lâm của HTX sẽ tạo được hình thức giao dịch tiện lợi cho nhà sản xuất cũng như khách hang.
sự hỗ trợ nguồn vốn của Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh, HTX đang xây dựng nhà xưởng chế biến với số vốn 640 triệu đồng. Việc làm này sẽ tạo thêm điều kiện thuận lợi để thương hiệu “Gạo Vĩnh Lâm” có chỗ đứng vững chắc trên thị trường như kỳ vọng...”, ông Hoàng Quang Lâm bộc bạch.
Mỹ Hằng
Nguồn Quảng Trị : http://www.baoquangtri.vn/no-luc-dua-gao-vinh-lam-ra-thi-truong-190847.htm