Sinh thời, nhà văn Băng Sơn (1932-2010) tâm nguyện: “Phải viết văn mới diễn tả được hết những điều chất chứa trong lòng về con người, cuộc sống, về quê hương, đất nước, đặc biệt là về Hà Nội mến yêu”. Và rồi, “Với lối viết chân thực, kỳ công, cộng với vốn sống phong phú về Hà Nội, nhà văn Băng Sơn đã cho ra đời những tác phẩm đậm chất Hà thành, ghi dấu ấn không bao giờ phai trong lòng độc giả. Thông qua những áng văn chương, nhà văn Băng Sơn đã làm sống lại những ký ức về lịch sử văn hóa Hà Nội”, nhà văn Hữu Thỉnh, nguyên Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, nhận xét.
Không chỉ vậy, ông sống thi vị trong từng hành động, từng lời ăn tiếng nói. Lần nào tôi đến thăm nhà ông cũng thích thú cái cảnh, bà nhà, sau hơn 50 năm chung sống, tuồng như vẫn vẹn nguyên tình yêu nồng cháy thuở ban đầu. Sau khi đi rót nước mời khách, ý tứ sửa lại cho ông cái cổ áo thì lui ra phía sau, ngồi bên mép giường ngắm chồng trò chuyện cùng khách ở bàn nước ngát hương hoa mùa nào thức ấy.
Hơn 50 năm làm vợ làm chồng, ông bà vẫn xưng anh - em với nhau trìu mến. Một lần ông đã kể: “Có đúng một lần, trong lúc nặng lời, bà ấy xưng tôi. Tôi nhắc: “Ơ, sao em lại xưng tôi với anh?”. Thế là cười, hết cả giận. Mỗi khi bà ấy bực bội, chỉ cần nghiêm mặt là tôi nhịn ngay và ngược lại, nếu tôi cáu kỉnh thì bà ấy sẽ hiểu ý không nói thêm gì nữa”. Trong bữa ăn, anh con trai đã 50 tuổi, sắp lên chức ông, vô tình cầm cả đôi đũa trên tay lúc chan canh, ông vẫn nhỏ nhẹ nhắc: “Con vội gì mà không bỏ được đôi đũa xuống mâm”…
Tôi rất thích quan sát các bữa ăn, cả trong gia đình hay ngoài quán xá. Để vui lây khi thấy người ta mời nhau ăn món này, uống món nọ, để ý lấy cho nhau từng vụn thức ăn dính mép, giắt răng. Và buồn tê tái khi thấy cảnh người ta ngồi ăn với nhau mà mỗi người cắm mặt vào một cái điện thoại, chẳng chuyện trò thân tình gì. Thậm chí có người ảo tưởng quyền lực, đi ăn uống cũng chỉ đạo người này, quát tháo người kia...
Với tùy bút ẩm thực, Băng Sơn không chỉ tán thưởng về những miếng ăn, ngụm uống mà từ cách chuẩn bị bữa ăn, cách ngồi ăn, tiếp đãi nhau… mà ông kỳ công đãi ngọc của người xưa, kẻ nay để khắc họa cả một nếp sống văn hóa. Thì đây, các cụ chả bảo chỉ qua một bữa ăn, ta cũng đoán ra tâm tính con người là gì.
“Trong một bữa rượu, đang ăn, cụ Đề Thám thét quân hầu lôi hai tướng Cả Huỳnh, Cả Trọng - đều là con trai và đang ngồi cùng ăn với mình - ra chém. Mọi người ngơ ngác không hiểu tại sao. Cụ mới nói:
- Ta gắp miếng thịt gà, chặt chưa đứt, nó cứ lằng nhằng mãi. Bay không đứa nào gỡ giúp ta. Chỉ một việc nhỏ như thế mà bay không giúp thì khi ra trận, cái sống cái chết kề bên, ta còn mong gì…
Các ông sụp lạy. Cụ cười khà khà và bữa rượu lại được tiếp tục. Xem thế, đủ thấy miếng ăn không phải chuyện đùa được…”.
(trích Món luộc)
Tôi ám ảnh mãi chỉ với vài dòng này. Đến độ, từng kiên quyết từ chối một tình bạn chớm nở chỉ vì dự một bữa ăn mà không thấy được không khí đầm ấm, nét thanh nhã của gia đình ấy. Nhất là sau đó, một lần người con kể chuyện rằng gia đình mình rất bình đẳng trong ăn uống. Trong bữa ăn, bố anh ấy thích chấm thịt lợn luộc với nước mắm cốt. Anh ấy thì thích chấm với muối tiêu chanh ớt. Điều đáng nói là sự bình đẳng bị đẩy lên thái quá khi “tôi thấy bát nước mắm của bố tôi hết nhẵn, nhưng ông không nói gì, và tôi cũng kệ”, anh dửng dưng kể về một tình huống trong bữa ăn của hai bố con.
Tôi cũng đã gặp nhiều gia đình, nếu người vợ không ăn cá da trơn, thịt bò, thịt dê chẳng hạn, thì bà ấy sẽ không bao giờ nấu món đó. Vì bà sợ phải chế biến chúng, sợ mùi của chúng. Và cả gia đình cũng thông cảm với điều đó. Nếu các thành viên còn lại muốn ăn thì sẽ tự đi chế biến các món đó thay người nội trợ. Nhưng tôi cũng được nghe kể về cách ông nội tôi chăm chút bữa ăn của con cái. Tháng 2-1963, bố tôi, 18 tuổi, nhân chuyến công tác, ghé thăm nhà trước khi đi B chiến đấu. Ông nội đã tự tay thịt một con chó và chế biến thành nhiều món hấp dẫn, ngon lành để bà nội, bố tôi và các cô chú ăn liên hoan. Phần ông, đến bữa ăn thì ông đi chỗ khác ăn vì không ăn thịt chó, sợ ngồi cùng mâm sẽ làm cả nhà cảm thấy mất ngon. Đó là bữa ăn đặc biệt nhất của bố tôi mỗi khi nhớ về ông.
Tôi rất thích quan sát các bữa ăn, cả trong gia đình hay ngoài quán xá. Để vui lây khi thấy người ta mời nhau ăn món này, uống món nọ, để ý lấy cho nhau từng vụn thức ăn dính mép, giắt răng. Và buồn tê tái khi thấy cảnh người ta ngồi ăn với nhau mà mỗi người cắm mặt vào một cái điện thoại, chẳng chuyện trò thân tình gì. Thậm chí có người ảo tưởng quyền lực, đi ăn uống cũng chỉ đạo người này, quát tháo người kia...
Jacqueline Burgoyne và David Clark (1983), những người nghiên cứu về ly hôn trong xã hội Anh, cho thấy hầu hết các cuộc tranh cãi giữa các cặp vợ chồng trước khi ly hôn đều diễn ra vào giờ ăn, từ đó phát triển thành một cuộc khẩu chiến. Mặt khác, trong những cuộc tái hôn, bữa ăn trở thành dịp gặp gỡ gia đình vui vẻ cho các cặp đôi.
Tôi từng sống hơn mười năm một mình ở Sài Gòn, mỗi tháng chỉ ra Hà Nội thăm nhà được khoảng một tuần. Cách đây chín năm, một lần gặp lại bạn cũ thời học cấp hai, mấy đứa đi ăn và hàn huyên chuyện quê hương bản quán, gia đình, công việc. Một anh bạn, thời đi học cũng không thân thiết gì với tôi cho lắm, nhưng hôm đó đã khuyên tôi một câu chí tình. Anh ấy bảo: “Ông thử tính đi xem còn ăn cơm được với bố mẹ bao nhiêu bữa nữa? Thế mà cứ biền biệt ở trong này làm gì?”. Tôi lặng người, nhớ ra thực tại cả tháng mới ăn cơm được với gia đình vài bữa. Và cũng đã lâu lắm rồi tôi không ngủ trong ngôi nhà ở quê với bố mẹ, để sáng hôm sau nghe mẹ trách yêu: “Mấy bố con thi nhau ngáy vang nhà”...
Thế là rất nhanh sau đó, tôi quyết định chuyển về lại Hà Nội. Bây giờ thì gia đình tứ đại đồng đường của chúng tôi, ngày thường một nửa lên phố bươn chải, một nửa ở nhà đa canh. Cuối tuần, nếu không bận rộn gì, đội thành phố vẫn trở về quê để cả đại gia đình gần 30 người tề tựu vui như Tết. Mỗi lần tận hưởng cảnh sum vầy ấy, tôi đều biết ơn câu hỏi của anh bạn “còn ăn cơm được với bố mẹ bao nhiêu bữa nữa?”.
Đỗ Quang Tuấn Hoàng