Thời gian qua, trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa có nhiều dự án chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác để thực hiện các công trình, dự án. Chủ đầu tư các dự án này đều phải nộp tiền trồng rừng thay thế về Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh để tiến hành trồng lại rừng, bù cho những diện tích đã chuyển đổi mục đích sử dụng. Còn các cơ quan chức năng, đơn vị chủ rừng đã nỗ lực triển khai công tác trồng rừng thay thế nhằm đảm bảo tỷ lệ che phủ rừng của tỉnh.
Năm 2024, dù gặp nhiều khó khăn, song Ban Quản lý rừng phòng hộ Nam Khánh Hòa đã nỗ lực để hoàn thành việc trồng rừng thay thế đối với diện tích hơn 35ha kế hoạch năm 2023 chuyển sang trồng năm 2024; hoàn thành trồng rừng thay thế đối với diện tích hơn 23,8ha khi chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác để thực hiện Dự án thành phần 1 thuộc Dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột giai đoạn 1. Đơn vị đã hoàn thành cơ bản việc trồng rừng thay thế những diện tích được UBND tỉnh giao tiến hành trồng rừng thay thế đối với các dự án có chuyển mục đích sử dụng rừng như: Dự án Hồ chứa nước Ka Tơ (huyện Khánh Sơn); Dự án thành phần đầu tư xây dựng cao tốc Vân Phong - Nha Trang thuộc Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía đông giai đoạn 2021 - 2025… Ngoài ra, đơn vị cũng đang triển khai các thủ tục liên quan để sớm tiến hành trồng rừng thay thế đối với diện tích có chuyển mục đích sử dụng rừng để thực hiện các dự án: Đường giao thông Quốc lộ 27C đến đường tỉnh ĐT.656 tỉnh Khánh Hòa - kết nối tỉnh Lâm Đồng và tỉnh Ninh Thuận; đầu tư xây dựng công trình hồ chứa nước Sông Chò 1.
Đưa cây giống lên hiện trường trồng rừng tại Ban Quản lý rừng phòng hộ Nam Khánh Hòa.
Theo ông Dương Văn Minh - Phó Giám đốc Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh, từ năm 2016 đến nay, toàn tỉnh có 16 dự án có chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác để thực hiện các dự án, với tổng diện tích hơn 1.879ha, tổng kinh phí thực hiện gần 147,5 tỷ đồng. Toàn bộ diện tích này đã được giao cho các đơn vị chủ rừng nhà nước trên địa bàn tỉnh thực hiện trồng rừng thay thế. Đến nay, có hơn 808,9ha đã hoàn tất quá trình đầu tư và hơn 1.070ha đang trong giai đoạn đầu tư. Riêng năm 2024, UBND tỉnh đã giao nhiệm vụ trồng rừng thay thế cho các đơn vị chủ rừng nhà nước với tổng diện tích hơn 803,7ha. Tính đến đầu tháng 12-2024, có hơn 244ha đã trồng xong, hơn 112,8ha đang được thực hiện trên hiện trường; hơn 223,8ha đã tập kết cây giống, chuẩn bị hiện trường để tiến hành trồng; số còn lại đang thực hiện các thủ tục đầu tư, hồ sơ để đấu thầu thi công.
Một diện tích rừng trồng thay thế được Ban Quản lý rừng phòng hộ Bắc Khánh Hòa trồng xong.
Thực tế, công tác trồng rừng thay thế trên địa bàn tỉnh gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp nhận, quản lý, phân bổ và sử dụng tiền trồng rừng thay thế, nhất là vướng mắc liên quan đến quy định việc thẩm định, phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu; quy định về công tác thẩm định hồ sơ quyết toán và quyết toán nguồn kinh phí trồng rừng thay thế… Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chỉ đạo, hướng dẫn các đơn vị được giao nhiệm vụ trồng rừng thay thế tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ hoàn tất các thủ tục đầu tư, đôn đốc các nhà thầu thi công trồng rừng đúng tiến độ, chất lượng. Đoàn kiểm tra, giám sát trồng rừng thay thế của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đã đi kiểm tra thực tế tại hiện trường, đôn đốc chủ đầu tư, nhà thầu thi công, tháo gỡ từng khó khăn, vướng mắc cho các đơn vị để đẩy nhanh tiến độ thực hiện. Để đảm bảo công tác trồng rừng thay thế cho các dự án có chuyển mục đích sử dụng rừng, trong thời gian tới, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh cần chủ động triển khai kế hoạch, giám sát công tác này tại các đơn vị được giao kinh phí thực hiện nhiệm vụ trồng rừng thay thế; bám sát hoạt động trồng rừng thay thế của các đơn vị, đánh giá khối lượng, chất lượng thi công để thanh toán, giải ngân số vốn đầu tư đúng, đủ theo hợp đồng…
Tại cuộc họp Hội đồng Quản lý Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh cuối năm 2024, ông Lê Hữu Hoàng - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, Chủ tịch Hội đồng quản lý quỹ nhấn mạnh: Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có nhiều dự án có chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác. Để các dự án triển khai kịp tiến độ, đảm bảo quy định về trồng rừng thay thế đối với những diện tích rừng có chuyển mục đích sử dụng, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh cần tập trung thực hiện việc thu tiền trồng rừng thay thế từ các chủ đầu tư dự án, nhà đầu tư; kịp thời tham mưu UBND tỉnh phân bổ nguồn kinh phí cho các tổ chức, cá nhân đủ điều kiện để trồng rừng thay thế; đảm bảo việc phân bổ kinh phí không quá 12 tháng kể từ khi chủ đầu tư nộp tiền trồng rừng thay thế.
HẢI LĂNG