Nói dối cũng gây hại cho não bộ của chúng ta?

Nói dối cũng gây hại cho não bộ của chúng ta?
8 giờ trướcBài gốc
(Ảnh: Vietnam+)
Có lẽ không có ai trong cuộc đời mình chưa từng đôi lần nói dối. Tuy nhiên, một nghiên cứu đăng tải trên tạp chí Nature Neuroscience đã đưa ra cảnh báo bạn hãy giữ vững sự trung thực, bởi những lời nói dối, dù nhỏ nhặt đến đâu, cũng có thể dẫn đến hậu quả ngày càng nghiêm trọng.
Ngoại trừ những tình huống bất khả kháng, việc tránh xa lời nói dối là điều cần làm. Không chỉ ảnh hưởng tiêu cực đến tâm lý, lời nói dối còn gây hại cho sức khỏe, đặc biệt là đối với hoạt động của não bộ.
Khi bạn nói dối, não bạn có thay đổi gì?
Mỗi ngày, chúng ta lặp lại hàng trăm lần một lựa chọn quen thuộc: nói thật hay nói dối. Có những lúc chẳng cần suy nghĩ kỹ càng, lời nói dối bất giác thốt ra từ miệng. Trong những khoảnh khắc ấy, ta thường bỏ qua hoặc không mảy may để ý đến những hậu quả nặng nề mà những lời nói đó có thể mang lại.
Lời nói dối đòi hỏi một nỗ lực tư duy đáng kể. Khi chúng ta nói sự thật, mọi chuyện trở nên đơn giản: chỉ cần kể lại những gì mình nhớ, thuật lại chính xác các diễn biến đã xảy ra.
Nhưng khi lựa chọn nói dối, mọi thứ ngay lập tức phức tạp hơn. Bạn cần cân nhắc những chi tiết nào phải che giấu, đồng thời sáng tạo một câu chuyện thay thế hoàn toàn mâu thuẫn với thực tế nhưng vẫn phải đủ thuyết phục để chiếm lấy lòng tin của người nghe. Không chỉ vậy, bạn còn phải nghĩ ra lý lẽ để bảo vệ lời nói dối đó.
Bên cạnh đó, việc ghi nhớ chính xác và lâu dài câu chuyện do mình hư cấu là điều rất quan trọng, nhằm tránh bị lộ diện hay vô tình để lộ sự thật ở bất kỳ khoảnh khắc nào.
Tuy nhiên, việc nói dối có thể gây ra nhiều tác động tiêu cực. Như thường lệ, nếu chúng ta liên tục lặp lại một hành động, theo thời gian, nó sẽ biến thành một thói quen khó kiểm soát. Điều này đồng nghĩa với việc bạn có thể thực hiện hành động ấy một cách bản năng mà không cần suy xét hay cân nhắc.
Theo kết quả nghiên cứu, trong lúc con người nói dối, hình ảnh chụp não bộ cho thấy có đến 14 vùng não khác nhau được kích hoạt. Ngược lại, khi nói thật, chỉ có 7 vùng não tham gia hoạt động.
Điều này cho thấy rằng nói dối có thể khiến não bộ hoạt động nhiều hơn, bởi con người phải nỗ lực che giấu sự thật, tạo dựng lời nói dối và duy trì câu chuyện sao cho hợp lý, mạch lạc.
(Ảnh: Vietnam+)
Thói quen nói dối gây ra thay đổi gì trong cơ thể?
Theo nghiên cứu của một chuyên gia về hành vi nói dối, trung bình trong mỗi phút trò chuyện với người lạ, chúng ta có thể nói dối đến 3 lần, tương đương khoảng 10-200 lần trong một ngày.
Việc nói dối có thể tạo ra những tác động ngắn hạn đến cơ thể như làm giảm khả năng điều chỉnh cảm xúc và chức năng của hệ thần kinh tự chủ; dẫn đến tăng huyết áp, nhịp tim, co mạch, cùng với sự gia tăng các hormone căng thẳng. Những điều này làm cho cơ thể trở nên căng thẳng, cứng đờ và đau nhức.
Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng huyết áp và nhịp tim cao kéo dài có thể làm tăng tình trạng viêm và liên quan đến các bệnh như tuyến giáp, tiểu đường, cùng nhiều hội chứng chuyển hóa khác. Người thường xuyên nói dối có xu hướng có mức cortisol cao hơn trong cơ thể. Cortisol là hormone gây căng thẳng, và khi nồng độ của nó quá cao, nguy cơ viêm nhiễm, mất ngủ, lo âu và trầm cảm sẽ tăng.
Căng thẳng kéo dài còn gây ra các vấn đề như suy giảm hệ miễn dịch, đau lưng dưới, đau đầu và rối loạn kinh nguyệt. Hơn thế nữa, việc duy trì lời nói dối đòi hỏi rất nhiều năng lượng tiêu cực về mặt tinh thần và thể chất, bởi vì khi nói dối, bạn phải đầu tư nỗ lực và lên kế hoạch thay vì để mọi thứ tự nhiên từ trái tim. Sau khi nói dối, bạn cần tiêu hao thêm năng lượng để xử lý hậu quả và tránh bị phát hiện.
Những lời nói dối nghiêm trọng và ác ý hơn, chẳng hạn như việc lừa gạt nhà đầu tư, công chúng hoặc che giấu tội phạm, có thể gây tổn hại nặng nề cho cơ thể. Bởi vì những tình huống này giữ cho não bộ trong trạng thái cảnh giác cao độ, mức độ căng thẳng sẽ tăng cùng với mức độ nghiêm trọng của lời nói dối./.
(Vietnam+)
Nguồn VietnamPlus : https://www.vietnamplus.vn/noi-doi-cung-gay-hai-cho-nao-bo-cua-chung-ta-post1024417.vnp