Lãnh đạo Liên đoàn Lao động tỉnh nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của công nhân tại một khu nhà trọ ở xã Điềm Thụy (Phú Bình).
Chưa đầy 30 tuổi, chị Vừ Thị Va (ở xã Bộc Bố, huyện Pắc Nặm, tỉnh Bắc Kạn) đã có 2 con, 1 đứa học lớp 5 và 1 đứa lớp 7. Mang theo mong ước về công việc với thu nhập ổn định và con cái sẽ có cơ hội phát triển tốt hơn, chị Va cùng chồng là anh Sùng A Páo đã đến thuê trọ ở xã Điềm Thụy (Phú Bình) và xin vào làm việc tại Công ty TNHH KHVATEC.
Chị Va tâm sự: Các con càng lớn, tiền ăn học càng nhiều, vì thế vợ chồng tôi quyết định đi làm công ty để 2 con ở nhà chăm sóc cho nhau. Hằng tháng, sau kỳ lĩnh lương, vợ chồng tôi lại bắt xe về quê thăm con và đưa tiền để các con trang trải sinh hoạt, đóng học phí. Biết các con phải xa bố mẹ là thiệt thòi nhưng cả nhà chỉ trông vào vài sào ruộng, cấy lúa cũng chỉ đủ ăn chứ không có thu nhập nếu không đi làm xa.
Còn chị Hà Thị Cúc (quê ở xã Yên Trạch, Phú Lương) phải gửi con cho ông bà trông hộ từ lúc 6 tháng tuổi để đi làm tại Công ty TNHH RF Tech. Chị Cúc tâm sự: Làm việc từ thứ 2 đến thứ 7, chỉ được nghỉ Chủ nhật nên tôi tranh thủ cuối tuần đi xe máy về nhà. Ngày thứ 7 tăng ca muộn đến đâu tôi cũng cố về để ngày Chủ nhật được chơi với con. Thời gian đầu, tối nào ở nhà trọ tôi cũng khóc vì nhớ con, sữa mẹ thì căng mà con ở nhà vắng hơi mẹ nên cũng khóc ngằn ngặt. Dần dà, 2 mẹ con cũng vượt qua giai đoạn khó khăn, giờ cháu đã 16 tháng tuổi. Chồng tôi ở nhà đi làm thợ xây, cũng nay đây mai đó theo công trình nên có khi cả tháng trời vợ chồng, con cái mới được đoàn tụ. Dù vậy, hai vợ chồng tôi luôn động viên nhau cùng cố gắng. Tôi rất mong có nhà trẻ tại các khu công nghiệp để chúng tôi có thể gửi con, yên tâm làm việc.
Hiện nay, số công nhân, viên chức, lao động (CNVCLĐ) trong các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh có gần 100 nghìn người; trong đó, Công đoàn Các khu công nghiệp tỉnh quản lý trực tiếp hơn 28.900 CNVCLĐ; thu nhập bình quân của người lao động đạt 7,1 triệu đồng/người/tháng.
Công đoàn Công ty TNHH SR Tech (Khu công nghiệp Sông Công I) khen thưởng con đoàn viên đạt thành tích cao trong học tập.
Có thể khẳng định, đời sống vật chất, tinh thần của CNLĐ những năm qua đã từng bước đi vào ổn định và ngày càng được cải thiện, nâng cao.
Tuy nhiên, so với mặt bằng chung, cuộc sống của người lao động vẫn còn nhiều khó khăn. Đâu đó, trong những câu chuyện bên mâm cơm gia đình công nhân ở nơi xóm trọ ở các khu công nghiệp, vẫn còn những trăn trở, lo lắng về chuyện gửi con, đón con, chọn trường học cho con…
Trước thực tế trên, để tạo điều kiện cho công nhân có con nhỏ yên tâm làm việc, một số công ty đã đầu tư xây dựng phòng vắt, trữ sữa cho lao động nữ. Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp cũng hỗ trợ thêm về nhà ở, xăng xe, ăn ca, tiền gửi trẻ... hỗ trợ lao động có hoàn cảnh khó khăn, nghỉ làm đi khám thai vẫn được hưởng phụ cấp chuyên cần, từ đó giúp chị em yên tâm hoàn thành tốt công việc, đảm bảo mức thu nhập.
Một số đơn vị đã có suất ăn đặc biệt dành cho lao động nữ mang thai với giá trị từ 27-30 nghìn đồng/người. Hiện nay, đã có 16 doanh nghiệp hỗ trợ tiền gửi trẻ với trên 2.460 CNLĐ được hưởng, mức hỗ trợ từ 10-50 nghìn đồng/trẻ/tháng.
Nhân dịp Quốc tế Thiếu nhi 1-6, các công đoàn cơ sở đã tặng trên 7.000 suất quà cho các cháu con CNLĐ tại đơn vị với tổng giá trị quà trên 700 triệu đồng.
Có thể thấy, thời gian qua, công đoàn các cấp công đoàn đã có nhiều hoạt động chăm lo đến đời sống vật chất, tinh thần của người lao động tại các khu công nghiệp. Tuy nhiên, cuộc sống của những người công nhân xa nhà vẫn còn nhiều khó khăn, nhất là về nhà ở, điều kiện chăm sóc con, dịch vụ nhà trẻ…
Do vậy, đại đa số người lao động mong muốn Nhà nước và doanh nghiệp xây dựng những khu nhà ở xã hội, nhà trẻ, trường học tại các khu công nghiệp để công nhân yên tâm lao động, sản xuất.
Khánh Thiện