Khi nói đến Đức Phật Thích Ca Mâu Ni – bậc giác ngộ sáng lập đạo Phật – nhiều người sẽ nghĩ ngay đến Ấn Độ cổ đại. Tuy nhiên, nếu đặt câu hỏi cụ thể hơn rằng nơi Đức Phật ra đời là địa điểm nào hiện nay, câu trả lời lại đòi hỏi sự phân tích kỹ càng về mặt địa lý, lịch sử và khảo cổ học hiện đại.
Theo sự phân chia địa lý ngày nay, nơi Đức Phật đản sinh và kinh thành của hoàng tộc Thích Ca nằm ở quốc gia nào? Bài viết này sẽ đưa bạn quay ngược dòng lịch sử hơn 2.600 năm để khám phá nơi Đức Phật ra đời, cũng như vị trí hiện tại của kinh thành Ca Tỳ La Vệ (Kapilavastu) – quê hương hoàng gia của Ngài.
Vườn Lâm Tì Ni nơi Đức Phật đản sinh
Theo các tài liệu Phật giáo, Đức Phật Thích Ca Mâu Ni, tên khai sinh là Thái tử Tất Đạt Đa Cồ Đàm (Siddhartha Gautama), ra đời năm 623 trước Công nguyên tại vườn Lâm Tì Ni (Lumbini), trong lúc mẹ ngài – hoàng hậu Ma Da (Maya) - đang trên đường trở về quê ngoại để sinh con.
Vườn Lâm Tì Ni hiện nay nằm ở phía nam Nepal, gần biên giới với Ấn Độ, thuộc huyện Rupandehi, tỉnh Lumbini. Đây là địa điểm hành hương thiêng liêng hàng đầu trong Phật giáo, được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới từ năm 1997.
Tranh minh họa cảnh Đức Phật ra đời tại vườn Lâm Tì Ni.
Tại đây có cột đá do vua A Dục (Ashoka) dựng vào thế kỷ III trước Công nguyên với dòng chữ khắc bằng chữ Brahmi cổ, xác nhận: “Đây là nơi Đức Phật đản sinh".
Ngoài ra, khu di tích còn có đền thờ Maya Devi, hồ Puskarini – nơi tương truyền hoàng hậu Ma Da tắm trước khi sinh, cùng hàng trăm tu viện và đền tháp do Phật tử từ nhiều quốc gia xây dựng.
Với bằng chứng khảo cổ và ghi chép lịch sử rõ ràng, Lâm Tì Ni ngày nay ở Nepal được công nhận là nơi Đức Phật chào đời.
Kinh thành Ca Tỳ La Vệ nơi Đức Phật lớn lên nằm ở đâu?
Sau khi ra đời tại vườn Lâm Tì Ni, Thái tử Tất Đạt Đa được đưa trở về kinh thành Ca Tỳ La Vệ (Kapilavastu) – thủ đô của tiểu quốc Thích Ca (Shakya), nơi cha Ngài là vua Tịnh Phạn (Suddhodana) trị vì.
Vậy kinh thành Kapilavastu hiện nay nằm ở đâu? Đây là một chủ đề gây tranh cãi suốt nhiều thập kỷ giữa giới khảo cổ học và thậm chí giữa hai quốc gia: Ấn Độ và Nepal. Có hai địa điểm chính được cho là tàn tích của kinh thành Ca Tỳ La Vệ cổ đại.
Một là Tilaurakot ở Nepal, nằm cách Lâm Tì Ni khoảng 27km về phía tây, được nhiều nhà khảo cổ quốc tế ủng hộ là vị trí khả tín nhất của Kapilavastu. Tại đây, các nhà khảo cổ đã phát hiện tường thành cổ bằng gạch và đất, dấu tích các cổng thành, đường phố, di vật hoàng gia, đồ gốm và tiền xu từ thời Đức Phật.
Tilaurakot có vẻ phù hợp với các mô tả trong văn bản Phật giáo nguyên thủy và có bằng chứng về hoạt động cư trú hoàng tộc kéo dài từ thế kỷ VII trước công nguyên đến thế kỷ I Công nguyên.
Hai là Piprahwa ở Ấn Độ, thuộc bang Uttar Pradesh, gần biên giới Nepal. Năm 1898, tại đây, nhà khảo cổ William Peppe khai quật một bảo tháp chứa bình xá lợi có ghi “xá lợi của Phật”. Khu vực này có nhiều di tích Phật giáo cổ đại, được chính phủ Ấn Độ bảo tồn như một điểm hành hương quan trọng.
Tuy nhiên, nhiều học giả nghi ngờ tính xác thực của dòng chữ trên bình xá lợi, cho rằng Piprahwa có thể là thành phố được dựng sau này để thờ Phật, chứ không phải nơi ngài sống thời niên thiếu.
Hiện nay, cộng đồng khảo cổ quốc tế thiên về giả thuyết Tilaurakot (Nepal) là kinh thành Ca Tỳ La Vệ thực sự, còn Piprahwa (Ấn Độ) có thể là di tích liên quan đến hậu kỳ Phật giáo. Tuy vậy, do thiếu bằng chứng tuyệt đối, cả hai địa điểm vẫn được tôn kính như nơi gắn với Đức Phật.
Việc xác định đúng nơi Đức Phật đản sinh và lớn lên không chỉ mang giá trị khảo cổ, mà còn có ý nghĩa tâm linh sâu sắc đối với hàng triệu Phật tử trên khắp thế giới, bởi lẽ đây là điểm khởi đầu của con đường giác ngộ, nơi hình thành nhân cách và lý tưởng của một bậc Phật.
Đây cũng là nơi gắn với những hình ảnh gần gũi nhất của Đức Phật khi còn là con người – như một thái tử, một người chồng, một người cha – trước khi trở thành bậc giác ngộ. Việc xác định đúng địa điểm cũng góp phần giữ gìn di sản văn hóa và tôn giáo nhân loại, khi các nước chung tay bảo tồn, tôn tạo và thúc đẩy du lịch tâm linh.
Tuy nhiên, dù nơi Đức Phật sinh ra nằm ở Nepal, và nơi ngài lớn lên có thể là Nepal hoặc Ấn Độ ngày nay thì điều cốt lõi không nằm ở địa danh hay biên giới quốc gia. Đức Phật Thích Ca Mâu Ni không thuộc riêng một dân tộc hay vùng lãnh thổ nào – ngài là bậc đạo sư của toàn nhân loại.
Tinh thần Phật giáo vốn đề cao tâm từ bi, trí tuệ và vô ngã, nên Phật tử không chấp vào hình tướng hay tranh chấp ranh giới, quan trọng nhất là học theo hạnh nguyện, trí tuệ và con đường giải thoát mà Đức Phật đã chỉ ra.
Nhật Minh