1. Mỗi lần về Quảng Trị, tôi lại bồi hồi thăm Nghĩa trang Trường Sơn, Nghĩa trang Đường 9. Hơn 20.500 ngôi mộ (xin đồng đội tha thứ, tôi làm tròn số để bạn đọc dễ nhớ) ở hai nghĩa trang liệt sỹ cấp quốc gia này, tôi không thể thắp đủ nhang cho từng đồng đội, nhưng không quên một ai. Không quên, ngoài nghĩa đồng bào phải biết tri ân những người đã hy sinh cho cho đất nước trường tồn, tôi còn là một người lính Giải phóng đánh giặc suốt 10 năm ở hai chiến trường ác liệt nhất là Trị - Thiên - Huế và Đông Nam bộ, nên ở hai nghĩa trang này và 70 nghĩa trang khác ở tỉnh Quảng Trị (cũ) - là nơi nhiều nghĩa trang nhất nước, cũng như hơn 3.000 nghĩa trang trên toàn quốc, trong những ngôi mộ là đồng đội của tôi!
Nghĩa trang liệt sỹ Trường Sơn
Ai từng đi qua những cuộc chiến tranh giữ nước mới cảm hết nghĩa tình đồng đội sâu nặng đến mức nào. Trận đánh đầu tiên mà tôi tham gia khi trở thành bộ đội Cụ Hồ là phục kích địch ở km41 trên đường 9, tháng 11/1965. Chúng tôi chỉ có một đại đội, đối phương có đến một tiểu đoàn. Lính Sư đoàn 1 Cộng hòa ở căn cứ 41 nhiều kinh nghiệm chiến đấu, còn chúng tôi là tân binh vừa được huấn luyện 4 tháng ở miền Bắc. Chúng tôi chiếm mấy quả đồi nhưng đối phương đông quân, đã vòng ra sau lưng đánh tập hậu. Địch chỉ còn cách mươi mét mà tôi cứ lúng túng với khẩu AK47, thấy vậy, tiểu đội trưởng Trần Bát đã nổ súng thu hút địch về phía mình, và anh bị thương nặng trong lúc chúng tôi đánh bật một trung đội địch. Được lệnh lui quân, tôi cõng tiểu đội trưởng băng rừng về địa điểm tập kết, nhưng bị lạc đường. Hai ngày đêm giữa đại ngàn Trường Sơn, tiểu đội trưởng lã dần trong tay tôi. Trước khi mất, anh bảo, đã đánh giặc thì phải bình tĩnh, có bình tĩnh mới xử lý được những tình huống nguy hiểm. Anh rơm rơm nước mắt đưa cho tôi địa chỉ gia đình và dặn khoan báo tử, để phần gạo tiêu chuẩn của anh thêm vào những nắm cơm vắt ít ỏi cho tiểu đội. Tôi chôn người tiểu đội trưởng thân yêu cạnh một gốc bằng lăng, bởi biết anh thích loại hoa tím thủy chung này, dùng dao găm đục tên anh, tên đơn vị vào một hòn đá suối to cỡ chiếc mũ tai bèo, đinh ninh ngày trở lại đưa anh về với mẹ, với người vợ mới cưới, cũng là mối tình đầu của anh, ở Hương Sơn, Hà Tĩnh…
Còn nhiều đồng đội đem thân mình chở che cho tôi để tôi còn sống đến hôm nay. Đã có bao đồng đội chết thay cho đồng đội, đã có bao đồng đội hứng chịu bom đạn thay cho đồng đội để đất nước có ngày hòa bình. Đồng đội của tôi đã hy sinh vẫn xếp hàng ngay ngắn trong các nghĩa trang như đợi lệnh Tổ quốc là đi đến bất cứ nơi đâu để giữ yên bờ cõi. Biết bao đồng đội thương tật của tôi vẫn lặng thầm vật vã chịu đau đớn để gia đình và xã hội giảm phần nào nỗi xót xa sau chiến tranh.
2. Trong hai cuộc chiến tranh giữ nước, hai cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam và phía Bắc, bảo vệ biển đảo thiêng liêng, 1.146.250 đồng đội của tôi đã hy sinh, nhưng hiện còn gần 200.000 hài cốt liệt sỹ chưa được tìm thấy, thi thể các anh, các chị còn nằm lại trên các chiến trường Việt Nam, Lào, Campuchia, nằm lại dưới Biển Đông; gần 300.000 hài cốt liệt sỹ đã được quy tập về các nghĩa trang nhưng chưa xác định được danh tính, quê quán, đơn vị.
Như vậy là hơn nửa triệu gia đình đã cống hiến cha, mẹ, vợ, chồng, con cho đất nước độc lập, tự do chưa được biết người thân đã ngã xuống và nằm lại nơi đâu, chưa được biết họ đã sống, chiến đấu và hy sinh vì Tổ quốc như thế nào.
Có những thống kê làm nhức nhối tâm can, như đất nước có đến 139.275 Bà Mẹ Việt Nam Anh hùng có chồng, con hy sinh trong các cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc. Có những bà mẹ như mẹ Nguyễn Thị Thứ ở Quảng Nam (cũ) có chồng, chín con đẻ, một con rể, hai cháu ngoại là liệt sỹ, mẹ Trần Thị Mít ở Quảng Trị (cũ) có chồng, sáu con đẻ, một con dâu và một cháu nội là liệt sỹ, mẹ Lê Thị Tự ở Quảng Nam (cũ) có chín con là liệt sỹ, mẹ Phạm Thị Ngư ở Bình Thuận (cũ), mẹ Nguyễn Thị Rành ở Sài Gòn mỗi mẹ có tám con là liệt sỹ, bản thân hai mẹ là Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân…
Trong kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, chiến tranh bảo vệ biên cương Tổ quốc, có hơn 4 triệu dân thường Việt Nam đã chết và bị thương tật suốt đời do bom đạn, do kẻ thù giết hại…
Bao năm đau đáu với nỗi niềm ấy, với tất cả trách nhiệm và lòng biết ơn đối với những người đã hy sinh vì Tổ quốc, Nhà nước đã tổ chức các đơn vị chuyên trách tìm hài cốt liệt sỹ khắp các chiến trường, đã phối hợp với nước bạn Lào và Campuchia, đã phối hợp với cựu binh Mỹ từng tham gia chiến tranh ở Việt Nam để tìm kiếm hài cốt liệt sỹ; đã thành lập cơ sở dữ liệu quốc gia về liệt sỹ, đã thành lập ngân hàng gene để xác định ADN đối chiếu với thân nhân liệt sỹ, đã có nhiều chính sách chăm sóc gia đình liệt sỹ, chăm sóc thương bệnh binh và những người đã góp công sức đánh đuổi giặc ngoại xâm. Kết quả từ những việc làm ấy là không nhỏ, nhưng tri ân biết mấy cho vừa!
Nghĩa trang liệt sỹ Đường 9
3. Tại một tờ báo nơi tôi cộng tác, cựu tổng biên tập là con một liệt sỹ khi chị mới hai tuổi, chưa được thấy mặt cha. Người mẹ của chị ở vậy nuôi dạy chị nên người. Khi chị thành đạt thì người mẹ đã Chôn tuổi xuân trong má lúm đồng tiền (Trường ca Đường tới thành phố của nhà thơ Hữu Thỉnh). Đó là một trong hàng chục vạn người vợ mất chồng mà vẫn hy vọng Ngày ấy sẽ đến anh sẽ về sẽ về phải không anh (ca khúc Mùa xuân của nhạc sĩ Phạm Minh Tuấn).
Tình yêu Tổ quốc và niềm hy vọng nuôi dưỡng ý chí, vì thế mà bao người mẹ đã âm thầm chịu đựng mất mát để tiếp tục tiễn con ra trận. Khi tôi tìm được gia đình tiểu đội trưởng Trần Bát thì được biết một em trai, một em gái của anh đã lần lượt hy sinh trên tuyến lửa Vĩnh Linh. Không có được niềm an ủi như người mẹ của chị tổng biên tập, vợ của tiểu đội trưởng Trần Bát bao năm vẫn Một mình một mâm cơm/ Ngồi bên nào cũng lệch (Hữu Thỉnh). Còn tôi, hơn 60 năm qua đã nhiều lần tìm về nơi chôn cất tiểu đội trưởng Trần Bát mà bất lực không biết anh nằm nơi đâu. Cây bằng lăng không còn, khu rừng xưa biến thành nương rẫy từ bao giờ, hòn đá có tên anh, tên đơn vị giờ lăn lóc nơi đâu. Thế là tôi không đưa được anh về với mẹ, về với người vợ chưa được ấm hơi chồng, như đã hẹn thề “giải phóng đất nước rồi, chúng mình phải đưa nhau về quê”…
Cũng như chị tổng biên tập, tôi có người cha hy sinh lúc cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp bắt đầu chuyển sang thế phản công. Tôi mang hình ảnh người cha tập kết ra Bắc, mang hình ảnh người cha trở về chiến trường, còn mẹ tôi vẫn âm thầm làm ra hạt lúa củ khoai nuôi quân đánh giặc, hết 9 năm rồi 21 năm. Cũng như tiểu đội trưởng Trần Bát, tôi có mối tình đầu với một nữ sinh làm quân báo mặt trận B4 (Quân khu Trị - Thiên - Huế). Tôi trực tiếp cầm súng mà đạn đối phương bắn mãi không chết, còn em, để chuẩn bị cho đợt tổng tiến công Tết Mậu thân 1968, trên đường trinh sát, đêm vượt sông Thạch Hãn để vào thị xã Quảng Trị thì bị địch phát hiện. Tôi chôn cất em đã 57 năm mà vẫn khôn nguôi nỗi đau Tím chiều hoang biền biệt (thơ Hữu Loan).
Không chỉ Ngày Thương Binh - Liệt sĩ hằng năm, xin hãy đời đời ghi nhớ, tri ân công ơn và sự hy sinh của các anh, các chị, của những Mẹ Việt Nam Anh hùng, của các gia đình đã cống hiến xương máu và của cải cho Tổ quốc trong những cuộc chiến tranh giữ nước!
Phương Hà