Nỗ lực giải 'cơn khát năng lượng' cho AI

Nỗ lực giải 'cơn khát năng lượng' cho AI
2 giờ trướcBài gốc
Một số giải pháp được cân nhắc đến là dùng điện hạt nhân, trang bị hệ thống làm mát bằng chất lỏng cho trung tâm dữ liệu, điện toán lượng tử. Tuy nhiên nhiều tổ chức bảo vệ môi trường nhắc nhở các “ông lớn” nên nhận ra tác động của quá trình phát triển AI thần tốc đến chuỗi cung ứng, từ bỏ ý định chạy đua công nghệ bằng mọi giá. Theo tiến sĩ Somya Joshi (Viện Môi trường Stockholm): “Hiện tại chi phí môi trường thực tế đang bị ẩn giấu. Công ty công nghệ chỉ cần có sản phẩm và sự công nhận”.
Cơ quan Năng lượng quốc tế nhận định làn sóng đầu tư vào trung tâm dữ liệu sẽ tăng tốc trong vài năm tới, chủ yếu do quá trình số hóa cùng xu hướng AI ngày càng phổ biến. Viễn cảnh này làm dấy lên lo ngại nhu cầu điện tăng đột biến cũng như tác động môi trường mà AI mang lại.
Một trung tâm dữ liệu ở Ấn Độ - Ảnh: CNBC
Hạ tầng quan trọng
Trung tâm dữ liệu với mức tiêu thụ năng lượng khổng lồ là phần quan trọng trong cơ sở hạ tầng đằng sau dịch vụ điện toán đám mây và nền tảng AI hiện đại. Chủ tịch ABB Giampiero Frisio cho biết vài năm gần đây mảng kinh doanh trung tâm dữ liệu của tập đoàn tăng trưởng đáng kể, ước tính năm nay tăng trưởng hơn 24%.
Theo ông Frisio, việc cấp bách trước mắt là tăng hiệu quả sử dụng năng lượng. Công nghệ hiện tại chẳng hạn hệ thống điện trung áp không gián đoạn (UPS) HiPerGuard cho phép cải thiện hiệu quả ngay lập tức. Ngoài ra cũng cần chuyển sang làm mát bằng chất lỏng vì công suất của máy chủ thời gian tới sẽ tăng 4 - 6 lần.
Và chủ tịch ABB không quên nhắc đến điện hạt nhân. Thời gian gần đây lần lượt Microsoft, Google, Amazon ký kết hợp đồng mua điện từ nhiều lò phản ứng dạng module nhằm phục vụ cuộc đua phát triển AI.
Bên cạnh điện hạt nhân cùng công nghệ làm mát bằng chất lỏng, một số người trong ngành lập luận AI phát triển cũng giúp trung tâm dữ liệu hoạt động “xanh” hơn. Chẳng hạn cựu giám đốc điều hành Google Eric Schmidt vào tháng trước nói rằng: “Dù sao thì chúng ta cũng sẽ không đạt được các mục tiêu về khí hậu, nên đầu tư vào AI có thể đóng vai trò then chốt trong nỗ lực giải quyết loạt thách thức môi trường lớn nhất”.
Tiến sĩ Joshi chỉ ra đây là quan điểm công nghệ sẽ cứu con người. Bà bác bỏ quan điểm này.
Làn sóng đầu tư vào trung tâm dữ liệu sẽ tăng tốc trong vài năm tới - Ảnh: CNBC
Điện toán lượng tử
Giám đốc điều hành công ty điện toán lượng tử Quantinuum Raj Hazra khẳng định cơ sở hạ tầng cần thiết cho AI phải được xây dựng. Tuy nhiên ông thừa nhận: “Dù cho tuyệt vời thế nào thì AI cũng đem lại 2 thách thức. Một là nó có bền vững về mặt tài nguyên không? Hai là liệu nó có trách nhiệm không? Tôi nêu ra thách thức vì lượng tử rất quan trọng đối với cả hai”.
Điện toán lượng tử chỉ lĩnh vực khoa học máy tính sử dụng các định luật của cơ học lượng tử để giải quyết vấn đề cực kỳ phức tạp. Theo giám đốc Hazra, một trong những đóng góp lớn của lượng tử cho xã hội là có thể làm cho AI vừa bền vững vừa có trách nhiệm.
“Tôi dự đoán trong 3 - 5 năm tới, bạn sẽ thấy hạ tầng điện toán hỗ trợ điều hành doanh nghiệp là sự kết hợp của điện toán hiệu suất cao, AI và lượng tử”, ông Hazracho biết.
Cẩm Bình
Nguồn Một Thế Giới : https://1thegioi.vn/no-luc-giai-con-khat-nang-luong-cho-ai-225676.html