Nỗi đau khắc khoải trong bài thơ 'Tìm mẹ'

Nỗi đau khắc khoải trong bài thơ 'Tìm mẹ'
2 giờ trướcBài gốc
Tìm mẹ
Mẹ ơi, mẹ ở đâu?
Con tìm mấy ngày rồi
Làng Nủ bị cuốn trôi
Làng Nủ trở về nguyên thủy!
Mẹ ơi, mẹ nằm đâu
Chiều rồi, mẹ lạnh không?
Con chạy tắt qua đồng
Con lội băng qua suối.
Mẹ ơi, mẹ về đi
Bếp nhà ta cần lửa
Nương nhà ta cần ngô
Và con cần có mẹ!
Mẹ ơi, mẹ ở đâu?
Mực nước sông xuống thấp
Vệt bùn cũng khô cong
Nghẹn lòng con bật khóc
Ngoài trời lại tuôn mưa!
SƠN TRẦN
Trong văn chương, hình ảnh người mẹ và tình mẫu tử luôn là nguồn cảm hứng bất tận cho các nhà thơ, nhà văn, bởi đó là tình cảm thiêng liêng, sâu sắc của con người. Đó có thể là hình ảnh người mẹ tần tảo lo cho con miếng cơm, manh áo hay người mẹ mạnh mẽ, kiên cường trong những hoàn cảnh khó khăn.
Trong bài thơ “Tìm mẹ” của Sơn Trần, tình mẫu tử lại hiện lên dưới một góc nhìn đau thương, khắc khoải khi đứa trẻ tìm mẹ giữa khung cảnh đổ nát sau thiên tai. Tác giả đã khắc họa nỗi mất mát lớn lao và sự bất lực trước sự tàn khốc của thiên nhiên, đồng thời tôn vinh tình yêu mãnh liệt của con trai dành cho mẹ.
Bài thơ được tác giả viết rất nhanh sau khi xem đoạn video về cậu bé Phúc dùng cuốc nỗ lực tìm mẹ trên từng mét đất ở làng Nủ (Lào Cai) sau trận lũ quét khủng khiếp vừa qua. Đoạn video ngắn ấy đã làm nhói lòng biết bao người.
Mở đầu bài thơ là tiếng gọi tha thiết “Mẹ ơi, mẹ ở đâu?”, như một lời cầu khẩn trong cuộc tìm kiếm mẹ. Tiếng gọi mẹ thổn thức của đứa con bé bỏng, vừa chất chứa yêu thương, vừa hốt hoảng, lo lắng. Chỉ với vài từ đơn giản, tác giả đã thành công trong việc lột tả nỗi đau mất mát lớn lao khi mẹ không còn ở bên. Đứa trẻ dường như không thể chấp nhận thực tế mẹ đã không còn và tiếp tục tìm kiếm, hy vọng mẹ sẽ trở về như bao lần khác.
Khung cảnh làng Nủ bị cuốn trôi trong dòng lũ dữ làm nền cho sự mất mát ấy. Câu thơ “Làng Nủ bị cuốn trôi/ Làng Nủ trở về nguyên thủy!” tạo ra một hình ảnh đối lập sâu sắc. Làng Nủ thuộc xã Phúc Khánh, huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai là ngôi làng xinh xắn nép dưới chân núi Voi, nơi có 167 hộ với 760 người dân tộc Tày quây quần sinh sống. Cư dân nơi đây một năm trồng hai vụ lúa, ngô, sắn. Trận lở núi Voi rạng sáng 10/9/2024 đã khiến 37 hộ bị vùi lấp, hàng trăm người bị ảnh hưởng, ngôi làng đã bị xóa sổ trong chớp mắt. Đó là một cảnh tượng kinh hoàng chưa từng thấy!
Giờ đây, ngôi làng xinh xắn ấy đã trở thành một bãi đất hoang tàn, trở về nguyên trạng của tự nhiên. Từ “nguyên thủy” trong bài thơ mang tính ẩn dụ mạnh mẽ, biểu thị sự quay trở về của đất trời sau khi tất cả dấu vết của con người bị xóa sạch. Đây là hình ảnh rất thật về sức mạnh tàn khốc của thiên tai nhưng cũng là một bức tranh u ám về sự bất lực của con người khi phải đối mặt với sự hủy diệt của thiên nhiên.
Sự tuyệt vọng càng trở nên rõ nét hơn khi đứa trẻ tiếp tục cuộc hành trình tìm kiếm mẹ: “Mẹ ơi, mẹ nằm đâu/ Chiều rồi, mẹ lạnh không?/ Con chạy tắt qua đồng/ Con lội băng qua suối”.
Những câu thơ ngắn gọn, dồn dập cho thấy sự hoảng loạn, cuống cuồng của đứa trẻ. Em bất chấp mọi hiểm nguy, băng qua mọi địa hình khắc nghiệt để tìm mẹ. Sự quyết tâm ấy không chỉ nói lên tình yêu thương, nỗi xót xa của con dành cho mẹ mà còn là sự yếu đuối, bất lực của một tâm hồn non nớt trong cơn khủng hoảng.
Một trong những khía cạnh đặc biệt của bài thơ là sự lặp đi, lặp lại của tiếng gọi, lời hỏi mà không một lời hồi đáp “Mẹ ơi, mẹ ở đâu?/ “Mẹ ơi mẹ nằm đâu?/ Mẹ ơi mẹ về đi!". Những tiếng gọi này không chỉ thể hiện sự lo lắng, bồn chồn của con mà còn như một lời cầu nguyện, một sự mong mỏi mong manh. Tình mẫu tử thiêng liêng trở thành nguồn sống duy nhất của đứa trẻ giữa cơn bão tố. Không chỉ là việc tìm lại mẹ, đứa trẻ còn muốn tìm lại sự bình yên của cuộc sống trước đây.
"Bếp nhà ta cần lửa/ Nương nhà ta cần ngô/ Và con cần có mẹ!". Ba câu thơ này đơn giản mà thấm đẫm tình cảm, thể hiện mong muốn của đứa trẻ về một sự bình thường trở lại, nơi cuộc sống được tiếp tục với hình bóng người mẹ. Tuy nhiên, hiện thực lại quá nghiệt ngã. Hình ảnh “Mực nước sông xuống thấp/ Vệt bùn cũng khô cong” là dấu hiệu rõ ràng cho thấy mẹ không có ở đó nhưng đứa trẻ vẫn không ngừng tìm kiếm trong vô vọng. Đứa trẻ như đang cố chấp níu kéo những gì đã mất như thể mẹ vẫn còn đâu đó, chỉ cần thêm chút thời gian để tìm thấy. Nhưng thiên nhiên vẫn lạnh lùng với số phận con người.
Bài thơ kết thúc với một nốt trầm đầy bi thương: "Ngoài trời lại tuôn mưa!". Cơn mưa ở đây không chỉ là mưa mà còn là nước mắt, là tiếng khóc của trời đất, hòa cùng nỗi đau của đứa trẻ.
Qua bài thơ “Tìm mẹ”, nhà thơ Sơn Trần đã thành công trong việc truyền tải một cách chân thực nỗi đau mất mát và cảm giác lạc lõng, cô độc của những người phải gánh chịu hậu quả khắc nghiệt của thiên tai. Hình ảnh đứa trẻ tìm mẹ trong bài thơ cũng có thể hiểu rộng hơn, đại diện cho sự bất lực của con người khi đối mặt với những thảm họa tự nhiên.
“Tìm mẹ” là một bài thơ sâu sắc, không chỉ phản ánh nỗi đau cá nhân của một đứa trẻ mất mẹ mà còn chứa đựng những suy tư về tình người. Tác phẩm để lại cho người đọc nhiều cảm xúc lắng đọng, từ xót xa, nghẹn ngào đến đồng cảm và suy ngẫm về tình yêu gia đình, cũng như nỗi ám ảnh, day dứt, sự bất lực của con người trước những biến động khôn lường của tự nhiên.
NGUYỄN LAN ANH
Nguồn Hải Dương : https://baohaiduong.vn/noi-dau-khac-khoai-trong-bai-tho-tim-me-394531.html