Nơi lưu dấu khí tiết hào hùng của tiền nhân

Nơi lưu dấu khí tiết hào hùng của tiền nhân
19 giờ trướcBài gốc
Vào ngày 19 - 22/2 (âm lịch) hàng năm, đền thờ Quản cơ Trần Văn Thành (xã Thạnh Mỹ Tây, huyện Châu Phú) trở thành điểm đến quen thuộc của hàng ngàn người dân trong và ngoài tỉnh. Có người đến để tưởng nhớ tiền nhân, hòa cùng niềm vui lễ hội, cũng có người đến để biết thêm về vùng đất Láng Linh - nơi ghi dấu cuộc khởi nghĩa Bảy Thưa hào hùng. Láng Linh xưa kia là một cánh đồng trũng rộng lớn, mênh mông, nhiều lau sậy, đầm lầy. Vào thời nhà Nguyễn, vùng đất này thuộc huyện Tây Xuyên, phủ Tuy Biên, tỉnh An Giang. Ngày nay, Láng Linh thuộc địa bàn các xã: Thạnh Mỹ Tây, Đào Hữu Cảnh, Bình Phú (huyện Châu Phú) và xã Vĩnh An (huyện Châu Thành).
Vào đầu thế kỷ XIX, khi vùng đất An Giang dân cư còn thưa thớt, đất hoang nhiều, nhất là vùng bờ tây sông Hậu. Lúc này, Triều Nguyễn có chủ trương đẩy mạnh khai hoang để giải quyết phần nào tình trạng kinh tế - xã hội đang gặp nhiều khó khăn. Các chỉ dụ năm 1802, 1803, khuyến khích mọi người khai hoang với các thủ tục dễ dãi, như: Cho người dân tự lựa chọn nơi khai phá, cho vay thóc giống, miễn thuế người đi khai phá đất hoang với thời hạn 3 năm… Chính vì vậy, sự xâm nhập của lưu dân người Việt vào vùng đất An Giang ngày càng mạnh mẽ hơn và dần tiến vào các vùng đất hoang vu trong đó có Láng Linh.
Đền thờ Quản cơ Trần Văn Thành là điểm đến giáo dục truyền thống yêu nước cho thế hệ hôm nay
Quá trình khai hoang ở vùng đất Láng Linh lúc bấy giờ có công lao không nhỏ của Quản cơ Trần Văn Thành và tín đồ Bửu Sơn Kỳ Hương. Ông Trần Văn Thành (sinh khoảng năm 1818), quê quán tại thôn Bình Thạnh Đông, tổng Vĩnh Trinh, huyện Vĩnh An, phủ Định Viễn, trấn Vĩnh Thanh (nay thuộc xã Phú Bình, huyện Phú Tân). Ông gia nhập quân đội triều Nguyễn từ năm 1840, nhờ giỏi võ nghệ, chữ nghĩa và tài chỉ huy, ông được phong làm Suất đội, chỉ huy 50 binh lính. Giai đoạn này, ông Trần Văn Thành lập nhiều công trận, được thăng chức Quản cơ.
Cuối năm 1847, tình hình biên giới ổn định, giặc giã không còn, triều đình Huế cho giải ngũ một số binh sĩ, lúc này Quản cơ Trần Văn Thành về trú ngụ tại Cồn Nhỏ (nay thuộc xã Phú Bình, huyện Phú Tân) để khai khẩn đất hoang. Năm 1849, Trần Văn Thành gia nhập giáo phái Bửu Sơn Kỳ Hương do ông Đoàn Minh Huyên sáng lập. Năm 1851, giữa lúc triều Nguyễn đề ra chính sách khẩn hoang lập làng ở An Giang, Trần Văn Thành cùng gia đình đến vùng trũng Láng Linh để khẩn hoang đất đai. Vốn là người yêu nước nên khi Pháp chiếm An Giang, Quản cơ Trần Văn Thành đã chiêu mộ, quy tụ được nhiều nghĩa quân yêu nước khắp Nam Kỳ lục tỉnh cùng Nhân dân đứng lên chống quân xâm lược.
Qua vài lần tấn công các đồn của quân Pháp không thành công, Quản cơ Trần Văn Thành nhận thấy phải phát triển lực lượng mạnh mẽ hơn nữa và cần có một cứ điểm mới để đương đầu với quân Pháp lâu dài. Do đó, ông lui về vùng đất do ông và tín đồ Bửu Sơn Kỳ Hương khai hoang để xây dựng căn cứ Láng Linh - Bãi Thưa. Đây là căn cứ được xây dựng dựa vào thế đất hiểm trở, có hệ thống đồn phòng thủ xung quanh, tạo thế liên hoàn, có cả khu vực rèn đúc, sản xuất vũ khí tại chỗ.
Năm 1872, Quản cơ Trần Văn Thành phất cờ khởi binh chống Pháp, lấy hiệu binh Gia Nghị và tổ chức nhiều đợt tấn công vào các nơi chiếm đóng của quân Pháp ở xung quanh căn cứ Bãi Thưa, dọc theo sông Hậu và rạch Mặc Cần Dưng… Sau nhiều lần quân Pháp tấn công, chiêu dụ Trần Văn Thành không thành công, ngày 19/3/1873 (nhằm ngày 20/2 âm lịch, năm Quý Dậu), Pháp tổ chức tổng tấn công căn cứ Bãi Thưa với sự giúp sức của nhiều tên Việt gian. Sau 1 ngày cầm cự, trước hỏa lực mạnh của quân xâm lược, căn cứ Bãi Thưa thất thủ, Trần Văn Thành ra lệnh cho nghĩa binh và gia đình rút lui, tránh được tổn thất lớn, riêng ông mất tích.
Mặc dù cuộc khởi nghĩa do Quản cơ Trần Văn Thành khởi xướng thất bại, nhưng tiếng vang về lòng yêu nước của nghĩa binh Gia Nghị vẫn sống mãi. Tưởng nhớ công lao khai hoang, phục hóa và chống giặc ngoại xâm, Nhân dân huyện Châu Phú đã lập đền thờ Quản cơ Trần Văn Thành tại trại ruộng Láng Linh. Năm 1986, đền thờ Quản cơ Trần Văn Thành được Bộ Văn hóa Thông tin công nhận là di tích lịch sử cấp quốc gia. Năm 2003, nhân kỷ niệm 130 năm ngày Quản cơ Trần Văn Thành chống Pháp hy sinh và cuộc khởi nghĩa Bảy Thưa, huyện Châu Phú đã quyết định chọn ngày 21/2 (âm lịch) hàng năm là ngày tổ chức lễ hội văn hóa truyền thống của huyện.
Trải qua hơn trăm năm, thế hệ người dân hôm nay luôn ghi nhớ và tự hào về cuộc khởi nghĩa chống Pháp của nghĩa binh Gia Nghị do Quản cơ Trần Văn Thành lãnh đạo. Họ tưởng nhớ Quản cơ Trần Văn Thành không chỉ vì khí tiết không khuất phục trước quân địch, mà còn vì ông đã lưu dấu trong công cuộc khai hoang trên cánh đồng Láng Linh ngày ấy. Tiếp nối truyền thống yêu nước, trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, từng lớp người sống tại vùng đất Láng Linh xưa đã kiên cường, bất khuất, vượt qua gian khổ, không tiếc hy sinh máu xương, góp phần vào sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, bảo vệ làng quê, bảo vệ thành quả do tiền nhân khai khẩn.
Ngày nay, tuy dấu tích của vùng đất Láng Linh xưa kia không còn nữa, nhưng hình ảnh Láng Linh của thời đấu tranh hào hùng chống Pháp vẫn mãi rạng ngời trang sử vẻ vang, sống mãi trong lòng hậu thế. “Lễ hội Văn hóa truyền thống huyện Châu Phú được diễn ra hàng năm nhằm giáo dục lòng yêu nước, sự tự hào về tinh thần đấu tranh chống giặc ngoại xâm của dân tộc.
Thông qua lễ hội nhằm giới thiệu di tích lịch sử cách mạng cấp quốc gia của huyện Châu Phú đến với Nhân dân, du khách trong và ngoài tỉnh. Hướng đến Lễ hội Văn hóa truyền thống lần thứ XXIII năm 2025, UBND huyện Châu Phú đã triển khai kế hoạch tổ chức lễ hội với nhiều hoạt động phong phú. Theo kế hoạch, lễ hội năm nay sẽ diễn ra từ ngày 18 - 21/3/2025 (nhằm 19 - 22/2 âm lịch). Phần lễ chính bắt đầu lúc 8 giờ, ngày 21/2 âm lịch, tại đền thờ Quản cơ Trần Văn Thành (ấp Bờ Dâu, xã Thạnh Mỹ Tây)” - Phó Chủ tịch UBND huyện Châu Phú Phan Văn Vấn thông tin.
MỸ LINH
Nguồn An Giang : https://baoangiang.com.vn/noi-luu-dau-khi-tiet-hao-hung-cua-tien-nhan-a412217.html