Lực lượng cảnh sát giao thông tỉnh Quảng Trị tăng cường tuần tra xử lý vi phạm -Ảnh: M.T
Việc giải thể công an cấp huyện đồng nghĩa với việc lực lượng CSGT tỉnh phải đảm nhận thêm nhiều nhiệm vụ vốn trước đây do công an huyện thực hiện. Điều này dẫn đến khối lượng công việc tăng lên đáng kể, trong khi nhân sự không được bổ sung kịp thời. Sau khi giải thể công an cấp huyện, nhiều cán bộ, chiến sĩ được điều động về công an cấp xã hoặc các đơn vị khác, dẫn đến tình trạng thiếu hụt nhân lực tại lực lượng CSGT tỉnh.
Theo quyết định được công bố đầu tháng 3/2025, các chức năng như điều tra hình sự, quản lý hành chính, trật tự an toàn xã hội, an ninh, giao thông, phòng cháy, chữa cháy... trước đây do công an cấp huyện đảm nhận, nay được giao lại cho các đơn vị thuộc Công an tỉnh và công an xã, phường, thị trấn. Trong đó, lực lượng CSGT tỉnh Quảng Trị tiếp nhận toàn bộ nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm giao thông trên các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ và nhiều tuyến đường liên xã, liên huyện trước đây do CSGT huyện phụ trách.
Thượng tá Hoàng Văn Trung, Trưởng Phòng CSGT, Công an tỉnh Quảng Trị cho biết: “Sau khi giải thể công an cấp huyện, nhiều cán bộ, chiến sĩ được điều động về công an cấp xã hoặc chuyển sang các đơn vị chuyên môn khác. Điều này tạo ra khoảng trống về lực lượng tại Phòng CSGT tỉnh. Trong khi đó, nhiệm vụ công việc lại gia tăng, đặc biệt là việc quản lý các tuyến đường trọng điểm như Quốc lộ 1, Quốc lộ 9, đường Hồ Chí Minh nhánh Tây - những tuyến đường có mật độ giao thông lớn, thường xuyên xảy ra tai nạn hoặc có nguy cơ cao về an toàn giao thông. Bên cạnh đó, trang thiết bị phục vụ công tác tuần tra, kiểm soát như xe tuần tra, máy đo tốc độ, máy đo nồng độ cồn... chưa được bổ sung đầy đủ, ảnh hưởng đến hiệu quả công việc”.
Quảng Trị là tỉnh có vị trí chiến lược, là cửa ngõ kết nối Bắc - Nam, Đông - Tây, là nơi giao cắt giữa nhiều tuyến giao thông quan trọng. Quốc lộ 1 chạy xuyên suốt chiều dài tỉnh; Quốc lộ 9 nối từ TP. Đông Hà đến Cửa khẩu quốc tế Lao Bảo; đường Hồ Chí Minh nhánh Tây đi qua các huyện miền núi như Hướng Hóa, Đakrông đều là những tuyến đường có vai trò huyết mạch trong giao thương và quốc phòng - an ninh. Sau khi giải thể công an cấp huyện, Phòng CSGT Công an tỉnh triển khai các tổ công tác thường trực tại nhiều điểm nóng trên địa bàn, nhưng do thiếu nhân lực và phương tiện, việc duy trì kiểm soát liên tục trở nên khó khăn.
“Chúng tôi không đủ quân số để cùng lúc kiểm soát các tuyến đường lớn trong trường hợp xảy ra tình huống khẩn cấp hoặc khi có đợt cao điểm. Tuy nhiên, với quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ, cán bộ, chiến sĩ lực lượng CSGT luôn nỗ lực cố gắng khắc phục khó khăn, tăng ca, tăng lượt tuần tra trong một ngày. Mỗi cán bộ, chiến sĩ phải làm việc gấp 1,5 lần so với trước đây. Trong kỳ nghỉ lễ 30/4, 1/5 vừa qua, lực lượng CSGT tổ chức 130 đợt tuần tra kiểm soát với gần 600 lượt cán bộ, chiến sĩ tham gia. Qua đó, phát hiện 282 trường hợp vi phạm, phạt tiền tổng cộng hơn 1 tỉ đồng, tước và trừ điểm giấy phép lái xe đối với 67 trường hợp, tạm giữ 52 phương tiện. So với dịp lễ 30/4, 1/5 năm trước thì số trường hợp vi phạm giảm 471 trường hợp, số tiền phạt giảm hơn 625 triệu đồng. Trong số các trường hợp vi phạm trật tự ATGT dịp lễ năm nay, có 41 người điều khiển mô tô, ô tô vi phạm nồng độ cồn; 65 tài xế ô tô và mô tô vi phạm tốc độ; còn lại là các hành vi vi phạm khác,Trung tá Nguyễn Lý Tưởng, Đội trưởng Đội CSGT đường bộ, Phòng CSGT Công an tỉnh cho hay.
Hiện nay, vấn đề an toàn giao thông trên các tuyến này luôn tiềm ẩn rủi ro do lưu lượng phương tiện tăng cao, nhất là xe tải, container, xe khách đường dài. “Một vụ tai nạn xảy ra tại Quốc lộ 1 hay Quốc lộ 9 có thể gây ách tắc hàng giờ nếu không có lực lượng kịp thời có mặt. Nhưng hiện nay, chúng tôi không thể điều động lực lượng nhanh như trước do không còn công an huyện để phối hợp tại chỗ”, ông Tưởng cho biết thêm.
Sự thay đổi về tổ chức cũng kéo theo những xáo trộn trong cơ chế chỉ huy, điều hành. Trước đây, mỗi đội CSGT huyện trực thuộc công an huyện có sự phân cấp rõ ràng và linh hoạt trong triển khai nhiệm vụ địa bàn nhưng nay, mọi chỉ đạo đều tập trung về tỉnh, dẫn đến tình trạng quá tải trong chỉ huy và thiếu chủ động tại các điểm xa trung tâm.
Thực tế cho thấy, mỗi khi có tình huống phát sinh, lực lượng tại chỗ phải chờ chỉ đạo từ Phòng CSGT cấp tỉnh, điều này làm giảm khả năng ứng biến và kéo dài thời gian phản ứng. Cơ chế phối hợp giữa lực lượng CSGT tỉnh và công an xã vẫn đang trong quá trình hoàn thiện, trong khi lực lượng xã thường chưa có đầy đủ kỹ năng chuyên môn và thiết bị để xử lý các tình huống giao thông phức tạp.
Thượng tá Hoàng Văn Trung, Trưởng Phòng CSGT Công an tỉnh Quảng Trị khẳng định: “Dù gặp nhiều khó khăn ban đầu, nhưng chúng tôi vẫn tin tưởng mô hình tinh gọn sẽ phát huy hiệu quả trong dài hạn. Đây là bước đi có tính bước ngoặt nên khó khăn hiện nay là không thể tránh khỏi, nhưng nếu có sự phối hợp đồng bộ giữa các cấp, ngành cùng với quyết tâm cao từ đội ngũ cán bộ, chiến sĩ, tôi tin rằng lực lượng CSGT sẽ sớm thích nghi và hoạt động ngày càng hiệu quả hơn”.
Minh Tuấn