Nghĩa trang liệt sĩ Điện Biên Phủ. Ảnh: AP
50 năm – Ký ức vẫn còn nguyên vẹn
Theo trang SCMP, một số du khách quốc tế thường biết về cuộc kháng chiến chống Mỹ của nhân dân Việt Nam qua những bộ phim, hình ảnh và sách lịch sử. Hàng nghìn người dân Mỹ và Việt Nam cũng biết đến cuộc kháng chiến này sau các chuyến viếng thăm các nghĩa trang- nơi những anh hùng liệt sĩ đã hy sinh trong cuộc chiến cách đây hơn 50 năm.
Ngày nay, vào mỗi dịp 30.4, những cựu chiến binh vẫn mong muốn thực hiện các chuyến đi thăm lại chiến trường xưa, dâng hương tưởng nhớ các đồng đội đã hy sinh vì sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc trong khi những du khách muốn tận mắt chứng kiến nơi diễn ra các trận đánh lớn trong cuộc kháng chiến.
"Nơi đây từng là chiến trường khi tôi ở đây ", cựu binh Mỹ Paul Hazelton đã nói như vậy khi ông cùng vợ đi qua khuôn viên của Bảo tàng Chứng tích Chiến tranh ở TP.HCM.
Chuyến tham quan điểm đến lịch sử của cựu binh Mỹ Hazelton diễn ra trước sinh nhật lần thứ 80 đã đưa ông trở lại những nơi ông từng phục vụ khi còn trẻ.
Trở lại Việt Nam, ông Hazelton giờ đây nhận thấy sự hối hả và nhộn nhịp của đất nước Việt Nam, mà theo ông, điều đó thật đáng chú ý.
“Tôi vui mừng vì sự thân thiện của người dân Việt Nam với chúng tôi và cảm thấy rất vui vì hiện nay hai nước Việt - Mỹ đã thiết lập mối quan hệ ngoại giao, mở ra một chương mới, mang ý nghĩa lịch sử trong quan hệ hai nước”, ông Hazelton nói.
Khách du lịch đứng ngoài Địa đạo Củ Chi. Ảnh: AP
Bảo tàng kể lại những câu chuyện lịch sử
Năm nay, Việt Nam kỷ niệm 50 năm ngày thống nhất đất nước và 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao với Mỹ.
Đáng chú ý, ngành du lịch đất nước đã phục hồi nhanh chóng kể từ đại dịch Covid-19 và hiện là động lực quan trọng thúc đẩy tăng trưởng của Việt Nam, tạo thêm các cơ hội việc làm tại quốc gia này. Việt Nam đã đón hơn 17,5 triệu du khách nước ngoài vào năm 2024, gần với kỷ lục 18 triệu được thiết lập vào năm 2019 trước đại dịch.
Bảo tàng Chứng tích Chiến tranh thu hút khoảng 500.000 du khách mỗi năm, trong đó khoảng 2/3 là người nước ngoài. Trong 35 năm hoạt động, Bảo tàng đã đón tiếp trên 15 triệu lượt khách tham quan trong và ngoài nước. Hiện tại, bảo tàng là một trong những địa chỉ văn hóa du lịch có sức thu hút cao, được sự tín nhiệm của công chúng trong và ngoài nước.
Bảo tàng Chứng tích Chiến tranh cũng là bảo tàng chuyên đề nghiên cứu, sưu tầm, lưu trữ, bảo quản và trưng bày những tư liệu, hình ảnh, hiện vật về những chứng tích tội ác và hậu quả của các cuộc chiến tranh. Qua đó, Bảo tàng mang đến những câu chuyện về tinh thần đấu tranh bảo vệ độc lập tự do của Tổ quốc, về ý thức chống chiến tranh xâm lược, bảo vệ hòa bình và tinh thần đoàn kết hữu nghị giữa các dân tộc trên thế giới, gợi nhớ lại ký ức chiến tranh cho những cựu chiến binh và truyền tải kiến thức lịch sử quan trọng cho thế hệ trẻ tương lai.
Ngoài ra, các địa điểm liên quan đến lịch sử khác còn có Dinh Độc Lập, khách sạn Rex, hay Địa đạo Củ Chi. Khi đến thăm địa đạo, du khách có thể hiểu rõ hơn về lịch sử chiến tranh của dân tộc.
Địa đạo Củ Chi là nơi thu nhỏ trận đồ biến hóa và sáng tạo của quân và dân Củ Chi trong cuộc kháng chiến lâu dài, ác liệt suốt 30 năm chống kẻ thù xâm lược, giành độc lập, tự do cho Tổ quốc. Dựa vào hệ thống đường ngầm, các chiến sỹ và nhân dân Củ Chi đã chiến đấu vô cùng anh dũng, lập nên những chiến công thần kỳ. Với tầm vóc lịch sử lớn lao, địa đạo Củ Chi đã đi vào lịch sử đấu tranh anh hùng của nhân dân Việt Nam như một huyền thoại của thế kỷ 20 và trở thành một địa danh nổi tiếng trên thế giới. Địa điểm này thu hút khoảng 1,5 triệu du khách mỗi năm.
"Giờ đây, tôi có thể hiểu rõ hơn một chút về cuộc sống của người dân thời chiến, cách người dân Việt Nam dũng cảm đứng lên chiến đấu và bảo vệ đất nước", du khách người Ý Theo Buono cho biết sau khi đến thăm địa điểm này.
Trong khi đó, chuyến thăm Địa đạo Củ Chi của cựu chiến binh Lưu Văn Đức cũng mang ý nghĩa lớn cho ông, là dịp để ông trở lại chiến trường xưa, nhớ lại những ngày tháng gian khổ nhưng vẻ vang cùng những người đồng chí.
“Tôi rất xúc động khi đến thăm những chiến trường cũ. Mong muốn cuối cùng của tôi là có thể sống lại những ngày tháng khó khăn nhưng vinh quang đó cùng với những người đồng chí của mình. Những di tích như thế này phải được bảo tồn để các thế hệ sau hiểu biết hơn về lịch sử đất nước, về những chiến thắng vẻ vang của nhân dân ta trước kẻ thù mạnh hơn rất nhiều nhiều”, ông nói.
HỒNG NHUNG