'Nới lỏng' chính sách cho nhập trở lại quốc tịch Việt Nam

'Nới lỏng' chính sách cho nhập trở lại quốc tịch Việt Nam
6 giờ trướcBài gốc
Các đại biểu dự phiên họp, sáng 17-5. Ảnh: QUANG PHÚC
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Hải Ninh trình bày tờ trình nêu rõ, các quốc gia trên thế giới đều đang có xu hướng mở rộng và linh hoạt hơn trong chính sách quốc tịch. Hiện nay, trên thế giới có 78 quốc gia áp dụng nguyên tắc một quốc tịch (trong đó có 51 quốc gia áp dụng nguyên tắc một quốc tịch triệt để và 27 quốc gia chấp nhận trường hợp công dân có hai quốc tịch trong các trường hợp ngoại lệ như: Áo, Na Uy, Hà Lan, Hàn Quốc...); có khoảng 66 quốc gia không có quy định về nguyên tắc một quốc tịch.
Cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài có khoảng 6 triệu người, sinh sống tại hơn 130 quốc gia, vùng lãnh thổ. Trong đó, tính đến tháng 3-2025 có 229.336 người được Chủ tịch nước cho thôi quốc tịch Việt Nam. Nhiều trường hợp trước đây đã xin thôi quốc tịch Việt Nam để nhập quốc tịch nước ngoài, nay bày tỏ nguyện vọng xin trở lại quốc tịch Việt Nam đồng thời vẫn giữ quốc tịch nước ngoài có xu hướng tăng.
Tổng Bí thư Tô Lâm và Chủ tịch nước Lương Cường cùng các đại biểu dự phiên họp, sáng 17-5. Ảnh QUANG PHÚC
Tính đến tháng 3-2025, Chủ tịch nước đã cho trở lại quốc tịch Việt Nam đối với 311 trường hợp, trong đó có 20 trường hợp được trở lại quốc tịch Việt Nam đồng thời giữ quốc tịch nước ngoài; cho nhập quốc tịch Việt Nam đối với 7.014 trường hợp, trong đó có 60 trường hợp được nhập quốc tịch Việt Nam đồng thời giữ quốc tịch nước ngoài (có 39/60 trường hợp là người nước ngoài thuộc diện có công lao đặc biệt đóng góp cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam và có lợi cho Nhà nước để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, đầu tư kinh doanh, thể thao).
Tờ trình nêu rõ, sau 17 năm triển khai thi hành, có một số quy định hiện hành của Luật Quốc tịch Việt Nam năm 2008 liên quan thủ tục nhập trở lại quốc tịch Việt Nam chưa thực sự tạo điều kiện cho cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài được có quốc tịch Việt Nam mà vẫn giữ quốc tịch nước ngoài, chưa thu hút được nhiều nguồn nhân lực chất lượng cao đóng góp vào sự phát triển của đất nước…
Do đó, Chính phủ trình sửa luật theo hướng “nới lỏng" chính sách cho nhập trở lại quốc tịch Việt Nam và đơn giản hóa thủ tục hành chính trong lĩnh vực quốc tịch nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho người nước ngoài, cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài về nước đầu tư, sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số...
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Hải Ninh trình bày tờ trình dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quốc tịch Việt Nam. Ảnh QUANG PHÚC
Dự thảo có nhiều sửa đổi, bổ sung quy định liên quan việc nhập quốc tịch Việt Nam nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các trường hợp có cha đẻ hoặc mẹ đẻ hoặc ông nội và bà nội, hoặc ông ngoại và bà ngoại là công dân Việt Nam; nhà đầu tư, nhà khoa học, chuyên gia nước ngoài... được nhập quốc tịch Việt Nam.
Như sửa đổi, bổ sung một số quy định nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người chưa thành niên nhập quốc tịch Việt Nam theo cha hoặc mẹ hoặc người chưa thành niên có cha đẻ hoặc mẹ đẻ hoặc ông nội và bà nội hoặc ông ngoại và bà ngoại là công dân Việt Nam; sửa đổi, bổ sung quy định theo hướng đối với người chưa thành niên xin nhập quốc tịch Việt Nam theo cha hoặc mẹ, người chưa thành niên có cha hoặc mẹ là công dân Việt Nam thì không cần đáp ứng điều kiện “có năng lực hành vi dân sự đầy đủ”…
Thẩm tra dự án, Ủy ban Pháp luật và Tư pháp tán thành sự cần thiết ban hành luật; tán thành trình tự, thủ tục giải quyết hồ sơ xin nhập, xin trở lại quốc tịch Việt Nam; tán thành việc quy định trong luật các điều kiện mang tính nguyên tắc đối với trường hợp được trở lại quốc tịch Việt Nam mà vẫn được giữ quốc tịch nước ngoài.
Về một số vấn đề cụ thể, Ủy ban cơ bản nhất trí bổ sung quy định “phải là người chỉ có một quốc tịch là quốc tịch Việt Nam” đối với một số trường hợp: người ứng cử, được bầu cử, phê chuẩn, bổ nhiệm giữ chức vụ, chức danh theo nhiệm kỳ; người được tuyển dụng, bổ nhiệm vào ngạch, chức vụ, chức danh vào các cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội ở trung ương và địa phương; người được tuyển dụng theo vị trí việc làm, làm việc tại các đơn vị sự nghiệp công lập; người làm việc trong tổ chức cơ yếu, người tham gia lực lượng vũ trang.
Ủy ban đồng thời cho rằng, việc quy định mang tính nguyên tắc trong dự thảo luật theo hướng không yêu cầu phải có một quốc tịch là quốc tịch Việt Nam đối với trường hợp có lợi cho Nhà nước Việt Nam, không làm phương hại đến lợi ích quốc gia của Việt Nam và giao Chính phủ quy định chi tiết là phù hợp.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng trình bày báo cáo thẩm tra dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quốc tịch Việt Nam. Ảnh: QUANG PHÚC
Về điều kiện được nhập quốc tịch Việt Nam, Ủy ban tán thành nội dung sửa đổi, bổ sung nhằm góp phần tăng cường khối đại đoàn kết, thúc đẩy chính sách hòa hợp dân tộc và thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao đóng góp vào sự phát triển của đất nước trong kỷ nguyên mới.
Bên cạnh đó, đề nghị tiếp tục nghiên cứu, làm rõ để quy định phù hợp điều kiện “có khả năng bảo đảm cuộc sống tại Việt Nam” đối với người xin nhập quốc tịch Việt Nam mà có vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, con đẻ, ông nội và bà nội, ông ngoại và bà ngoại là công dân Việt Nam; làm rõ thời gian thường trú ở Việt Nam từ 5 năm trở lên có cần liên tục không.
Về điều kiện được trở lại quốc tịch Việt Nam, Ủy ban cho rằng, nội dung sửa đổi này là cần thiết nhằm tạo điều kiện khuyến khích và thuận lợi hơn cho những người đã mất quốc tịch Việt Nam được trở lại quốc tịch Việt Nam, đồng thời phù hợp với thay đổi của tình hình thực tiễn, bảo đảm tính ổn định, lâu dài của luật…
LÂM NGUYÊN
Nguồn SGGP : https://sggp.org.vn/noi-long-chinh-sach-cho-nhap-tro-lai-quoc-tich-viet-nam-post795616.html