Từ khoảng một tháng nay, ông Đinh Văn Th., Tổng giám đốc một công ty xây dựng cầu khá nổi tiếng tại Hà Nội đôn đáo liên hệ các trường cao đẳng nghề xây dựng trên khắp 3 miền. Công ty hiện có hơn 500 kỹ sư, thợ kỹ thuật và cần tuyển dụng ngay 300 - 500 công nhân chuyên ngành cầu để có thời gian rèn giũa, tăng thêm kinh nghiệm “thực chiến”, chuẩn bị cho việc tham gia thi công công trình đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam, dự kiến khởi công sau khoảng 18 tháng nữa.
Cách đây 10 - 15 năm, thợ kỹ thuật chuyên ngành cầu thường được đào tạo từ hai nguồn: các trường cao đẳng thuộc các bộ chức năng và hệ thống trường công nhân kỹ thuật của các tổng công ty xây dựng công trình giao thông (CIENCO).
Sau khi các CIENCO được cổ phần hóa, hầu hết các trường công nhân kỹ thuật bị giải tán, nên cả nước chỉ có vài trường cao đẳng nghề quan tâm đến việc đào tạo công nhân ngành cầu. Tuy nhiên, do đặc thù của nghề này là công việc vất vả, thường xuyên xa nhà…, nên việc tuyển sinh của các trường cao đẳng nghề rất khó khăn, mỗi khóa đào tạo kéo dài 2 năm cũng chỉ cho ra trường vài trăm công nhân kỹ thuật.
Chính vì vậy, dù đã tìm tới các trường, sẵn sàng trả lương cao cho nhân sự, nhưng công ty của ông Th. chỉ tuyển được vài chục học viên. Tình hình tuyển dụng sẽ ngày càng khó khăn hơn, khi các nhà thầu xây dựng giao thông khác cũng bắt đầu có sự đầu tư lớn về nhân lực, thiết bị để hướng tới công trình thế kỷ - đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam.
Được biết, tuyến đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam có ít nhất 65% chiều dài tuyến (1.541 km) đi trên cao, thông qua hệ thống cầu cạn, đòi hỏi số lượng thợ cầu có tay nghề từ bậc 4 trở lên rất lớn, lên tới 20.000 - 30.000 người. Với công tác đào tạo như hiện nay, nguy cơ thiếu hụt công nhân kỹ thuật, đặc biệt là thợ kỹ thuật ngành cầu, ngành hầm là rất rõ ràng, nhất là khi các dự án đường sắt đô thị tại TP.HCM, Hà Nội và đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam được triển khai đồng loạt trong 2 - 3 năm tới.
Các dự án đường sắt, đặc biệt là đường sắt tốc độ cao, có tính chất phức tạp, yêu cầu rất cao về trình độ công nghệ, kỹ thuật và quy mô đầu tư. Theo kinh nghiệm quốc tế, việc xây dựng hệ thống đường sắt tốc độ cao được triển khai đồng thời với việc đào tạo và phát triển nguồn nhân lực bài bản từ sớm, tối thiểu 3 - 4 năm trước khi khởi công dự án. Trong khi đó, tới thời điểm hiện tại, nhân lực đường sắt chỉ chiếm khoảng 3% tổng nguồn nhân lực lĩnh vực giao thông và không có sự biến động cả về chất lượng cùng số lượng.
Ngay tại lĩnh vực quản lý nhà nước, quy mô đội ngũ cán bộ cũng được đánh giá là chưa tương xứng với quy mô và yêu cầu ngày càng cao của công tác quản lý ngành đường sắt. Hiện cả nước chỉ có 112 cán bộ đảm nhận chức năng quản lý nhà nước trên toàn quốc. Tỷ lệ cán bộ trẻ dưới 40 tuổi còn thấp (chiếm 16%) cho thấy nguy cơ thiếu hụt nhân lực kế cận trong tương lai gần.
Trong khối đầu tư xây dựng, đội ngũ tư vấn chuyên ngành đường sắt, do nhiều năm không có dự án, nên bị mai một nghiêm trọng. Lực lượng tư vấn từng rất mạnh với các đơn vị chuyên nghiệp (như Viện Nghiên cứu thiết kế đường sắt) nay chỉ còn khoảng 10 đơn vị đủ khả năng tham gia tư vấn dự án đường sắt.
Nhiều công ty tư vấn đã chuyển hướng đa ngành, dẫn tới thiếu hụt chuyên gia có kinh nghiệm sâu về đường sắt. Các nhà thầu trong nước hiện nay chủ yếu quen với công trình đường sắt truyền thống, chưa đủ năng lực độc lập triển khai các dự án hiện đại, phức tạp như đường sắt tốc độ cao.
Được biết, để giải quyết bài toán nhân sự đường sắt, Bộ Xây dựng vừa trình Chính phủ thông qua Đề án Phát triển nguồn nhân lực đường sắt Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 với nhiều cơ chế, chính sách đặc thù nhằm sớm hình thành đội ngũ nhân lực đường sắt đồng bộ, có trình độ chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp, năng lực công nghệ cao.
Trong bối cảnh thời gian chuẩn bị khởi công các đại dự án đường sắt không còn nhiều, yêu cầu cấp bách lúc này chính là ưu tiên bố trí nguồn lực để đào tạo nguồn nhân lực thi công xây dựng công trình đường sắt, đặc biệt là kỹ sư công trình, công nhân kỹ thuật đường sắt. Cơ chế thúc đẩy hợp tác giữa Nhà nước - nhà trường - doanh nghiệp; xây dựng cơ chế, mô hình hợp tác công - tư để kết hợp nguồn ngân sách nhà nước và nguồn vốn khu vực tư nhân thông qua đặt hàng đào tạo, phát triển nguồn nhân lực đường sắt được kỳ vọng là chìa khóa để giải quyết vấn đề này.
Đây cũng là mong muốn của hầu hết doanh nghiệp xây dựng hạ tầng giao thông, bởi việc có đủ nhân lực chất lượng không chỉ giúp đảm bảo tiến độ, chất lượng các công trình, mà còn quyết định sự thành công trong quá trình tiếp nhận, làm chủ công nghệ, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, góp phần thúc đẩy phát triển công nghiệp đường sắt hiện đại, tự chủ và bền vững.
Anh Minh