Những người trồng dưa hấu phải sống tạm bợ trong những chiếc lều dựng tạm.
Đời du mục
Hàng năm, cứ vào đầu tháng 11 âm lịch, khi mọi người tất bật với công việc chuẩn bị cho Tết cổ truyền cũng là lúc các anh Nguyễn Pháp (1989), Trần Lập (1983) - cùng trú xã Tam Lộc, huyện Phú Ninh (Quảng Nam) -chuẩn bị các vật dụng thiết yếu: áo quần, tăng bạt, võng, đèn pin, bình ăc-quy, xoong nồi, bếp ga cùng các loại nhu yếu phẩm khác “khăn gói” rời gia đình, bắt đầu hành trình trồng, chăm sóc để cho đời những quả dưa hấu ngon ngọt, bổ, rẻ.
Hành trình đó bắt đầu từ việc đi tìm, thuê đất ở các địa phương như: Điện Bàn, Đại Lộc, Duy Xuyên…, nơi có những bãi bồi đầy ắp phù sa của dòng sông Thu Bồn, Vu Gia cùng các chi lưu, như: sông Yên, Vĩnh Điện… sau mỗi mùa lũ về. Và từ đây, họ bắt đầu cuộc sống chẳng khác gì du mục trên thảo nguyên xa xôi. Tâm sự về nghề trồng dưa hấu, anh Nguyễn Pháp trải lòng: “Thật ra, chẳng ai muốn xa vợ con khi “ngày hết, tết đến”; chỉ là vì mong muốn đánh đổi sự khổ cực của bản thân để gia đình có cuộc sống sung túc hơn nên đành phải chấp nhận thôi… Nỗi khổ của những người sống bằng nghề trồng dưa hấu, đầu tiên phải kể đến là chuyện đối diện với nợ nần. Vì, ngoài việc am hiểu kỹ thuật trồng, chăm sóc cây trồng…, tất cả giống, phân bón, thuốc trừ sâu, bạt nhựa… đều được các đại lý “tạm ứng” với giá cao từ 2% đến 3% so với giá bán được định lượng trên diện tích gieo trồng và được người trồng dưa thanh toán sau khi thu hoạch. Cụ thể, mỗi ha đất có chi phí từ 180 triệu đến 200 triệu đồng tiền giống, vật tư. Tuy nhiên, không phải mùa dưa nào cũng đạt được như ý nguyện của người trồng, nên ngoài những khó khăn thường nhật, chuyện nợ nần là điều khó tránh khỏi”.
Cùng đó, những người trồng dưa như anh Pháp, Lập… luôn phải đối diện với những khó khăn thường nhật khác như thiếu thốn khi phải sống trong tình trạng không gia đình, không điện, không nước sạch… Nguồn sáng duy nhất trong túp lều dựng tạm trên bãi bồi bên bờ sông là chiếc bóng đèn 20W được thắp lên từ nguồn điện của bình ắc quy được nạp từ tấm pin điện mặt trời, nước được sử dụng cho việc nấu ăn, sinh hoạt được máy bơm hút lên từ dòng sông bên cạnh cùng những điều kiện khắc nghiệt, bất thường của thời tiết… Một vấn đề khác mà những người trồng dưa hấu ở các bãi bồi ven sông thường xuyên đối mặt là tình trạng trộm cắp. Những đạo chích chẳng từ một thứ gì, từ những bao phân chuẩn bị bón cho cây đang độ ra hoa kết quả đến vụ dưa chuẩn bị đến kỳ thu hoạch…
Theo anh Trần Lập, dưa hấu là loại cây khó trồng, phụ thuộc hoàn toàn vào khí hậu. Với các loại cây trồng khác, khí hậu cuối năm 2024 và những tháng đầu năm 2025 được cho là thuận trời, song với cây dưa là điều bất lợi. Những đợt không khí lạnh tràn về khi cây đang độ ra hoa, kết trái đã làm người trồng dưa “ăn ngủ không yên”.
Đến nỗi khổ khi thu hoạch nhưng không tiêu thụ được…
Được, mất trông chờ vào thị trường
Ngoài thời tiết, điều làm những người trồng dưa hấu lo lắng hơn cả là đầu ra của sản phẩm.
Hiện nay, dưa hấu được trồng nhiều và phổ biến ở các tỉnh như: Hải Dương, Quãng Ngãi, Sóc Trăng, Long An... với tổng diện tích hơn 60.000 ha, sản lượng đạt khoảng 1,5 triệu tấn.Với sản lượng lớn như vậy, việc tiêu thụ trong nước gặp nhiều khó khăn và phụ thuộc phần lớn vào việc xuất khẩu sang nước ngoài theo dạng tiểu ngạch. Trong khi đó, dưa hấu là loại trái cây khó bảo quản, dễ hư hỏng trong quá trình vận chuyển. Theo đó, quá trình xuất khẩu gặp khó khăn, kéo dài thời gian cũng ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm; và điều đó ảnh hưởng đến giá cả. Theo tìm hiểu, với năng suất đạt 80 tấn/ha, giá bán trên thị trường hiện tại từ 3.000 đến 4.000 đồng/1 kg thì người trồng chỉ hòa đến lỗ vốn.
Theo các chuyên gia, tình trạng giá dưa hấu tại Quảng Nam giảm mạnh, thương lái không thu mua, người nông dân không thể thu hồi vốn, thậm chí còn bị lỗ do nhiều yếu tố gây ra, như: chi phí đầu vào tăng cao, thời điểm thu hoạch trùng với các địa phương khác khiến nguồn cung dư thừa, cùng với sự phụ thuộc vào thị trường xuất khẩu, đặc biệt là Trung Quốc. Đây không chỉ là vấn đề về khó khăn của ngành nông nghiệp, mà còn là lời cảnh báo về sự thiếu ổn định của thị trường nông sản. Do đó, trách nhiệm của chính quyền địa phương trở nên rõ ràng hơn bao giờ hết trong việc hỗ trợ nông dân và cần có những biện pháp mạnh mẽ hơn để sản phẩm có được đầu ra bền vững, đặc biệt là trong việc tìm kiếm các thị trường xuất khẩu thay thế và cải thiện hệ thống phân phối...
Hy vọng với sự giúp đỡ từ các cơ quan chức năng cùng sự cảm thông của xã hội…, nỗi khổ cùng những nỗi niềm của những người trồng dưa hấu đang phải gánh chịu sẽ được sẻ chia và chỉ còn là câu chuyện trong ký ức.
M.T